09:16 30/03/2007

Đất ven sông, đất của đại gia

“Nhất cận thị, nhị cận giang”, tuy nhiên đất ven sông đang trở thành điểm nóng về địa ốc, dành cho những đại gia

Dự án khu biệt thự ven sông Thảo Điền là một trong những dự án ven sông đầu tiên hình thành và phát triển khá mạnh.
Dự án khu biệt thự ven sông Thảo Điền là một trong những dự án ven sông đầu tiên hình thành và phát triển khá mạnh.
Bờ sông Sài Gòn là một thứ tài nguyên quan trọng, cần được khai thác hợp lý và đồng bộ bởi một ông chủ là Nhà nước.

Nhưng hiện nay nguồn tài nguyên này đã dần dà bị tư nhân hoá một phần lớn khi người dân chuyển từ thời tiêu dùng đủ sống sang dư dả…

“Nhất cận thị, nhị cận giang” chẳng biết cha ông ngày xưa hình thành chuẩn sống trên dựa vào đâu, chỉ biết là bây giờ, đất ven sông đang trở thành điểm nóng về địa ốc, dành cho những đại gia.

Đất ven sông đổi chủ

Thập niên 80 thế kỷ trước, cả một vùng đất bạt ngàn ven sông Sài Gòn bấy giờ chẳng có cái nhà nào ra hồn. Những cái gọi là nhà lúc bấy giờ chỉ là những mái lá tạm bợ, vách nhà lắp ghép từ đủ thứ vật dụng phế phẩm.

Tầng lớp “cận giang” lúc ấỳ chỉ dành cho những người dân lao động nghèo kiết tới cắm một cái chòi cao cẳng che thân, là nơi để dân dưới đáy xã hội ẩn náu sau khi gây án. Người dân sống lâu năm khu vực Thủ Thiêm ai cũng còn nhớ như in nhiều băng cướp khét tiếng đã bị triệt hạ tại đây. Sự nheo nhóc, xô bồ của cư dân khiến vùng “cận giang” thường là vùng đất dữ.

Đến đầu thập niên 90, khi thấy một số khu vực ven sông bắt đầu xuất hiện những biệt thự to đùng, dành cho các chuyên gia nước ngoài, người dân bắt đầu có nhiều thay đổi trong cách nhìn về nơi sinh sống. Và khi nội thành trở nên ngột ngạt với sự phát triển ồ ạt về người và xe, mọi người mới nhận thấy khí hậu trong lành ven sông là tốt cho sức khoẻ. Đó cũng là lúc giá đất bắt đầu tăng đến chóng mặt.

Dự án khu biệt thự ven sông Thảo Điền là một trong những dự án ven sông đầu tiên hình thành và phát triển khá mạnh. Hầu hết nhà trong khu vực đều có hồ bơi riêng, kiến trúc đẹp và dành cho những chuyên gia nước ngoài qua Việt Nam làm việc thuê ở.

Giá đất tăng lên không dừng, chỉ sau vài năm, các khu lao động nhếch nhác ven sông dần biến mất để nhường đất lại cho các dự án quy mô.

Giá ngất ngưởng

“Mặt tiền đường nội thành buôn bán tốt đã đành, nhưng sống thì chẳng có nơi đâu tốt hơn ven sông. Dân mình lâu nay cứ kéo nhau vào phố, vừa ngột ngạt chật chội, còn chuyên gia nước ngoài chỉ chọn ven sông mà cư trú, không chỉ có khí hậu trong lành mà cảnh vật bao giờ cũng đẹp hơn…”, bà N.T.K.L - một đại gia trong ngành địa ốc, đã lý giải về việc chọn và trở thành cư dân ven sông của mình. Dự án mà bà K.L chọn là Sài Gòn Pearl.

Có lẽ từ việc thay đổi cách chọn điểm cư trú của những đại gia, nên chưa bao giờ thị trường địa ốc “mặt tiền sông” lại nóng như hiện nay. Nằm mặt tiền đường Nguyễn Hữu Cảnh, một mặt quay ra sông Sài Gòn, dự án Sài Gòn Pearl đã đạt tới đỉnh điểm, có thể xem là cao nhất hiện nay với mức 80 triệu đồng/m 2 .

Theo nhân viên của sàn giao dịch địa ốc Sacomreal, mặc dù giá lên đến chóng mặt nhưng vẫn không cách nào tìm được sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Tốc độ tăng giá của dự án cũng được liệt vào hàng top.

Cuối năm 2006, giá mặt tiền sông chỉ vào khoảng 40 triệu đồng/m2, sang năm 2007, giá nhích lên khoảng 45 triệu/m2, một tuần sau, trước Tết giá giao dịch là 65 triệu/m2 và đến thời điểm này, nhiều sàn giao dịch nhận được yêu cầu của khách hàng tìm sản phẩm với giá trên 80 triệu đồng/m2 .

Không riêng Sài Gòn Pearl, hầu như tất cả các dự án mặt tiền sông đều nóng. Như Khu dân cư Rạch Đỉa, Phước Kiểng, do Công ty Trần Thái làm chủ đầu tư, trước đây giá đất “mặt tiền sông” của dự án này chỉ vào khoảng 3 triệu đồng/m2, nhưng hiện nay, khách hàng giao dịch tại các công ty môi giới, sàn giao dịch địa ốc đã phải mua lại với mức 20-21 triệu đồng/m2.

Ngay sát bên dự án này, dự án của Công ty Tân An Huy, với diện tích đất mặt tiền sông khá nhỏ, song mức giao dịch cũng đã ngót nghét 18-20 triệu đồng/m 2 trả góp. Dự án Him Lam, nằm trên địa bàn phường Tân Hưng quận 7, trước tết giá giao dịch chỉ khoảng 13 triệu, ngay sau đó trong vòng khoảng 10 ngày giá vọt lên 17 triệu, hiện nay là 21,5 triệu đồng/m2.

Đây chỉ là khung giá thấp nhất, còn giá giao dịch cao nhất hiện nay là 33 triệu đồng/m2, trong khi giá gốc của công ty chỉ vào khoảng 10,3 triệu/m2 .

Tính đến thời điểm này, Khu dân cư Bình Hoà, có mặt tiền là sông Vàm Thuật, được xem là dự án “mặt tiền sông” rẻ nhất cũng đã bước qua giá từ 16 triệu đồng/m 2 . Ở khu vực quận 2, tuy không có biến động nhiều về giá, song mặt tiền sông cũng đã ổn định từ lâu ở mức khoảng 20 triệu đồng/m 2 .

Lý giải về hiện tượng “nóng” đối với các dự án ven sông, ông Đăng Khoa, phó phòng marketing công ty Sacomreal, cho biết hầu hết khách hàng tìm đến với các dự án mặt tiền sông đều là dân nhiều tiền. Họ cần một nơi sống tốt hơn chứ không phải là nơi để kinh doanh.

Đất của đại gia

“Với mức giá giao dịch hiện nay nói đất ven sông là đất của đại gia là chính xác…”, ông Khoa nhận định.

Ngoài giá cao ngất ngưởng, chính thủ tục mua bán hiện nay là yếu tố để khẳng định đẳng cấp “đất đại gia”. Hầu hết các dự án đất ven sông hiện nay không cho trả góp. Khách hàng thích thì quan trọng nhất là phải đủ tiền để có thể thanh toán nhanh gọn...

Với những dự án đưa ra thị trường đã lâu như dự án của Công ty Tân An Huy, tuy có cho trả góp, song hiện nay, khách hàng cũng đã thanh toán ít cũng đến 60% tổng số tiền, do vậy, để có thể sở hữu được một khu đất mặt tiền sông, khách hàng phải chuẩn bị nhiều hơn 60% để thanh toán cả số tiền chênh lệch trong một lần.

Nguyên nhân khiến giá tăng vọt là do lượng “cầu” lớn, trong khi đất ven sông hiện nay hầu như không còn, giá đất vốn đã cao nay càng tăng thêm. Một yếu tố nữa là do sau khi thành công tại thị trường cổ phiếu, nhiều người muốn đầu tư an toàn hơn nên thường chọn những dự án có quy mô lớn để giảm rủi ro đến mức thấp nhất.

Với sự tăng nhiệt như hiện nay, có lẽ chỉ một thời gian nữa, vùng “cận giang” sẽ hoán đổi vị trí với “cận thị”.