[Phóng sự ảnh]: Cuộc bàn thảo chiến lược nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 2 con số
Trí Dũng - Song Hoàng
Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF 2025) diễn ra chiều ngày 8/7, tại Hà Nội là dịp tập hợp trí tuệ, khát vọng và hành động quyết liệt của cả hệ thống, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước...
Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF 2025) với cách tiếp cận đa chiều và đối thoại mở, không chỉ tạo lập một không gian chia sẻ thông tin giữa các nhóm chủ thể chính sách và thực thi, mà còn hình thành nền tảng quan trọng cho công tác theo dõi, giám sát, điều chỉnh chính sách nhằm đảm bảo sự thống nhất từ Trung ương tới địa phương, từ ý chí đến hành động.
Ngày 8/7, Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) với chủ đề “Các giải pháp chiến lược & thực tiễn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao & bền vững trong bối cảnh mới” đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, dưới sự chỉ đạo nội dung của Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 vào chiều ngày 8/7, ông Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, nhận định sự kiện là cơ hội tốt để nhiều đối tượng có thể tham gia đóng góp ý kiến, từ doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia và cả những người chịu trách nhiệm ở những cơ quan Trung ương đều có thể cùng đưa ra ý kiến nhằm tìm ra câu trả lời cho câu hỏi lớn về phát triển kinh tế Việt Nam.Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng 7,52% - mức cao nhất trong vòng 15 năm qua. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, Việt Nam đang đi ngược xu hướng của thế giới khi Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn.Phát biểu tại Diễn đàn, Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang cho biết trong quá trình soạn thảo đề án với chủ đề: "Các giải pháp chiến lược thúc đẩy tăng trưởng 2 con số trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam" để trình Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương sẽ áp dụng một cách tiếp cận ngược nhằm đảm bảo lắng nghe tiếng nói của mọi thành phần của nền kinh tế.Theo ông Trương Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, để đảm bảo tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2035, cần tìm kiếm thêm các nguồn lực để đưa vào hoạt động kinh tế trên tất cả mọi lĩnh vực với tinh thần khẩn trương hơn, quyết liệt hơn, đặc biệt là tuân thủ tiến độ thời gian. Đối với Hà Nội, để tăng trưởng đạt từ 10,5-11%, sơ bộ tính toán vốn đầu tư xã hội cần từ 4,86-5,0 triệu tỷ đồng, bằng 43,15-43,75% GRDP, gấp 2 lần giai đoạn 2021-2025...TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược, cho rằng muốn đạt được tăng trưởng bền vững, không thể chỉ nhìn vào tốc độ mà còn phải tính đến chất lượng và chiều sâu của phát triển. Bên cạnh đó, cần chỉ rõ, công nghiệp hỗ trợ là một trong những ngành có dư địa rất lớn nếu được tổ chức và vận hành đúng cách. Đây là mắt xích quan trọng giúp nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và tăng tính tự chủ của nền kinh tế...Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), cho rằng muốn được mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, mọi ngành đều phải có sự đóng góp tích cực, đặc biệt là ngành bất động sản và xây dựng với tỷ trọng 10% - 12% trong tổng GDP. Tuy nhiên, ông Hiệp nhấn mạnh, để ngành bất động sản và xây dựng đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế thì vấn đề đầu tiên là phải quản lý được giá đất...Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse, đã chia sẻ thẳng thắn về những cơ hội, thách thức và điều kiện cần thiết để doanh nghiệp Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong bối cảnh mới. Theo ông Phú muốn đạt được tăng trưởng hai con số, Việt Nam cần một chiến lược đồng hành toàn diện giữa Nhà nước và doanh nghiệp, thay vì để doanh nghiệp tự bơi trong cuộc đua toàn cầu hóa khốc liệt...Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam, phát biểu tại Diễn đàn nêu vấn đề: Xuất phát từ 2 công thức tính GDP, công thức theo thu nhập có thành phần chênh lệch XNK, và công thức theo chi phí có thành phần tiền lương của NLĐ trong khu vực sản xuất. Dệt may sẽ phải đi theo hướng tăng kim ngạch xuất khẩu chỉ 3-5% nhưng giảm nhập khẩu 3-5% để tăng chênh lệch xuất nhập khẩu được 10% đóng góp vào GDP. Đồng thời tăng tiền lương 2 con số.Lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp, hiệp hội đại diện cho các lĩnh vực, ngành hàng, các khu vực kinh tế chia sẻ nhiều thông tin thực tiễn, đánh giá khả năng, cơ hội bứt phá tăng trưởng hiện nay và giai đoạn tới của từng ngành, lĩnh vực góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế... Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), đề xuất các giải pháp: (i)Nhà nước đầu tư một phần hoặc hỗ trợ vốn đầu tư (không lãi suất) cho các trung tâm nghiên cứu R&D nông nghiệp, phòng Labs, trung tâm dữ liệu, truy xuất nguồn gốc…. (ii) Cần quan tâm và đánh giá vai trò thúc đầy công nghệ sinh học, công nghệ chế biến thực phẩm ngang với tầm quan trọng của cơ chế phát triển công nghệ bán dẫn”, vì Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về nông nghiệp, nông sản;Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, Việt Nam đã đặt ra những mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng là tăng trưởng GDP đạt 8% trong năm 2025 và vượt mốc hai con số từ 10% trở lên trong giai đoạn 2026 - 2030. Đây là mục tiêu mang tính bước ngoặt, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa Chính phủ, các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp.Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chỉ ra nhiều điểm nghẽn ảnh hưởng tới việc hiện thực những mục tiêu phát triển kinh tế lớn của Bộ Chính trị. Trong bối cảnh yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ, nếu bộ máy thực thi không theo kịp chính sách, mọi nỗ lực chỉ đạo sẽ chỉ dừng ở khẩu hiệu. Muốn chuyển đổi thành công thì bộ máy thực thi phải thật tinh hoa.TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, đề xuất bốn nguyên tắc lớn để đảm bảo tính bền vững trong huy động và sử dụng nguồn lực tài chính bao gồm: đầu tư cần cân đối với tiết kiệm; phải chú trọng hiệu quả đầu tư; phân bổ nguồn lực tài chính phải tối ưu hơn; và mô hình tăng trưởng phải dựa nhiều hơn vào tăng năng suất thay vì chỉ khai thác lao động giá rẻ và tài nguyên.Nêu kiến nghị tại Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) ngày 8/7, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho rằng mặc dù là lực lượng đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế, song các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối diện với nhiều thách thức hơn cả cơ hội. Về vai trò của hiệp hội, ông Thân cho biết các hiệp hội đang hoạt động một cách tự nguyện, thiếu các cơ chế pháp lý rõ ràng để thực hiện nhiệm vụ. Hiệp hội cần được giao nhiệm vụ chính thức bằng văn bản từ Đảng và Nhà nước, để có quyền đại diện cho doanh nghiệp, tham gia phản biện chính sách và đối thoại bình đẳng với các cơ quan công quyền. Đây là thông lệ phổ biến ở nhiều quốc gia phát triển, và cũng là điều kiện cần để Hiệp hội phát huy vai trò thực chất trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.Diễn đàn thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, nhà quản lý và lãnh đạo các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các thương hiệu lớn như HDBank, Vinamilk, VinaCapital, Viettravel...Tổng hợp các ý kiến tại diễn đàn, ông Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, cho rằng mục tiêu tăng trưởng hai con số hoàn toàn khả thi nếu có sự đồng lòng, phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và địa phương. Phát triển hai con số không đồng nghĩa với việc tất cả lĩnh vực phải tăng tốc đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, mà quan trọng là đạt hiệu quả tổng thể bền vững và bao trùm. Cơ hội hiện nay của Việt Nam đã lớn hơn rất nhiều so với trước đây. Niềm tin vào cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế với tư duy đổi mới mang tính cách mạng, chính là nền tảng để chúng ta bứt phá. Chính phủ sẽ tiếp thu, chọn lọc các kiến nghị thiết thực để đưa vào chính sách và chương trình hành động cụ thể trong thời gian tới.