02:53 02/09/2010

Fitch hạ mức tín nhiệm hai ngân hàng hàng đầu Việt Nam

Minh Đức

Fitch Ratings vừa hạ mức tín nhiệm hai ngân hàng hàng đầu Việt Nam. Kết quả này được ghi nhận “về cơ bản là chính xác”

Trụ sở Vietcombank tại 198 Trần Quang Khải - Hà Nội.
Trụ sở Vietcombank tại 198 Trần Quang Khải - Hà Nội.
Fitch Ratings vừa công bố thông tin hạ mức tín nhiệm hai ngân hàng hàng đầu Việt Nam. Kết quả này được ghi nhận “về cơ bản là chính xác”, theo ý kiến của đại diện một trong hai ngân hàng này.

Ngày 31/8, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings công bố 4 bản thông tin về kết quả xếp hạng tín nhiệm của 4 ngân hàng hàng đầu Việt Nam, bao gồm: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á châu (ACB).

Điểm chung được Fitch nhấn mạnh trong kết quả xếp hạng tín nhiệm của cả 4 ngân hàng này là liên quan đến tăng trưởng tín dụng quá mức, chất lượng tín dụng và khả năng đảm bảo yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo quy định mới (Thông tư 13).

Cụ thể, Fitch đã hạ mức tín nhiệm của Vietcombank và ACB từ mức “D” (ngân hàng có nhiều điểm yếu, do nguyên nhân bên trong hoặc bên ngoài) xuống “D/E” và loại hai ngân hàng này ra khỏi diện cần xem xét (Rating Watch Negative - RWN) trong thời gian tới. Hãng này cũng xác nhận mức xếp hạng hỗ trợ (Support Rating) của Vietcombank là “4” và của ACB là “5”.

Trong khi đó, Fitch cũng xác nhận mức tín nhiệm của BIDV là “D/E”, của Agribank là “E”; và có cùng xác nhận mức xếp hạng hỗ trợ là “4”.

Mức xếp hạng hỗ trợ “4” của Vietcombank, BIDV và Agribank cũng đã được xác định tại thời điểm tháng 5/2007, khi Fitch nhận định rằng Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ những ngân hàng này, nhưng mức độ hỗ trợ sẽ bị hạn chế do khả năng tài chính thấp căn cứ theo kết quả xếp hạng quốc gia ở mức “BB-” (BB minus).

Với riêng Vietcombank và ACB, việc hạ mức tín nhiệm được Fitch giải thích từ sự suy yếu của bảng cân đối kế toán do tăng trưởng tín dụng quá mạnh trong khi chất lượng tín dụng thấp. Bên cạnh đó, cả hai ngân hàng này đều đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.

Dữ liệu mà hãng này đưa ra là hệ số CAR của Vietcombank giữa năm 2010 là 8,45%, trong khi mức tối thiểu theo quy định tại Thông tư 13 sắp có hiệu lực ngày 1/10/2010 là 9%. Và ngay cả khi Vietcombank vừa hoàn thành đợt chào bán tăng vốn với hơn 1,12 nghìn tỷ đồng thu về trong tháng 8/2010, Fitch cho rằng cũng khó để “đệm” cho tăng trưởng tín dụng cao…

Trong phần cuối bản thông tin về kết quả xếp hạng Vietcombank, Fitch đề cập đến khả năng sẽ xem xét hạ mức xếp hạng tín nhiệm nếu huy động vốn ngân hàng này tiếp tục gặp khó khăn, chất lượng tín dụng tiếp tục suy giảm và tỷ lệ dư nợ tín dụng/tiền gửi (LTD) suy yếu.

Ngược lại, hạng mức tín nhiệm của Vietcombank có thể được nâng lên nếu đảm bảo được tỷ lệ tối thiếu theo quy định mới trên cơ sở bền vững và chất lượng tín dụng được cải thiện đáng kể.

Với ACB, Fitch lưu ý về việc tăng trưởng tín dụng cao có thể tạo sức ép đến thanh khoản và chất lượng tín dụng. Dữ liệu mà hãng này đưa ra là tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm 2010 của ACB đã là 42%, trong khi kế hoạch năm là 54%. Và đây cũng là thành viên có tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh hơn nhiều so với các ngân hàng quốc doanh.

Fitch cũng ước tính rằng đến cuối tháng 9/2010 hệ số CAR của ACB sẽ thấp hơn mức tối thiểu theo quy định mới 9% nói trên (hệ số này đã bị suy yếu đáng kể khi cuối năm 2008 là 12,4%). ACB có kế hoạch tăng vốn thêm gần 1,6 nghìn tỷ đồng (tương đương 16% vốn vào giữa năm 2010) và phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu để tăng vốn, nhưng Fitch nhận định vẫn khó để duy trì theo đà tăng trưởng tín dụng và chi phí tín dụng cao…

Tương tự như với Vietcombank, Fitch cũng đưa ra khả năng sẽ nâng hoặc hạ mức tín nhiệm của ACB theo khả năng cải thiện những hạn chế trên hay không.

Về những kết quả mà Fitch Ratings vừa công bố nói trên, chiều 1/9, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB, cho biết sẽ giao bộ phận phân tích chuyên môn rà soát lại để có những đánh giá hợp lý.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thu Hà, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho rằng, những đánh giá của Fitch Ratings về Vietcombank về cơ bản là khá chính xác. Mặt khác, kết quả đó được đưa ra trên cơ sở phân tích theo những tiêu chí của cơ quan xếp hạng tín nhiệm có uy tín trên thế giới.

Cũng theo bà Hà, việc Fitch hạ mức tín nhiệm cũng phản ánh một phần khó khăn của các ngân hàng sau những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng với riêng Vietcombank có những đặc thù và những nỗ lực trong thời gian qua để khắc phục những những hạn chế mà Fitch đề cập đến.

Như trong việc cải thiện hệ số CAR, Vietcombank là trường hợp khá đặc biệt khi gặp khó khăn trong yêu cầu tăng vốn điều lệ, và phải mất gần hai năm để hoàn thành đợt chào bán vừa qua. Trong thời gian gần đây, bà Hà cho biết, Vietcombank đã và đang nỗ lực để cơ cấu lại các nguồn vốn nhằm đảm bảo yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu mới.

Một điểm mà Fitch nhấn mạnh trong đánh giá liên quan đến chất lượng tín dụng. Về điểm này, bà Hà cho biết, một đổi mới từ năm 2010 là Vietcombank đã bắt đầu điều chỉnh việc phân loại nợ xấu theo hướng tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, theo đó để nâng cao chất lượng quản trị và cải thiện chất lượng tín dụng.