08:47 26/05/2015

Đại biểu Quốc hội đang nghĩ gì về tình hình biển Đông?

Nguyễn Lê

Một năm trước, giàn khoan 981 trở thành tâm điểm của phẫn nộ và của cả lo toan của nhiều vị đại biểu Quốc hội

Tàu Trung Quốc tiến hành xây đảo nhân tạo trái phép tại đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: AP.
Tàu Trung Quốc tiến hành xây đảo nhân tạo trái phép tại đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: AP.
Bên cạnh đại biểu bày tỏ yên tâm vì tình hình biển Đông “cơ bản là ổn định”, thì có không ít vị lo ngại sâu sắc khi “biển Đông chưa lặng sóng”, tại phiên thảo luận tổ chiều 25/5 của Quốc hội.

Một năm trước, giàn khoan 981 trở thành tâm điểm của phẫn nộ và của cả lo toan của nhiều vị đại biểu Quốc hội.

Tại kỳ họp này, Chính phủ báo cáo Quốc hội là việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức. Tiềm lực quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Đại biểu cần nhiều hơn thế, và cụ thể hơn thế.

Vậy nên, rất dễ hiểu khi một số vị đại biểu tỏ ra sốt ruột ở phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và đề nghị Chính phủ phải thường xuyên thông tin tới người dân về tình hình trên biển. Bởi dù tuyên bố hay hành động thế nào, quan trọng nhất là người dân phải biết chủ trương, quyết tâm thống nhất của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền.

Năm 2014 sự kiện giàn khoan 981 thông tin tuyên truyền rất tập trung, còn năm nay động thái rầm rộ mở rộng đảo, lấn chiếm biển của Trung Quốc như vậy mà hoạt động tuyên truyền như hiện nay hạn chế quá, đại biểu Võ Thị Dung nhận xét.

Cũng đề cập câu chuyện Trung Quốc xây đảo hiện nay, đại biểu Dương Trung Quốc đánh giá, từ khía cạnh những người làm sử, đây là một thảm họa lâu dài, khó đối phó. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về nội dung này lại mờ nhạt, chưa tương xứng, chưa làm cả đại biểu, cử tri và dư luận yên tâm.

Biển Đông chưa lặng sóng là nhận xét của đại biểu Bùi Đức Thụ. Theo vị đại biểu này thì những diễn biến trên biển vừa qua, như việc giàn khoan 981 tái xuất trên biển, việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động cải tạo, bồi đắp, rầm rộ xây dựng các hạng mục quốc phòng trên các đảo… cho thấy biến động thời gian tới còn nhiều.

Lo chuyện trên biển Đông sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước, là một thách thức lớn đối với yêu cầu bảo vệ chủ quyền và ổn định để phát triển, đại biểu Thụ nhắc lại việc năm 2014, Quốc hội rất phải quyết thêm 16.000 tỷ đồng chi cho vấn đề biển Đông trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, nợ công thì tăng cao, tiền thu được cần đầu tư cho phát triển, tiền trả nợ cũng khó thu xếp được, bội chi đã phải điều chỉnh từ 4,6 lên 5,3%.

Vấn đề chủ quyền rõ ràng bức xúc quá, cần thiết quá nhưng ta đang không biết xử lý bằng cách nào. Bố trí nguồn chi cho việc này, Chính phủ lại phải đẩy nợ công, bội chi lên mà đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, sao trông đợi lâu dài được, ông Thụ quan ngại.

Cùng mối quan tâm đến ngư dân, đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng, chính sách, giải pháp mà Chính phủ dành cho ngư dân là rất tốt nhưng khâu thực hiện rất khó khăn, đạt hiệu quả không cao.

Theo đại biểu Vinh, ngư dân tiếp cận vốn vay không phải dễ dàng. “Ngư dân ra khơi ngoài đánh bắt hải sản còn bảo vệ chủ quyền quốc gia. Do vậy, tôi đề nghị Chính phủ khẩn trương đánh giá lại chính sách cho ngư dân vay vốn để có giải pháp cụ thể cho vấn đề này”, đại biểu Vinh kiến nghị.

Cũng đề cập đến vấn đề hỗ trợ ngư dân, đại biểu Trần Văn nhìn nhận, sau một năm, một văn bản đặc biệt như vậy nhưng không phát huy được hiệu quả, có nguyên nhân từ khâu tổ chức thực hiện.

Chung mối lo đến từ biển Đông, theo đại biểu Nguyễn Doãn Khánh thì thời gian tới cần tập trung tạo chuyển biến một số vấn đề, trong đó có việc đánh giá sát sao, dự báo tình hình phức tạp trên Biển Đông.

Việc dự báo, lên kịch bản, theo đại biểu Khánh là để chủ động ứng phó với tình huống xấu nhất, nếu có. Đặc biệt, là tác động trực tiếp của biển Đông đến phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm.

Theo chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ họp riêng trong khoảng một giờ đồng hồ nghe báo cáo về biển Đông. Trao đổi với báo chí, một số vị đại biểu cho rằng Quốc hội không chỉ nghe mà nên thảo luận, thể hiện thái độ rõ ràng về nội dung này.