17:14 20/05/2010

Đề nghị “quyết” từng cụm dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Nguyên Bình

Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội còn nhiều băn khoăn về tính khả thi cũng như hiệu quả của dự án

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh trình bày báo cáo thẩm tra dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM - Ảnh: LQP.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh trình bày báo cáo thẩm tra dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM - Ảnh: LQP.
Chiều 20/5, Chính phủ đã chính thức trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM. Đây là dự án quan trọng quốc gia, cần Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho biết, tuyến đường sắt cao tốc này dự kiến sẽ được xây dựng mới với tốc độ khai thác 300 km/h (vận tốc thiết kế = 350 km/h), đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hoá; công nghệ động lực phân tán - EMU (tương tự đoàn tàu Shinkansen của Nhật Bản).

Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là 55,853 tỷ USD (khoảng 35,6 triệu USD/km), bắt đầu thiết kế xây dựng vào năm 2012, đến 2020 đưa vào khai thác đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - Tp.HCM; 2030 đưa vào khai thác đoạn Vinh - Đà Nẵng và hoàn thành toàn tuyến vào 2035.

Với chiều dài 1.570 km, tuyến đường sẽ đi qua 20 tỉnh thành, xây dựng 27 ga, trong đó 25 ga dọc tuyến và 2 ga đầu cuối.

Hơn 34 nghìn tỷ đồng giải phóng mặt bằng

Tại báo cáo giải trình bổ sung ngày 12/5, Chính phủ đã phân tích thêm sự cần thiết phải đầu tư dự án này. Theo đó, để có được hệ thống giao thông bền vững, cân đối, hài hòa cần phải xác định giao thông bánh sắt là phương thức chủ đạo để vận chuyển khách trên trục Bắc - Nam.

Việc đầu tư dự án đường sắt cao tốc là một trong các điểm nhấn tạo tiền đề đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Chính phủ cũng nhận định “khả năng tổng mức đầu tư tăng cao so với sơ bộ tổng mức đầu tư khó xảy ra”. Vì, yếu tố này được xác định với các dữ liệu đầu vào của Nhật Bản (cao hơn các nước khác), chi phí tính toán theo USD và dự phòng cho dự án được tính bằng 13% tổng mức đầu tư sơ bộ.

Thông tin từ báo cáo này cho biết dự án có thể làm khoảng 16.500 hộ gia đình bị ảnh hưởng vể đất ở, đất nông nghiệp, lâm nghiệp. Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 34.208 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo tính toán của cơ quan thẩm tra thì thực tế chi phí này phải lớn hơn nhiều bởi còn chi phí đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ dân mà dự án chưa tính đến.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cần nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm của công tác di dân tái định cư đối với các công trình quan trọng quốc gia đã và đang làm hiện nay để bảo đảm người dân di dời sớm ổn định cuộc sống, có nhà ở, đất canh tác, chuyển đổi nghề nghiệp...

Xem xét kỹ hơn tính khả thi

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội còn bộc lộ nhiều băn khoăn về tính khả thi cũng như hiệu quả của dự án.

Cơ quan thẩm tra “rất lo ngại” về khả năng huy động nguồn vốn lớn tới gần 56 tỷ USD, suất đầu tư bình quân là 680 tỷ đồng/km, tương đương 35,6 triệu USD/km. Có ý kiến cho rằng với việc xây dựng chủ yếu là hầm, cầu cạn, cầu vượt sông, cầu ở các nút giao với đường bộ thì tổng mức đầu tư sẽ vượt xa so với dự kiến.

Với tổng mức đầu tư của dự án riêng cho giai đoạn đầu là 21 tỷ USD thì mỗi năm bình quân cần tới 2,63 tỷ USD, phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay nước ngoài. Trong bối cảnh hiện nay nợ nước ngoài của Việt Nam vào khoảng 38,9% GDP, nợ Chính phủ đã ở mức trên 42% GDP, tích lũy nội địa và dự trữ ngoại tệ thấp thì việc vay thêm để đủ vốn đầu tư cho dự án này sẽ làm gánh nặng nợ quốc gia tăng lên đáng kể.

Cũng theo báo cáo thẩm tra, vốn lớn như vậy nhưng hiệu quả tài chính của dự án không cao. Ở phương án cơ sở, khi áp dụng chính sách giá vé bằng 75% giá vé máy bay thì chỉ số nội hoàn tài chính (FIRR) cũng chỉ đạt 2,4 - 3%, thời gian hoàn vốn nhanh nhất là 45 năm. Trong khi thông thường hiện nay thời gian hoàn vốn khoảng 10 năm thì dự án mới coi là hiệu quả.

Ủy ban này đề nghị có ý kiến thẩm tra sâu hơn của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách về tính khả thi của thời điểm khởi động dự án, khả năng huy động vốn, cân đối nguồn vốn cho các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội khác và hiệu quả tài chính của dự án.

Đồng thời, Ủy ban kiến nghị Quốc hội cần nêu rõ những yêu cầu, nhiệm vụ tổng thể và một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong giai đoạn đầu của dự án để Chính phủ có cơ sở pháp lý lập báo cáo khả thi và triển khai công tác chuẩn bị cho dự án trong thời kỳ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh nhấn mạnh, do đây là dự án thực hiện trong thời gian dài với quy mô lớn, nên đề nghị Quốc hội xem xét quyết định theo từng cụm dự án thành phần, trước mắt là trong thời kỳ đến năm 2020.

Ủy ban này cũng đề nghị trước khi khởi công xây dựng từng dự án, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét và quyết định nội dung cụ thể theo thẩm quyền.

Theo quan điểm của cơ quan thẩm tra thì tổng mức đầu tư hiệu chỉnh và cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng đối với dự án cũng thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên không thể giao Chính phủ quyết định như kiến nghị của Chính phủ.

Ngay chiều mai (21/5), Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự án này và sẽ thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án tại phiên bế mạc kỳ họp vào sáng 19/6.