11:36 10/09/2010

Đánh giá ngân hàng: Không thể nói chủ quan là vô giá trị

Dù muốn hay không, những yếu tố chủ quan cũng được công nhận như một phần tất yếu của ý kiến đánh giá xếp hạng chuyên môn

Thúc đẩy tín dụng quá cao là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Fitch hạ mức tín nhiệm một số ngân hàng Việt Nam - Ảnh: Lê Quang Nhật.
Thúc đẩy tín dụng quá cao là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Fitch hạ mức tín nhiệm một số ngân hàng Việt Nam - Ảnh: Lê Quang Nhật.
Fitch vừa đánh giá hạ mức tín nhiệm hai ngân hàng thường được xem là có chất lượng điều hành hàng đầu tại Việt Nam. Đã có vài phản ứng và ý kiến phản bác từ phía các ngân hàng này cũng như một vài chuyên gia mà chưa nêu cụ thể bản chất các chỉ số đánh giá này là gì.

Thiết nghĩ, đây là một trong những sự việc sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Do vậy, các định chế tài chính của Việt Nam cần xem đây là sự việc bình thường và nên tiếp nhận nó với cách nhìn chuyên nghiệp hơn. Tốt hơn nữa, các định chế tài chính Việt Nam cũng nên tận dụng cơ hội này để có những cái nhìn nghiêm túc lại chính mình.

Gần một năm trước, ngày 9/12/2009, công ty thông tin tín nhiệm và xếp hạng doanh nghiệp Việt Nam, một công ty tư nhân được thành lập tại Việt Nam, đã công bố sơ bộ đánh giá hoạt động 48 ngân hàng của Việt Nam. Ngay sau đó, đã có nhiều ý kiến phản bác từ hiệp hội Ngân hàng cũng như nhiều ngân hàng thành viên.

Những phản ứng và ý kiến phản bác từ các ngân hàng Việt Nam đối với đánh giá của Fitch ngày 31/8/2010 vừa qua cũng không là ngoại lệ. Những quan điểm và ý kiến phản bác này cũng tương tự với nhưng lần trước theo kiểu “người đánh giá không có mặt tại Việt Nam… không sâu sát thực tế Việt Nam… chưa am hiểu hết tình hình… chưa có điều kiện sâu sát… những hoạt động và con số… chưa hoặc không gọi hoặc gặp để trao đổi… đánh giá chưa phù hợp với thực tiễn… xa rời thực tế… không (nên) lấy chuẩn quốc tế áp dụng cho Việt Nam… đã lường trước… bản sắc riêng… hệ số lòng tin không thuyết phục...”. Những ý kiến phản bác này cho rằng, những chuyên gia phân tích thường có những kết luận và áp dụng những tiêu chuẩn không phù hợp với Việt Nam.

Đó là phản biện tích cực hay phản bác chủ quan? Nếu tiếp cận với những cách nhìn hai hoặc đa chiều sẽ cho nhiều cơ hội để có những cái nhìn đúng hơn.

Không loại trừ chủ quan

Khách hàng bình thường khi cần tín dụng từ ngân hàng - thường tiếp cận ngân hàng với những con số khá đơn điệu, những đề xuất và mong muốn có tính chủ quan nhiều hơn là khách quan. Phần lớn khách hàng luôn có khuynh hướng trình bày những yếu tố tốt và tròn trịa nhất có thể được.

Ngân hàng chuyên nghiệp khi cấp tín dụng cho khách hàng - thường tiếp cận khách hàng bằng những cái nhìn thận trọng với góc nhìn vừa chủ quan vừa khách quan. Ngân hàng đánh giá độ khả tín và tiềm năng của khách hàng với các tiêu chí vi mô như tính khả thi của hoạt động kinh doanh đầu tư, và các tiêu chí vĩ mô như các chính sách của Chính phủ và tình hình kinh tế trong và ngoài nước. Ngân hàng chuyên nghiệp luôn tìm và phân tích những điều chưa tốt và gai góc của khách hàng - đây cũng là cách tiếp cận tốt để giúp khách hàng.

Trên thực tế, việc xem xét và đánh giá của ngân hàng với khách hàng là không thể loại trừ yếu tố chủ quan và điều đáng lưu ý là dù có thể không đồng ý, người đi vay thường vẫn phải chấp nhận đánh giá đó trong quan hệ với ngân hàng.

Sức nặng của sự chuyên nghiệp

Một trong những kỹ năng cao giá nhất trong ngành ngân hàng và tài chính là kỹ năng nhận định và đánh giá cả bất ổn vĩ mô lẫn vi mô của khách hàng để từ đó xác định và đánh giá những bất ổn tiềm năng (rủi ro) của khách hàng. Ngân hàng thực hiện tốt những kỹ năng đó đồng nghĩa với việc họ có thể tăng khả năng phân tán rủi ro đúng chỗ, đúng lúc, giảm thiểu thua lỗ và bảo vệ được tài sản của ngân hàng. Đây chính là nơi ngân hàng thể hiện năng lực kinh doanh và quản lý tốt tiền gởi của khách hàng.

Tương tự, khi đánh giá các ngân hàng, Fitch (hoặc S&P, Moody...) ở vào vị trí của các ngân hàng và đánh giá các khách hàng với một mức độ chủ quan nhất định. Dù Fitch, Moddy hoặc S&P có thể không đề cập đến tính chủ quan trong đánh giá của họ, nhưng trong cách tiếp cận của các chuyên gia phân tích của Fitch không thể thiếu ý kiến và quan điểm hay trải nghiệm riêng của mình về các ngân hàng được đánh giá.

Đây là một thực tế là dù muốn hay không, những yếu tố chủ quan cũng được công nhận như một phần tất yếu của ý kiến đánh giá xếp hạng chuyên môn và không có ý kiến đánh giá nào có thể được coi là hoàn toàn khách quan.

Đối với những nền kinh tế mới nổi như Việt Nam thì những ý kiến riêng của chuyên gia phân tích có tên tuổi như Fitch vẫn có sức nặng và giá trị nhất định mà người được đánh giá dù có thể không hài lòng về độ khách quan, vẫn phải xem đó như một thực tế trong thị trường.

Cũng tương tự kỹ năng phân tích và dự đoán rủi ro của ngân hàng, kỹ năng cốt lõi của Fitch, Moddy và S&P là tìm, nhận định và đánh giá các rủi ro ở tầm mức lớn và rộng. Tính chuyên nghiệp và trình độ của Fitch được giới chuyên môn đánh giá từ cao đến rất cao. Do đó, cộng đồng tài chính - đầu tư toàn cầu nhìn vào báo cáo của Fitch để xem các phân tích, nhận định và đánh giá về những bất ổn và rủi ro tiềm ẩn của các ngân hàng khắp nơi trên thế giới.

Nhìn chung giới chuyên môn cho rằng, các báo cáo của Fitch mang tính chuyên nghiệp cao nhất có thể có. Đương nhiên không một báo cáo nào, kể cả của Fitch, có thể tự cho rằng không có thiếu sót hay hoàn toàn khách quan và chính xác. Tài chính và ngân hàng chưa bao giờ và có lẽ sẽ không bao giờ được coi là những môn khoa học chính xác.

Lê Trọng Nhi - Phùng Anh Tuấn (SGTT)