15:38 24/10/2016

Đại biểu muốn tranh luận, xin mời giơ biển!

Nguyễn Lê

Bộ trưởng kết thúc giải trình lúc 11h19 phút, chỉ còn 11 phút là hết giờ làm việc buổi sáng

Khi đã có 20 đại biểu đăng đàn, 15 vị đã đăng ký nhưng chưa phát biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long được mời giải trình.<br>
Khi đã có 20 đại biểu đăng đàn, 15 vị đã đăng ký nhưng chưa phát biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long được mời giải trình.<br>
Đã không có tấm biển nào được giơ lên để tranh luận trong phiên thảo luận toàn thể đầu tiên tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội sáng 24/10.

Nội dung thảo luận là dự án Luật Đấu giá tài sản, sẽ được thông qua tại kỳ họp này.

Thông thường, những phiên thảo luận này, sau khi nghe báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội các đại biểu sẽ lần lượt phát biểu theo thứ tự hiển thị trên bảng đăng ký điện tử. Sau đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lại có báo cáo tiếp thu, giải trình, được trình bày trước khi đại biểu bấm nút trong phiên họp khác - phiên họp thông qua dự án luật.

Lần này, chương trình phiên thảo luận đã có thêm nội dung Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - đại diện ban soạn thảo - sẽ đăng đàn để giải trình ý kiến của đại biểu. Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển nói, ông sẽ mời các vị đại biểu phát biểu theo thứ tự đăng ký, nhưng vị nào muốn tranh luận với các vị khác và với Bộ trưởng Bộ Tư pháp thì xin mời giơ biển.

Đây là điểm rất mới tại nghị trường, đã được Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc đề cập tại cuộc họp báo trước thềm kỳ họp.

Hai phương án đấu giá nợ xấu

Trình bày báo cáo tiếp thu giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết vẫn còn quan điểm khác nhau về đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu.

Cụ thể, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và của các công ty quản lý tài sản khác.

Một số ý kiến đề nghị không quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của VAMC trong dự án luật.

Ý kiến khác cho rằng việc quy định xử lý nợ xấu tại dự án luật là không phù hợp, không đảm bảo linh hoạt và đề nghị giao Chính phủ quy định về vấn đề xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng trước đây được các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện theo Luật Các tổ chức tín dụng và trong giai đoạn trước tháng 5/2013, tình hình nợ xấu ở nước ta là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tiền tệ quốc gia.

VAMC được thực hiện nhiều phương thức để xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, trong đó bán đấu giá tài sản chỉ là một trong các phương thức đó. Theo quy định của pháp luật hiện hành VAMC có thể thực hiện cơ cấu lại khoản nợ xấu, hỗ trợ khách hàng vay, thỏa thuận với khách hàng vay về việc chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần để tham gia cơ cấu lại tài chính và hoạt động của khách hàng vay, bán nợ cho các tổ chức, cá nhân...

Tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua được xử lý theo thỏa thuận của các bên; nếu không có thỏa thuận thì tài sản bảo đảm được bán đấu giá thông qua tổ chức đấu giá tài sản chuyên nghiệp hoặc VAMC tự bán đấu giá phù hợp với các quy định của pháp luật và bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch.

Do còn có các loại ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất hai phương án để xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

Phương án 1: Dự thảo luật quy định một số nguyên tắc về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được thực hiện theo trình tự, thủ tục phù hợp với tình hình thực tiễn xử lý nợ xấu nhưng vẫn phải đồng thời tuân thủ các nguyên tắc, quy định của Luật Đấu giá tài sản một cách công khai, minh bạch, chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền. Dự thảo Luật Đấu giá tài sản hiện đang trình Quốc hội theo phương án 1.

Phương án 2: Không quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cũng như các quyền, nghĩa vụ liên quan đến đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại dự án luật này để đảm bảo cơ chế thị trường và nguyên tắc đấu giá theo quy định của Luật này. Sau đó, sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 53/2013/NĐ-CP theo tinh thần của luật này nhằm tránh các hệ lụy pháp lý về mặt tài chính sau khi xử lý nợ và đảm bảo tính phổ quát của luật.

Vừa quản vừa bán thì không bình đẳng

Dự thảo luật quy định, trong trường hợp nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được bán đấu giá theo quy định của pháp luật thì tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá tài sản hoặc tự đấu giá tài sản theo trình tự, thủ tục quy định tại luật này.

Dự thảo luật cũng cho phép việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng  có thể được thực hiện theo thủ tục rút gọn.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nếu VAMC vừa quản vừa bán nợ xấu thì không bình đẳng. Và, nếu lại còn được thực hiện theo thủ tục rút gọn thì hết sức lo ngại sẽ tạo ra tiêu cực, ông Cường phát biểu.

Tuy nhiên, một số vị đại biểu khác cho rằng quy định như dự thảo luật là phù hợp. “Hiện nay quá trình xử lý nợ xấu diễn ra chậm, có nguyên nhân là đang được điều chỉnh ở văn bản dưới luật nên cần được luật hoá”, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nói.

Khi đã có 20 đại biểu đăng đàn, 15 vị đã đăng ký nhưng chưa phát biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long được mời giải trình.

Bộ trưởng nói, theo nghị định 53 thì VAMC có thể được làm khá nhiều việc, mua nợ xấu về thì bán nó đi, trong đó có hình thức bán đấu giá. VAMC có thể ký hợp đồng với các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để bán hoặc tự bán. Tinh thần là như vậy.

“Chúng tôi thấy rằng về nguyên tắc có thể chấp nhận phương án 1, nhưng cần làm rõ với nhau là VAMC chỉ được bán nợ xấu và tài sản đảm bảo cho nợ xấu, VAMC không phải một tổ chức bán đấu giá. Nếu tự bán trình tự thủ tục phải theo quy định của luật này”, Bộ trưởng nói. Ông cũng cho biết thêm là hiện VAMC chưa tự bán nợ xấu mà chủ yếu ký hợp đồng với các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để bán.

Bộ trưởng kết thúc giải trình, đã 11h19 phút, chỉ còn 11 phút là hết giờ làm việc buổi sáng, nên đại biểu cũng lục tục xếp tài liệu vào cặp.

Và, không có tấm biển nào được giơ lên để tranh luận.