17:06 05/07/2021

Đại hội trực tuyến giới kinh tế học toàn cầu: Chủ đề Covid-19 “chiếm sóng”

Kiều Oanh

Mang chủ đề “Bình đẳng, bền vững và thịnh vượng trong một thế giới nứt gãy”, Đại hội bao gồm hàng trăm cuộc hội thảo khác nhau, với các chủ đề đa dạng...

Đại hội trực tuyến giới kinh tế học toàn cầu: Chủ đề Covid-19 “chiếm sóng” - Ảnh 1

Ngày 2/7, Đại hội toàn cầu (World Congress) của Hiệp hội Kinh tế thế giới (IEA) đã chính thức khởi động dưới hình thức trực tuyến. Các nhà kinh tế học từ khắp các quốc gia trên thế giới bước vào 5 ngày hội thảo online, trao đổi các công trình nghiên cứu mới nhất và đưa ra các đánh giá và dự báo về nền kinh tế các quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Diễn ra thông qua phần mềm gọi video Zoom, nhưng cuộc hội tụ của các nhà kinh tế học không vì thế mà giảm bớt sự sôi động. Các nhà tổ chức cho biết Đại hội thu hút sự tham gia của hàng nghìn nhà nghiên cứu kinh tế, quan chức chính phủ và lãnh đạo các định chế kinh tế toàn cầu.

Trong số đó có những tên tuổi lớn của giới kinh tế học như giáo sư Joseph Stiglitz đến từ Đại học Columbia, người từng đoạt giải Nobel Kinh tế; giáo sư Kaushik Basu đến từ Đại học Cornell, người từng giữ cương vị chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), và giáo sư Dani Rodrik đến từ Đại học Harvard...

“TỪ KHOÁ” COVID-19 CHIẾM CHỦ ĐẠO

Mang chủ đề “Bình đẳng, bền vững và thịnh vượng trong một thế giới nứt gãy”, Đại hội bao gồm hàng trăm cuộc hội thảo khác nhau, với các chủ đề đa dạng như chính sách của châu Á và thế giới; Covid-19 và chính sách tiền tệ; chính sách kinh tế vĩ mô và phát triển trong thế giới của chủ nghĩa hậu tân tự do; sự nổi lên của Trung Quốc; hành trình tới thịnh vượng của châu Á… Ngoài ra, hàng trăm báo cáo nghiên cứu kinh tế cũng được các nhà kinh tế học từ các trường đại học và tổ chức nghiên cứu gửi tới đóng góp cho đại hội.

Ngay trong ngày đầu tiên của đại hội, Covid-19 là “từ khoá” xuất hiện trong phát biểu của nhiều diễn giả.

Tại phiên thảo luận với chủ đề  “Các vấn đề chính sách châu Á và toàn cầu”, giáo sư Rodrik từ Đại học Harvard bày tỏ lo ngại về sự phục hồi không đều giữa các nền kinh tế từ Covid-19.

“Trước đại dịch, tăng trưởng của các nền kinh tế diễn ra tương đối đồng đều. Nhưng hiện nay, sau hơn 1 năm Covid-19 hoành hành, đang có sự chênh lệch lớn về tốc độ tăng trưởng và triển vọng hồi phục của các nền kinh tế.

Các quốc gia phát triển có khả năng phục hồi tốt hơn, một phần nhờ thực hiện công tác tiêm chủng tốt hơn. Trong khi đó, các nền kinh tế đang phát triển gặp nhiều trở ngại do tiếp tục phải ứng phó với số ca nhiễm gia tăng mạnh”, ông Rodrik nói.

Giáo sư Kaushik Basu, Chủ tịch IEA
Giáo sư Kaushik Basu, Chủ tịch IEA, một trong những diễn giả tại đại hội IEA.

Tại phiên thảo luận về “Covid-19 và chính sách tiền tệ”, các nhà kinh tế học đã trình bày loạt công trình nghiên cứu mới nhất về chủ đề “nóng hổi” này.

Trong nghiên cứu về phản ứng của thị trường tài chính với các biện pháp kích thích bằng chính sách tài khoá và tiền tệ, nhóm tác giả dẫn đầu là nhà kinh tế học Paresh K. Narayan thuộc Đại học Monash, Australia, đã xem xét ảnh hưởng của các tuyên bố chính sách ở Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan trong thời gian từ ngày 28/2/2020 đến ngày 17/3/2021.

Kết quả cho thấy các công bố chính sách đã mang lại hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ các chỉ số chứng khoán trong bối cảnh Covid-19 hoành hành. Chẳng hạn, trong trường hợp Indonesia, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy rằng nếu không có các biện pháp kích cầu, chỉ số chứng khoán chính có thể giảm hơn 4% trong khoảng thời gian 7 ngày sau khi chính sách được công bố. Trong đó, riêng kích cầu bằng tài khoá giúp chỉ số tránh được mức giảm gần 3,4%.

 
Nghiên cứu đi đến kết luận rằng các tuyên bố kích cầu tài khoá mang lại hiệu ứng tốt hơn và nhanh hơn trong việc hỗ trợ phục hồi và ổn định của thị trường tài chính trong đại dịch Covid-19. Trong khi đó, chính sách tiền tệ cần nhiều thời gian hơn để phát huy tác dụng sau khi tuyên bố được đưa ra và hiệu quả cũng thấp hơn so với chính sách tài khoá.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy chính sách tiền tệ và tài khoá có mối quan hệ qua lại, nên việc ứng phó với đại dịch đòi hỏi sự phối hợp nỗ lực giữa các nhà hoạch định chính sách tiền tệ và tài khoá.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng khuyến nghị việc nâng cao tầm quan trọng của giao tiếp chính sách, cho rằng giao tiếp chính sách hiệu quả và cân bằng có ý nghĩa sống còn đối với việc giữ vững niềm tin cho thị trường.

Công trình nghiên cứu về hiệu quả của chính sách tiền tệ trong điều kiện bấp bênh do Covid-19 gây ra - được thực hiện bởi nhóm tác giả do nhà nghiên cứu K.P. Prabheesh thuộc Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) - có thể được xem là một chủ đề khá mới lạ.

Nhóm tác giả khẳng định rằng đến nay, các nghiên cứu về chính sách tiền tệ trong đại dịch mới chủ yếu tập trung vào tác động của chính sách đối với thị trường chứng khoán, tỷ giá hối đoái và lãi suất dài hạn.

Trong khi đó, hầu như chưa có nghiên cứu nào xem xét vấn đề theo chiều ngược lại: sự bấp bênh mà đại dịch tạo ra có ảnh hưởng ra sao đến hiệu quả của chính sách tiền tệ nếu so với trong điều kiện bình thường.

Các tác giả đã xem xét hiệu quả của chính sách tiền tệ thời Covid-19 đối với tăng trưởng tín dụng, sản lượng kinh tế và lạm phát. Kết quả cho thấy sự bấp bênh trong đại dịch làm suy yếu tác dụng của chính sách đối với các yếu tố này. Sự suy yếu tác dụng đó là do tâm lý “chờ xem” của các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở thời điểm có mức độ bấp bênh cao. Trên cơ sở này, nhóm tác giả khuyến nghị kết hợp giữa các chính sách vĩ mô thận trọng với chính sách lãi suất để đạt được sự ổn định kinh tế vĩ mô tại các nền kinh tế mới nổi trong thời gian đại dịch.

CUỘC HỘI TỤ LỚN NHẤT CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC KINH TẾ

Theo kế hoạch ban đầu, Đại hội lần thứ 19 của IEA được tổ chức tại Bali, Indonesia vào tháng 7/2020. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, sự kiện bị hoãn đến tháng 7/2021. Tiếp đó, tình hình Covid vẫn diễn biến phức tạp nên các nhà tổ chức quyết định chuyển Đại hội sang hình thức trực tuyến.

Tại lễ khai mạc Đại hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính nước chủ nhà Indonesia, bà Sri Mulyani Indrawati, nhấn mạnh bối cảnh của sự kiện. Thách thức mà Indonesia đang phải đối mặt cũng là thách thức chung của nhiều quốc gia châu Á khác ở thời điểm hiện tại, đó là số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh do biến chủng Delta có khả năng lây lan nhanh hơn.

“Số ca nhiễm mới tăng mạnh đã buộc Indonesia phải thực hiện việc phong toả khẩn cấp từ ngày mai 3/7, kéo dài cho tới ngày 20/7”, bà Indrawati thông báo và cho biết phong toả là một trong hai trụ cột trong cuộc chiến chống Covid của Indonesia. Trụ cột còn lại là đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, với mục tiêu đạt 1 triệu mũi tiêm/ngày trong tháng 7 và 2 triệu liều/ngày trong tháng 8.

 
Đại hội toàn cầu của IEA là một trong những cuộc hội tụ lớn nhất của các nhà nghiên cứu, học giả và chuyên gia kinh tế trên thế giới. Đây là diễn đàn để các nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế thảo luận về các nghiên cứu và các vấn đề chính sách kinh tế, nhằm tìm ra giải pháp cho những thách thức lớn về kinh tế và chính sách của thời đại.

“Mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế đều cần tới thay đổi trong lĩnh vực khoa học kinh tế và đòi hỏi tư duy mới. Điều này đúng sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, và càng đúng hơn khi đại dịch Covid-19 gây ra tổn thất nặng nề về người và kinh tế trên thế giới”, một tuyên bố của các nhà tổ chức có đoạn viết.

“Kinh tế học đang phản ứng với những thách thức của thời đại chúng ta. Bền vững môi trường, bất bình đẳng về giới, sắc tộc, thu nhập, sự nổi lên của chủ nghĩa dân tuý, và cải tổ toàn cầu hoá đều là những vấn đề trọng tâm trong chương trình nghị sự của khoa học kinh tế. Những lĩnh vực mới như kinh tế học hành vi, kinh tế chính trị và kinh tế văn hoá cũng tiếp tục phát triển bên cạnh những lĩnh vực truyền thống”.

Là một thành viên của IEA, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam (VEA) tích cực tham gia và theo dõi các hoạt động của hội nghị.