08:22 01/09/2023

Mục tiêu kinh tế số tăng gấp 3-4 lần tăng trưởng GDP là thách thức, cần giải pháp đột phá

Nam Anh

Kinh tế số là một trong ba trụ cột của chuyển đổi số, là công cụ giúp bình ổn và tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng…

Tại hội nghị, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ký kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
Tại hội nghị, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ký kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế số tại Phiên họp chuyên đề lần thứ hai với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực” do Uỷ ban quốc gia về Chuyển đổi số tổ chức (theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp) mới diễn ra, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, cho rằng để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra, ước tính kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 - 25%/năm. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được.

Theo Bộ trưởng Hùng, kinh tế số bao gồm hai thành phần: Công nghiệp ICT và kinh tế số ngành, lĩnh vực. Kinh nghiệm cho thấy muốn phát triển kinh tế số phải phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực. Mục tiêu là đến năm 2030, kinh tế số ngành phải chiếm ít nhất 70% kinh tế số cả nước. Muốn kinh tế số phát triển cần phải có đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp công nghệ số năng động, xông xáo.

Trong hai thành tố của kinh tế số, Công nghiệp ICT (hay công nghiệp công nghệ số) bao gồm viễn thông, phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin, phần cứng, Internet (nội dung số, nền tảng số, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây) chính là nền móng, nền tảng, đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của kinh tế số. Để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, các doanh nghiệp công nghệ số phải nhận lấy trách nhiệm, sứ mệnh này.

 
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Việt Nam phải đi con đường Việt Nam thì mới có cơ hội tiến lên đi đầu, đi theo con đường của người khác thì mãi là người đi sau. Lý luận về chuyển đổi số, về phát triển kinh tế số Việt Nam có ý nghĩa quyết định và Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu xây dựng lý luận này.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam cần thúc đẩy chuyển đổi số để phát triển kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực, đưa dữ liệu và công nghệ số thẩm thấu một cách tự nhiên, mặc định vào từng lĩnh vực của nền kinh tế.

Người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông, cho rằng với đặc điểm của kinh tế số, yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế số chính là đặc điểm dân tộc, ngữ cảnh đất nước và đặc thù của từng ngành. Bài toán Việt Nam thì tạo ra lời giải và sản phẩm Việt Nam, cần đến cách tiếp cận Việt Nam. Việt Nam phải đi con đường Việt Nam thì mới có cơ hội tiến lên đi đầu, đi theo con đường của người khác thì mãi là người đi sau. Lý luận về chuyển đổi số, về phát triển kinh tế số Việt Nam có ý nghĩa quyết định và Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu xây dựng lý luận này.

Muốn thúc đẩy kinh tế số thì phải đo lường được. Kinh tế truyền thống được đo lường với độ trễ khá cao, còn đối với kinh tế số, việc đo lường với độ trễ thấp được triển khai theo tháng, theo quý sẽ giúp cơ quan quản lý có biện pháp kịp thời thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số.

Tại hội nghị, đại diện một số địa phương như Hải Phòng, TP.HCM… chia sẻ khó khăn về phương pháp đo lường, đánh giá kinh tế số, và cho rằng cần có một phương pháp đánh giá thống nhất từ Trung ương đến địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông cần chủ trì thống nhất ban hành khung đánh giá kinh tế số, đại diện lãnh đạo hai địa phương đề xuất.

Trước đề xuất của các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cho biết muốn thúc đẩy kinh tế số thì địa phương phải tự nghĩ ra cách đo lường, tự đo lường thì mới tìm ra biện pháp phù hợp để thúc đẩy kinh tế số tại địa phương mình. Còn về phía Bộ Thông tin và Truyền thông thì sẽ có hướng dẫn hai bộ đo, gồm bộ đo có 320 tham số và bộ đo có 8 tham số. Với bộ đo chỉ gồm 8 tham số, lãnh đạo các địa phương sẽ dễ dàng nắm được ý nghĩa của phương pháp đo, các công thức. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Kế hoạch Đầu tư sẽ hướng dẫn, đào tạo các địa phương về cách thức đo lường kinh tế số.

Đại diện Công ty công nghệ Info Re đề xuất “bình dân học vụ trí tuệ nhân tạo” nhằm mục tiêu đào tạo hàng triệu người sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thế hệ mới nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ số, kinh tế số, xã hội số. Theo bộ trưởng Hùng, muốn phổ cập AI thì có thể nghĩ đến cách thức phổ cập dịch vụ điện thoại di động.

Có thể theo hai cách: Hoặc là cung cấp AI giống như một loại dịch vụ với giá cước tương đương giá cước dịch vụ di động. Hoặc là cài sẵn dịch vụ AI vào máy tính, điện thoại bán một lần với giá 1.000 USD chẳng hạn. Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, AI phải do mình đào tạo, mình cung cấp dữ liệu, chọn lựa thuật toán phù hợp thì mang lại nhiều lợi ích, tiềm ẩn ít nguy cơ.

 

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông đã trình bày giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh tại các địa phương để thúc đẩy kinh tế số. Đại diện Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Bình Thuận và đại diện một số doanh nghiệp công nghệ đã trình bày các tham luận quan trọng, gồm: “Chuyển đổi số cảng biển thúc đẩy kinh tế số ngành, lĩnh vực”, “Phát triển cửa khẩu số góp phần thúc đẩy kinh tế cửa khẩu địa phương”, “Triển khai giải pháp chiếu sáng thông minh vào chuyển đổi số nông nghiệp”, “Nền tảng quản trị và kinh doanh vận tải Smartlog hướng tới giải quyết vấn đề logistics quốc gia, phát triển kinh tế số”, “Giải pháp chuyển đổi số ngành dệt may đóng góp cho kinh tế số”…