18:48 18/04/2023

Đại hội cổ đông VPB: Cổ đông chất vấn về thương vụ bán vốn gần 36 nghìn tỷ cho đối tác ngoại

Phan Linh

Tại Đại hội cổ đông của VPBank diễn ra vào chiều 18/4, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, dự kiến cuối tháng 7 tới, đối tác SMBC sẽ chuyển đủ 35.904 tỷ đồng, tương ứng khoảng 15% vốn điều lệ. Vấn đề cổ đông quan tâm là VPBank sẽ làm gì với số tiền khủng này...

Đại hội cổ đông 2023 của VPBank.
Đại hội cổ đông 2023 của VPBank.

Chiều ngày 18/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank, mã chứng khoán VPB, HOSE) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

TẬN DỤNG LỢI THẾ CỔ ĐÔNG CHIẾN LƯỢC ĐẨY MẠNH PHÂN KHÚC KHÁCH HÀNG FDI

Câu hỏi mà nhiều cổ đông xoáy vào là VPBank được gì khi tiến hành thương vụ với SMBC cũng như tiến độ thực hiện ra sao. 

Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Ngô Chí Dũng, chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank cho biết ngày 17/4, VPBank đã nhận đặt cọc 10%, tương đương 3.590 tỷ đồng. Phần còn lại sẽ nhận được sau khi thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật, bao gồm: phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban chứng khoán Nhà nước, dự kiến sẽ kéo dài trong 2-3 tháng. Cuối tháng 7/2023 hoàn tất và đối tác chiến lược chuyển tiền tăng vốn.

“Thương vụ này sẽ củng cố nền tảng vốn, cho phép ngân hàng nâng cao quy mô tổng tài sản, tăng trưởng tín dụng, nâng cao sản phẩm tài chính, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu cho mọi phân khúc khách hàng, kể cả khách hàng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài (FDI). Với tư cách cổ đông chiến lược, SMBC sẽ chia sẻ bí quyết về quản trị doanh nghiệp cho VPBank. Với mạng lưới quốc gia đa dạng, SMBC sẽ giúp VPBank huy động vốn với vị thế tốt hơn trên trường quốc tế. Đồng thời, VPBank cũng có thể tiếp cận hơn 200.000 khách hàng của SMBC khi họ tham gia vào thị trường Việt Nam”, ông Dũng nói.

Theo đó, VPBank trình Đại hội cổ đông thông qua phương án phát hành 1,19 tỉ cổ phiếu (tương đương 15,005% vốn điều lệ) cho SMBC.

Từ thương vụ này, VPBank có thể thu về 35.904 tỷ đồng với giá chào bán dự kiến ở mức 30.159 đồng/cổ phiếu.

Thông tin chi tiết hơn về cơ sở đặt mục tiêu kinh doanh cho năm 2023 và các năm tiếp theo, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết động lực tăng trưởng thời gian tới sẽ đến từ hai phân khúc chiến lược bán lẻ dự kiến tăng 40% và SMEs tăng xấp xỉ 35%. Trong 3 tháng đầu năm, huy động tăng 12%, chuẩn bị nguồn vốn cho kế hoạch tăng trưởng cao. 

 

Năm 2023, VPBank đặt mục tiêu  lợi nhuận trước thuế 24.003 tỷ đồng, tăng 13% so với thực hiện năm 2022. Nếu tính trên các hoạt động kinh doanh cốt lõi, mức tăng trưởng này tương đương 53%.

Song song, VPBank chuyển hướng chiến lược xây dựng tập đoàn tài chính đa năng, chuyển phân khúc doanh nghiệp vừa và lớn từ phân khúc phụ thành phân khúc chính.

“Một phân khúc khác có thể tăng trưởng trong năm nay là doanh nghiệp FDI. VPBank dự kiến đưa số lượng khách hàng doanh nghiệp FDI từ 80 lên 300-600 doanh nghiệp.  Một số động lực khác là đưa vào nền tảng công nghệ hỗ trợ khách hàng cá nhân, tiếp tục phát triển ngân hàng số. Năm nay, ngân hàng dự kiến tăng 3,5 triệu khách hàng cá nhân mới, từ 9 triệu lên 11-12 triệu khách hàng”, ông Nguyễn Đức Vinh thông tin.

VPBank cũng định hướng chia cổ tức tiền mặt trong 5 năm liền. Lãnh đạo VPBank cho biết ngân hàng có đủ vốn để duy trì tăng trưởng cao trong 5 năm tiếp theo và chia cổ tức tiền mặt cho các cổ đông.

Chia sẻ về kết quả kinh doanh quý 1/2023, lãnh đạo ngân hàng cho biết ngân hàng mẹ hoàn thành kế hoạch còn FE Credit tiếp tục ghi nhận lỗ. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ tăng từ 2,19 lên 2,6%. Tỷ lệ nợ xấu quý 1 tăng cao và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong quý 2, giảm dần trong hai quý cuối năm về mức 2,2%.

THAM GIA TÁI CƠ CẤU TỔ CHỨC TÍN DỤNG YẾU KÉM

Các cổ đông cũng đặt câu hỏi VPBank có tham gia chương trình mua lại các tổ chức tín dụng yếu kém hay không? Ngân hàng có tiềm năng được nới “room ngoại”  hay không?

Ông Ngô Chí Dũng cho biết VPBank là một trong 4 ngân hàng thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng thuộc diện chuyển nhượng bắt buộc. Tuy nhiên, hiện tại việc này đang trong quá trình nghiên cứu đề xuất phê duyệt.  Về việc có được nới "room" hay không, theo đề án của Ngân hàng Nhà nước có hai ngân hàng sẽ được nới "room" ngoại lên 49%. Tuy nhiên, ông Dũng không thông tin chi tiết hơn vì đề án đang được thực thi.

Liên quan đến vấn đề đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết VPBank đầu tư hơn 30.000 tỷ trái phiếu doanh nghiệp, so với thời điểm cuối 2022 đã giảm 5.000 tỷ, dự kiến sẽ tiếp tục giảm 20.000 tỷ vào cuối tháng 6/2023. Trong nhóm trái phiếu bất động sản, không có tổ chức phát hành nào chiếm quá 1% tổng dư nợ. Đồng thời, 100% trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo.  

“VPBank là nhà đầu tư, đồng thời là người quản lý tài sản đảm bảo đó, do đó chúng tôi có khả năng xử lý nếu trái phiếu có vấn đề. Bên cạnh đó, VPBank cũng đang sở hữu hơn 30.000 tỷ trái phiếu chính phủ, là tài sản có thanh khoản tốt, năm ngoái chúng tôi đã giảm xuống tối thiếu về số dư trái phiếu chính phủ nhưng trong năm nay chúng tôi nâng tỷ trọng thêm”, ông Vinh khẳng định.

Năm 2023, VPBank đặt mục tiêu  lợi nhuận trước thuế năm 2023 ở mức 24.003 tỷ đồng, tăng 13% so với thực hiện năm 2022. Nếu tính trên các hoạt động kinh doanh cốt lõi, mức tăng trưởng này tương đương 53%.

Đồng thời, ngân hàng này cũng đặt mục tiêu tổng tài sản dự kiến tăng 39% trong năm 2023, đạt mức 877.460 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá dự kiến đạt 518.192 tỷ đồng (tăng 41%); dư nợ cấp tín dụng dự kiến đạt 635.972 tỷ đồng (tăng 33%).

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, ban lãnh đạo VPBank đề xuất chia cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương đương 7.934 tỷ đồng, thời điểm thực hiện dự kiến vào quý 2 – 3/2023.