16:14 06/05/2010

Đề nghị hạn chế tỷ lệ góp vốn vào tổ chức tín dụng

Nguyên Bình

Có thể sẽ có quy định mới nhằm hạn chế "khả năng lũng đoạn" của các cổ đông tại ngân hàng thương mại

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng "không nên cứ khó là cấm" - Ảnh:TTXVN.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng "không nên cứ khó là cấm" - Ảnh:TTXVN.
Tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (6/5) về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), một số ý kiến cho rằng đã có ngân hàng lớn bị chi phối bởi một số nhóm cổ đông.

Đây cũng là lý do để dự luật có những quy định mới, "nhằm hạn chế khả năng lũng đoạn của các tổ chức có thể kiểm soát được hoạt động của các ngân hàng thương mại thông qua việc nắm giữ số lượng lớn cổ phần tại ngân hàng".

Theo đó, một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% (quy định hiện hành là 10%) vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; cổ đông cùng những người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng .

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị vẫn giữ mức giới hạn sở hữu cổ phần của một cổ đông là tổ chức không quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng như quy định hiện hành, vì thực tế cho thấy trong giai đoạn đầu, nhiều tổ chức tín dụng cần thu hút cổ đông chiến lược là ngân hàng, tập đoàn kinh tế - tài chính để được giúp đỡ công nghệ và kinh nghiệm quản lý của các cổ đông này.

Có ý kiến cũng dẫn chứng, qua tham khảo pháp luật một số nước, quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần mà pháp nhân được nắm giữ là từ 20-30% vốn của một tổ chức tín dụng. Hơn nữa, quy định hiện hành đang áp dụng là: tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân không quá 10% và là một tổ chức không quá 20%. Quá trình thực hiện vừa qua không phát sinh khó khăn gì.

Trước những ý kiến còn khác nhau này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên gợi ý, có thể tính đến phương án dung hòa, tức giới hạn sở hữu cổ phần của một cổ đông là tổ chức không quá 15%.

Bên cạnh hạn chế tỷ lệ vốn góp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ khi ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật có các quy định cụ thể về việc kê khai nguồn gốc tiền của các cá nhân, tổ chức góp vốn thành lập tổ chức tín dụng.

Cũng liên quan đến yêu cầu quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, dự thảo luật quy định tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho người quản lý, người điều hành (thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, ban kiểm soát, tổng giám đốc và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng) hoặc pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát của tổ chức tín dụng cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng.

Mục đích chủ yếu của các quy định này là nhằm hạn chế các hoạt động cấp tín dụng trong nội bộ một tổ chức tín dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho biết.

Góp ý hoàn thiện dự luật này, một vấn đề khác cũng còn đang gây tranh cãi là có nên cấm ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng cho đầu tư, kinh doanh cổ phiếu?

Cơ quan thẩm tra đã đề xuất hai phương án để xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Một là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu. Hai là tổng mức dư nợ cấp tín dụng và điều kiện cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước quy định  trong từng thời kỳ.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình phân tích, nguy cơ rủi ro của việc cấp tín dụng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu là rất cao, nên ngân hàng thương mại không nên trực tiếp đầu tư cho vay cổ phiếu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền thì cho rằng, không phải cứ khó khăn là cấm, nhưng phải có hành lang để kiểm soát việc này.