20:46 28/10/2016

“Dân bất bình chứ không có tư tưởng chịu đựng tham nhũng”

Nguyên Vũ

Quốc hội phải có trách nhiệm vì cơ chế xin-cho có một phần trách nhiệm của Quốc hội, theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Tp.HCM).<br>
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Tp.HCM).<br>
Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá: người dân, doanh nghiệp ngày càng có tư tưởng chịu đựng tham nhũng, dẫn đến chấp nhận các chi phí không chính thức trong giải quyết công việc có liên quan đến chính quyền.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Tp.HCM) “phản biện”: doanh nghiệp, nhân dân bất bình với tham nhũng, chứ không phải là có tư tưởng chịu đựng.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga hồi âm, việc chống tham nhũng chưa tốt nên dân phải chịu đựng, dần dần dẫn đến chấp nhận.

Chiều 28/10, tại phiên thảo luận của Quốc hội về các báo cáo của các cơ quan tư pháp và công tác phòng chống tham nhũng, tính tranh luận đã dần rõ nét.

“Tôi cũng có trách nhiệm”

Đánh giá cao ý kiến thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp về báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ, song đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm vẫn muốn cơ quan thẩm tra nói rõ hơn chính kiến của mình về tình trạng tham nhũng chưa chuyển biến, những yếu kém, vì đó đều là những vấn đề trầm trọng, chưa được khắc phục dù qua nhiều năm.

“Tình trạng này thì phải làm thế nào, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ ra sao, không thể kéo dài tình trạng đó được, Uỷ ban Tư pháp cần có chính kiến mạnh mẽ hơn”, bà Tâm nhấn mạnh.

Nhắc lại nhận định từ Uỷ ban Tư pháp  rằng cơ chế xin - cho là nguyên nhân quan trọng làm phát sinh tham nhũng, đại biểu Tâm cho rằng, đây là vấn đề căn cơ khiến cho phòng chống tham nhũng chưa hiệu quả.

“Cơ chế xin cho là nguyên nhân căn bản dẫn đến  tham nhũng. Cơ chế xin-cho làm cho quản lý Nhà nước thiếu minh bạch, thiếu công khai, đó là mảnh đất màu màu để trục lợi về chính sách, là cơ sở để làm khó người dân và doanh nghiệp”, bà nói.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, việc Uỷ ban Tư pháp đề nghị Quốc hội hoàn thiện hành lang pháp lý phòng chống tham nhũng là chưa đủ mạnh. Quốc hội phải có trách nhiệm đối với vấn đề này, bởi vì cơ chế xin-cho có một phần trách nhiệm của Quốc hội.

“Là một đại biểu Quốc hội, tôi cũng thấy mình có trách nhiệm. Quốc hội cần làm gì để khắc phục tình trạng này, để cơ chế xin-cho không còn tồn tại như là một nguyên nhân dẫn đến tham nhũng. Vì Quốc hội có đủ quyền hạn để giải quyết, khắc phục cơ chế xin-cho. Tôi có cảm giác nó vẫn chi phối trong quá trình chúng ta làm luật”, bà Tâm nói.

Vị đại biểu Quốc hội đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tp.HCM cũng không đồng ý khi cơ quan thẩm tra cho rằng người dân, doanh nghiệp ngày càng có tư tưởng chịu đựng tham nhũng dẫn đến chấp nhận các chi phí không chính thức.

Vì theo bà thì doanh nghiệp, nhân dân bất bình với tham nhũng, chứ không phải là có tư tưởng chịu đựng. Họ trong tâm thế phải chịu đựng điều đó, do cơ chế tạo ra. Quốc hội phải làm gì để giải quyết điều đó, không thể coi là điều mặc nhiên được.

“Cân nhắc từng từ”

Hồi âm ngay sau đó, Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho biết đã rất cân nhắc khi dùng từ “chịu đựng” và “chấp nhận”, hai từ này đều ở thể bị động, vì chống tham nhũng chưa tốt nên dân phải chịu đựng, dần dần dẫn đến chấp nhận để giải quyết công việc.

Về giải pháp khắc phục cơ chế xin - cho, bà Nga nhấn mạnh, công khai, minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp, cả trong văn bản và trong tổ chức thực hiện.

Trước toàn thể Quốc hội, Chủ nhiệm Nga cũng chia sẻ rằng, thẩm tra báo cáo phòng chống tham nhũng là việc làm rất khó. Bởi nếu chỉ căn cứ vào số liệu giảm dần thì không thể nói là tình hình tham nhũng “nghiêm trọng”, nên phải tham khảo từ nhiều nguồn để tránh cảm tính.

Bà Nga cho biết Uỷ ban Tư pháp đã dành thời gian rất nhiều cho báo cáo thẩm tra đã cân nhắc từng từ, từng dấu chấm, dấu phẩy, để phán ảnh khách quan, theo phương châm nói đúng, nói thẳng.