14:07 25/04/2023

“Đế chế” đồ hiệu LVMH trở thành công ty châu Âu đầu tiên đạt mốc vốn hoá 500 tỷ USD

Điệp Vũ

“Đế chế” hàng xa xỉ này đang chứng kiến sự bùng nổ của doanh thu và lợi nhuận nhờ người tiêu dùng Trung Quốc mạnh tay sắm hàng hiệu sau khi Bắc Kinh gỡ bỏ các hạn chế chống Covid...

Cột mốc vốn hoá 500 tỷ USD của LVMH đồng nghĩa cổ phần kiểm soát mà nhà sáng lập Bernard Arnault và gia đình của ông nắm giữ đạt trị giá 212 tỷ USD - Ảnh: Bloomberg.
Cột mốc vốn hoá 500 tỷ USD của LVMH đồng nghĩa cổ phần kiểm soát mà nhà sáng lập Bernard Arnault và gia đình của ông nắm giữ đạt trị giá 212 tỷ USD - Ảnh: Bloomberg.

LVMH đã trở thành công ty châu Âu đầu tiên đạt mốc vốn hoá thị trường 500 tỷ USD. “Đế chế” hàng xa xỉ này đang chứng kiến sự bùng nổ của doanh thu và lợi nhuận nhờ người tiêu dùng Trung Quốc mạnh tay sắm hàng hiệu sau khi Bắc Kinh gỡ bỏ các hạn chế chống Covid.

Trong phiên giao dịch ngày 24/4, giá cổ phiếu của LVMH - tập đoàn sở hữu các thương hiệu như Louis Vuitton và Dior - tăng 0,3%, đạt 903,7 USD/cổ phiếu và đưa giá trị vốn hoá đạt 454 tỷ USD, tương đương 500,3 tỷ USD.

Với mức vốn hoá này, LVMH là cái tên châu Âu duy nhất trong top 10 công ty có giá trị vốn hoá lớn nhất thế giới - danh sách thống trị bởi các công ty công nghệ Mỹ, dẫn đầu là Apple. LVMH hiện đứng ở vị trí 10, sau hãng xe điện Tesla ở vị trí số 9 và trên hãng thẻ Visa ở vị trí thứ 11.

Cột mốc vốn hoá 500 tỷ USD của LVMH đồng nghĩa cổ phần kiểm soát mà nhà sáng lập Bernard Arnault và gia đình của ông nắm giữ đạt trị giá 212 tỷ USD. Vị tỷ phú người Pháp 74 tuổi hiện là người giàu nhất thế giới, dẫn trước CEO Elon Musk của Tesla.

LVMH hưởng lợi từ triển vọng kinh tế khởi sắc ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là thị trường tăng trưởng lớn nhất của ngành công nghiệp hàng xa xỉ. Ngoài ra, xu hướng tăng giá gần đây của đồng Euro cũng mang lại lợi ích đáng kể cho hãng đồ hiệu này.

Doanh thu quý của LVMH tăng 17% nhờ tăng trưởng mạnh mẽ ở thị trường Trung Quốc. Cùng kỳ, doanh thu của Hermes - đối thủ đồng hương của LVMH - tăng gần 1/4.

“LVMH chiếm phần lớn sự tăng trưởng nhu cầu bền vững tại thị trường châu Âu và Mỹ, đồng thời hưởng lợi từ sự hồi phục mạnh mẽ và nhanh chóng của nhu cầu ở Trung Quốc”, một báo cáo của công ty nghiên cứu và phân tích thị trường Bernstein nhận xét.

Sau khi sụt giảm mạnh mẽ trong năm 2020 vì phong toả chống Covid, doanh thu của ngành hàng hiệu thế giới phục hồi lên mức 1,15 nghìn tỷ Euro vào năm 2021 và tiếp tục vượt xa mọi kỳ vọng trong năm 2022 bằng mức tăng trưởng 20% - theo công ty tư vấn Bain.

Sự tăng trưởng của ngành hàng hiệu trong thập kỷ qua phản ánh sự nổi lên của tầng lớp trung lưu khá giả trên toàn cầu, nhất là các nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ. Suốt thời gian đại dịch, lượng tiền tiết kiệm được tích luỹ tăng mạnh đã thúc đẩy hoạt động mua sắm đồ hiệu, khi người tiêu dùng tự thưởng cho bản thân trong lúc phải ở lâu trong nhà. Việc các hãng đồ hiệu tăng mạnh giá bán nhiều mặt hàng, nhất là đồ da và túi xách, cũng giúp tăng tỷ suất lợi nhuận của họ.

Lạm phát tăng cao, căng thẳng địa chính trị và lạm phát đẩy cao chi phí sinh hoạt dường như không ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm hàng hiệu của tầng lớp siêu giàu. Trong khi đó, một số công ty phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường trung cấp như Coach và Ralph Lauren bắt đầu cảm thấy áp lực.

Diễn biến giá trị vốn hoá thị trường của LVMH trong 1 năm qua. Đơn vị: Tỷ USD - Nguồn: Bloomberg/FT.
Diễn biến giá trị vốn hoá thị trường của LVMH trong 1 năm qua. Đơn vị: Tỷ USD - Nguồn: Bloomberg/FT.

Bà Caroline Reyl, trưởng bộ phận thương hiệu xa xỉ tại công ty quản lý tài sản Pictet Asset Manatement, nói rằng vấn đề nằm ở chỗ người tiêu dùng Trung Quốc sẽ chi tiêu với tốc độ như thế nào sau năm 2022 nhiều khó khăn. “Tốc độ tăng trưởng hai con số ở Trung Quốc là rất đáng khích lệ. Năm 2023 sẽ là một năm tốt cho ngành hàng xa xỉ. Có quá nhiều động lực tăng trưởng mà chúng ta không thể ngó lơ”, bà Reyl nói với tờ báo Financial Times.

Toàn ngành công nghiệp đồ hiệu đang ăn nên làm ra, nhưng sự tăng trưởng của LVMH vượt xa các đối thủ. Xét về giá trị vốn hoá, LVMH hiện lớn gần gấp đôi so với L’Oreal - hãng mỹ phẩm lớn nhất thế giới và công ty niêm yết lớn thứ hai của Pháp. Ngoài ra, vốn hoá của LVMH cũng lớn hơn gấp đôi so với của Hermes.

Hồi tháng 1 năm nay, Louis Vuitton - thương hiệu chủ lực của LVMH - thiết lập một cột mốc lớn khác khi trở thành thương hiệu hàng xa xỉ đầu tiên của thế giới đạt doanh thu hàng năm 20 tỷ USD. Dior có doanh thu tăng gấp 4 lần trong 4 năm qua, theo một báo cáo của HSBC. Mới đây, con gái của ông Arnault là bà Delphine đã trở thành CEO của Dior - một sự bổ nhiệm mà giới quan sát cho là sẽ quyết định người nào trong số 5 người con của ông Arnault sẽ kế nhiệm cha trên cương vị người đứng đầu LVMH.

Các công ty lớn thứ hai và thứ ba trong chỉ số Stoxx 600 của thị trường chứng khoán châu Âu có mức vốn hoá thấp hơn nhiều so với LVMH. Nestle, công ty thực phẩm lớn nhất thế giới, và hãng dược Đan Mạch Novo Nordisk có mức vốn hoá tương ứng 326 tỷ Euro và 272 tỷ Euro.

Chỉ số chứng khoán Pháp CAC 40 đã tăng 17% từ đầu năm đến nay, khi nhà đầu tư đổ xô mua cổ phiếu của hãng đồ hiệu. Trong đó, cổ phiếu của LVMH đã tăng 33%.