07:38 16/10/2015

Đại biểu Quốc hội chất vấn chủ tịch tỉnh là “không phù hợp”

Nguyên Vũ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu khắc phục tình trạng sau giám sát đâu vẫn hoàn đấy - Ảnh: XH<br>
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu khắc phục tình trạng sau giám sát đâu vẫn hoàn đấy - Ảnh: XH<br>
Đại biểu Quốc hội chất vấn bộ trưởng, các thành viên Chính phủ, còn chất vấn lãnh đạo các tỉnh thì không phù hợp.

Đây là quan điểm chung của cả Chủ tịch Quốc hội và một số vị khác khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân, sáng 15/10.

Quá trình thảo luận về dự thảo luật, có một số vị đại biểu cho rằng đại biểu Quốc hội phải được chất vấn lãnh đạo địa phương. Vì trên thực tế có sự việc tuy xảy ra ở một địa phương nhưng khiến cử tri cả nước bức xúc mà đoàn đại biểu Quốc hội ở tỉnh đó lại chẳng có ý kiến gì.

Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, ông Đinh Xuân Thảo phát biểu, đại biểu Quốc hội chất vấn chủ tịch tỉnh là không phù hợp. Đại biểu Quốc hội đều được mời tham dự họp hội đồng nhân dân tỉnh, khi đó có thể gợi ý và nêu vấn đề cho đại biểu hội đồng nhân dân chất vấn thôi, ông Thảo nói.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương nêu thực tế, khi có việc xảy ra ở địa  phương mà đại biểu Quốc hội muốn chất vấn thì liên quan bộ nào sẽ chất vấn bộ đó. Nhưng sau đó địa phương có trả lời hay không hay giải quyết thế nào thì thường là không đề cập và như thế thì đơn giản quá, không đi đến tận cùng vấn đề.

Vì thế, ông Cương đề nghị bổ sung quy định bộ trưởng có trách nhiệm đôn đốc các đối tượng có liên quan trực tiếp đến chất vấn để có kết quả cuối cùng, thông tin lại cho đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Cương cũng nêu lại vấn đề mà ông nhấn mạnh là ông đã góp ý nhưng chưa được tiếp thu. Đó là khi đại biểu chất vấn vấn đề gì đó thì việc xác minh là việc của người bị chất vấn, chứ không thể hỏi đại biểu là “bằng chứng đâu?” được. Bởi đại biểu không có văn phòng giúp việc, không thể tự mình đi tìm bằng chứng.

Nhấn mạnh điểm yếu của hoạt động là sau khi giám sát thì mọi việc vẫn đâu hoàn đấy, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu dự thảo luật quy định rõ để mỗi cuộc giám sát đều có báo cáo, trong đó có nêu lên kiến nghị các cơ quan tổ chức liên quan phải báo cáo giải trình, triển khai thực hiện.

Còn nếu đoàn giám sát có kết luận đảm bảo chất lượng về sai phạm nào đó thì phải yêu cầu và người được yêu cầu phải thực hiện, sau thời gian nhất định thì tái giám sát để từ đó có trách nhiệm xử lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phản ánh, một số ý kiến đại biểu đề nghị để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả giám sát thì trong luật cần bổ sung quy định về chế tài xử lý đối với đối tượng chịu sự giám sát và các cơ quan liên quan trong trường hợp không giải quyết hoặc không trả lời yêu cầu, kiến nghị của các chủ thể giám sát.

Dự thảo luật cũng cần quy định thời hạn các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải xử lý các kết luận, kiến nghị giám sát, làm rõ giá trị pháp lý của kết luận, kiến nghị giám sát.

Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội việc bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát là nguyên tắc được đặt ra cho việc xây dựng dự án luật này. Tuy nhiên, quy định cụ thể như thế nào để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát cần dựa trên quy định về thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức đã được quy định trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Với tinh thần đó, dự thảo luật đã được rà soát theo các kiến nghị của đại biểu Quốc hội và được chỉnh lý theo hướng quy định rõ thời hạn giải quyết kiến nghị, trách nhiệm thực hiện và báo cáo kết quả việc thực hiện nghị quyết giám sát...

Đồng thời bổ sung các quy định nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động giám sát, coi đây là yếu tố quan trọng quyết định hiệu lực, hiệu quả giám sát, ông Lý cho biết.