Đại biểu đầu tiên giơ biển tranh luận với bộ trưởng
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu là người đầu tiên tranh luận với đại diện ban soạn thảo dự án luật
Cuối phiên thảo luận về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chiều 24/10 của Quốc hội, đã có một vị đại biểu giơ biển tranh luận với bộ trưởng - đại diện ban soạn thảo.
Đó là đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An). Đánh giá cao sự thông thoáng hơn của dự thảo, nhưng đại biểu này đề nghị cần đảm bảo cân bằng.
Trong hoạt động tôn giáo, phức tạp nhất là các chức sắc lợi dụng, còn đa phần tín đồ, chức sắc rất tốt. Nếu ta tạo điều kiện mà họ vẫn phá, thì Nhà nước phải tỏ rõ thái độ, phải chuyển tài rất rõ thông điệp “rất dân chủ, rất công bằng, nhưng cũng phải xử lý rất nghiêm nếu vi phạm để đảm bảo sự bình đẳng”, đại biểu nói.
Đại biểu Cầu cũng nhấn mạnh, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo được Hiến pháp quy định chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật, nên cần thiết kế cho tốt các hành vi bi nghiêm cấm ở dự án luật này.
Vì theo đại biểu nhìn nhận thì hiện còn nhiều lỗ hổng trong quản lý chức sắc, đây là nội dung quan trọng bậc nhất trong quản lý Nhà nước về tôn giáo. Cần lưu ý vấn đề này trong luật.
Với quan điểm này, đại biểu Cầu cũng kiến nghị sửa 7 điều, trong đó đề nghị thiết kế một khoản mới quy định rõ Nhà nước sẽ đình chỉ hoạt động nếu tổ chức tôn giáo vi phạm nghiêm trọng điều 5 của luật này.
Hồi âm ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết sẽ không quy định điều này trong luật, bởi đình chỉ là một hình thức xử phạt vi phạm hành chính, nên sẽ được quy định trong nghị định.
Giơ biển đề nghị được tranh luận, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng nếu luật không quy định đình chỉ, nghị định sẽ không thể quy định, bởi nghị định chỉ cụ thể hóa những gì luật cho phép.
Như vậy, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu là người đầu tiên tranh luận với đại diện ban soạn thảo dự án luật trong cả ngày thảo luận của Quốc hội.
Điều hành phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá là “một bước đổi mới trong quá trình thảo luận tại hội trường, đã có giải trình, có ý kiến tranh luận lại những vấn đề chưa nhất trí”.
Tranh luận giữa đại biểu và các thành viên Chính phủ tại các phiên chất vấn là điều diễn ra khá thường xuyên, bởi các bộ trưởng lúc đó là nhân vật chính.
Còn ở các phiên thảo luận về các dự án luật, sau nhiều năm gián đoạn, đến kỳ họp này đại diện ban soạn thảo mới lại được bố trí giải trình ý kiến đại biểu.
Nhưng dường như việc bố trí bộ trưởng giải trình vào gần cuối phiên không còn nhiều thời gian để các vị đại biểu có quan điểm khác tranh luận.