16:50 18/01/2024

Đề xuất giữ lại nguồn lực thoái vốn, SCIC chuyển đổi theo mô hình tổ chức đầu tư chuyên nghiệp

Anh Nhi

SCIC đề nghị được giữ lại nguồn lực từ thoái vốn để đáp ứng nhu cầu đầu tư vào những dự án trọng điểm, những lĩnh vực ưu tiên và phù hợp với việc chuyển đổi theo mô hình quỹ đầu tư Chính phủ…

SCIC hướng tới mô hình tổ chức đầu tư chuyên nghiệp.
SCIC hướng tới mô hình tổ chức đầu tư chuyên nghiệp.

Chia sẻ tại Hội nghị Công bố và triển khai Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 và Kế hoạch kinh doanh, Kế hoạch đầu tư phát triển đến năm 2025 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) ngày 18/1, ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC, cho biết danh mục hiện nay của SCIC không còn nhiều doanh nghiệp hiệu quả, số lượng/giá trị doanh nghiệp tiếp nhận cũng không lớn.

“Do vậy, SCIC cần thiết phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đầu tư, chuyển đổi mô hình hoạt hộng thành tổ chức tài chính thực hiện vai trò nhà đầu tư của Chính phủ”, ông Thành nói.

TẠO RA HƠN 110 NGHÌN TỶ ĐỒNG DOANH THU, GẦN 86 NGHÌN TỶ ĐỒNG LỢI NHUẬN

Trình bày kết quả hoạt động của SCIC từ khi thành lập đến nay, ông Đinh Việt Tùng, Phó Tổng Giám đốc SCIC, cho biết qua hơn 17 năm hoạt động, SCIC đã tiếp nhận 1.080 doanh nghiệp (bao gồm 25 tập đoàn, tổng công ty) với tổng vốn nhà nước hơn 32.339 tỷ đồng; bán vốn thành công tại 1.054 doanh nghiệp với tổng giá trị thu về 51.668 tỷ đồng, cấp 4,1 lần giá vốn; và sắp xếp, cổ phần hóa 31 doanh nghiệp trong tổng số 34 công ty TNHH 1,2 thành viên 100% vốn nhà nước đã tiếp nhận.

Theo đó, SCIC đã tạo ra tổng doanh thu 110.432 tỷ đồng, tổng lợi nhuận 85.863 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 92.245 tỷ đồng và tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân trong cả giai đoạn đạt 13%/năm.

Về hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, SCIC đã giải ngân đầu tư 37.600 tỷ đồng; trong đó đầu tư mua cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu tại các doanh nghiệp tiếp nhận gần 16.420 tỷ đồng, góp vốn thành lập doanh nghiệp và đầu tư cổ phiếu hơn 6.000 tỷ đồng, đầu tư mua trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp 6.580 tỷ đồng và đầu tư theo chỉ định của Chính phủ 7.936 tỷ đồng.

Đề xuất giữ lại nguồn lực thoái vốn, SCIC chuyển đổi theo mô hình tổ chức đầu tư chuyên nghiệp - Ảnh 1

Ngoài ra, SCIC cũng đã hợp tác với các quỹ, tổ chức tài chính quốc tế; các quỹ đầu tư chính phủ của một số nước Vùng Vịnh; hợp tác với Temasek trong chia sẻ kinh nghiệm đầu tư và đào tạo cán bộ và phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ủy ban tổ chức Hội nghị quốc tế tăng cường hợp tác với các quỹ đầu tư nhằm huy động nguồn tài chính xanh với sự tham dự của 30 quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính quốc tế…

GIAI ĐOẠN “VÀNG” ĐỂ CHUYỂN MÌNH CỦA SCIC

Đánh giá cao những nỗ lực của SCIC trong việc thúc đẩy tiến trình cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà  nước trong hơn 17 năm qua, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng đây là giai đoạn “vàng” để SCIC chuyển mình, trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp.

“Đây là thời điểm thích hợp nhất, đúng nhất để SCIC chuyển mình. Giai đoạn xử lý và tái cơ cấu doanh nghiệp về cơ bản đã hoàn thành, ý tưởng và tầm vóc của SCIC phải lớn hơn để thích ứng với những cuộc chơi mới”, ông Thành  nói.

Theo SCIC, tính đến thời điểm này, danh mục của SCIC còn 113 doanh nghiệp, ngoại trừ 12 doanh nghiệp nắm giữ theo dự thảo Đề án cơ cấu lại SCIC, phần lớn còn lại là những doanh nghiệp kém hiệu quả, khó bán vốn. Trong đó, 37 doanh nghiệp thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; 34 doanh nghiệp, gồm các doanh nghiệp thuộc diện giải thể phá sản, ngừng hoạt động, tỷ lệ sở hữu nhỏ, kinh doanh khó khăn… (có một số doanh nghiệp đã bán vốn 6 lần trở lên không thành công); 24 doanh nghiệp phải giải quyết các vướng mắc về pháp lý, công nợ, quyết toán vốn lần 2 mới đủ điều kiện bán vốn; 04 doanh nghiệp thuộc Thông báo số 281. Trong số này, chỉ có thể triển khai bán vốn khả thi đối với 09 doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Chí Thành phát biểutại Hội nghị về kế hoạch sắp tới của SCIC.
Ông Nguyễn Chí Thành phát biểutại Hội nghị về kế hoạch sắp tới của SCIC.

“SCIC cần chuyển đổi mô hình hoạt động thành tổ chức tài chính thực hiện vai trò nhà đầu tư Chính phủ. Hơn nữa, lộ trình phát triển của SCIC cũng tương đối phù hợp với các tổ chức đầu tư chính phủ trên thế giới, như Temasek cũng cần khoảng 20 năm để tái cơ cấu doanh nghiệp, tích lũy vốn”, ông Thành nói.

Theo kinh nghiệm quốc tế về thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách (khu vực tư nhân, nước ngoài) để đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực trọng yếu, giải pháp phổ biến, được nhiều nước đang phát triển áp dụng trong thời gian gần đây và được WB và IMF khuyến khích là: thành lập định chế đầu tư đặc thù, thường được gọi chung là Quỹ phát triển quốc gia (Sovereign Development Fund - SDF). Các định chế này có thể được tổ chức theo mô hình quỹ đầu tư, công ty đầu tư trực thuộc Chính phủ (Ấn Độ), Bộ Tài chính (Malaysia), Ủy ban giám sát và quản lý tài sản nhà nước (Trung Quốc)...

Theo Chủ tịch SCIC, một số quốc gia có quy mô GDP tương đương như Việt Nam (khoảng 450 tỷ USD) nhưng đang quản lý các quỹ có quy mô lên tới hàng nghìn tỷ USD. Trong khi đó, quỹ đầu tư của SCIC chỉ khoảng 8 tỷ USD, quá nhỏ bé so với kỳ vọng và mục tiêu trở thành nhà đầu tư Chính phủ.

“Do vậy, SCIC mong muốn tới đây Chính phủ cho phép bổ sung các nguồn lực đầu tư trong đề án chuyển đổi mô hình hoạt động”, ông Thành đề xuất.

Cùng với đó, SCIC cũng mong muốn Chính phủ cho phép thực hiện tăng vốn để SCIC tham gia sâu hơn vào quản trị các doanh nghiệp địa phương nhằm thực hiện sứ mệnh “quốc gia hóa”, “quốc tế hóa” những doanh nghiệp có tiềm năng và triển vọng như Becamex Bình Dương, Sonadezi…

“Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng nói không chỉ có thoái vốn mà có thể tăng vốn tại các doanh nghiệp nhà nước để các doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả hơn, thực hiện sứ mệnh lớn hơn. “Chiếc áo” cơ chế địa phương đang bó buộc nhiều doanh nghiệp phát triển. Vậy thì chúng ta phải có chính sách để thúc đẩy điều này”, ông Thành đề xuất.

 

Ngày 10/11/2023, Thủ tướng Chính Phủ đã có Quyết định 1336/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 (Chiến lược phát triển); Kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn đến 2025 (Kế hoạch 5 năm) của SCIC.

Chiến lược nêu rõ củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của SCIC để thực hiện tốt và có hiệu quả vai trò là định chế, công cụ của Chính phủ để: (i) hỗ trợ, thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới DNNN; (ii) thực hiện đầu tư kinh doanh vốn theo cơ chế thị trường và nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; (iii) từng bước chuyển đổi mô hình hoạt động của SCIC theo mô hình tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, định hướng sau năm 2025 SCIC trở thành tổ chức đầu tư tài chính có quy mô vốn chủ sở hữu hàng đầu tại Việt Nam.

Các chỉ tiêu Kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm giai đoạn đến năm 2025 cũng đề ra một số chỉ tiêu:

+ Doanh thu: Bình quân hằng năm đạt 9.400 tỷ đồng/năm.

+ Lợi nhuận sau thuế: Bình quân hằng năm đạt 6.700 tỷ đồng/năm.

+ Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE): Bình quân hằng năm đạt 10%.

+ Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) Bình quân hằng năm đạt 9,6%.

+ Nộp ngân sách nhà nước: Bình quân hằng năm đạt 5.400 tỷ đồng/năm.

+ Tổng số giải ngân đầu tư cả giai đoạn đến năm 2025: 36.300 tỷ đồng.