11:17 28/10/2016

Đề nghị Quốc hội có nghị quyết chống bỏ lọt tội phạm

Nguyên Vũ

Quốc hội còn được kiến nghị tăng cường giám sát những lĩnh vực gây nhiều bức xúc trong xã hội

Quốc hội nghe các báo cáo của các cơ quan tư pháp và báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng.
Quốc hội nghe các báo cáo của các cơ quan tư pháp và báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng.
Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trước Quốc hội sáng 28/10, Viện trưởng Lê Minh Trí kiến nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành nghị quyết chống bỏ lọt tội phạm.

Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ theo các nghị quyết của Quốc hội, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết toàn ngành đã kiểm sát chặt chẽ 100% các hồ sơ và quyết định giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, thực hành tốt hơn quyền công tố, bảo đảm việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đúng pháp luật.

Kết quả tiếp theo là bảo đảm 100% vụ án hình sự được kiểm sát chặt chẽ ngay từ khi khởi tố vụ án và trong suốt quá trình điều tra, quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội.

Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 99,99%, tỷ lệ truy tố đúng tội danh đạt 99,9%, Viện trưởng nêu con số cụ thể.

Trong năm 2016, công tác điều tra tội phạm của cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao được Viện trưởng đánh giá là tiếp tục có chuyển biến tích cực.

Hoạt động điều tra được nâng lên cả về số lượng và chất lượng điều tra các vụ án tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp, góp phần chấn chỉnh, phòng ngừa vi phạm pháp luật, tội phạm trong hoạt động tư pháp, xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh.

Trong năm, cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã thụ lý 169 tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền, đã giải quyết 126 tố giác, tin báo; ra quyết định khởi tố 30 vụ án hình sự, trong đó có 16 vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp; thụ lý điều tra 46 vụ/43 bị can, trong đó có 35 vụ/38 bị can về tham nhũng, Viện trưởng nêu kết quả qua con số.

Viện trưởng cũng khẳng định, toàn ngành đã triển khai, thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Theo đó đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ phát hiện, tiến độ, chất lượng xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng và việc thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt; chú trọng phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng đã chủ động phối hợp với Bộ Công an, Toà án Nhân dân Tối cao và Ban Nội chính Trung ương thực hiện nhiều biện pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tư pháp.

Nhất là trong đấu tranh chống tội phạm; giải quyết dứt điểm, nghiêm minh nhiều vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, nhất là các vụ án trọng điểm về tham nhũng, kinh tế và các vụ án có khiếu kiện về oan, sai nhiều năm.

Nhìn nhận hạn chế, thiếu sót, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết việc giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế còn kéo dài, tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung còn cao, vẫn để xảy ra một số trường hợp tòa án tuyên bị cáo không phạm tội.

Phần cuối báo cáo, ông kiến nghị với Quốc hội khi sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, phân công cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và cần có quy định khuyến khích người phạm tội nộp lại tài sản phạm tội, bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng và việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Quốc hội còn được kiến nghị tăng cường giám sát những lĩnh vực gây nhiều bức xúc trong xã hội, đặc biệt trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, chống lãng phí, thất thoát tài sản trong đầu tư công, trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm...