Đề xuất mô hình cho vay trực tiếp từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tập trung xây dựng mô hình cho vay trực tiếp nhằm đa dạng các kênh tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt khó.
Thiếu vốn, mất thanh khoản, khó tiếp cận ngân hàng... là thực trạng của rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Trước thực trạng này, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tập trung xây dựng mô hình cho vay trực tiếp nhằm đa dạng các kênh tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt khó.
Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa là Quỹ tài chính nhà nước, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được thành lập theo Quyết định số 601/QĐ TTg ngày 17/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ nhằm triển khai hiệu quả các chính sách trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quỹ hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với mức vốn điều lệ tối thiểu của Quỹ là 2.000 tỷ đồng.
ĐA DẠNG KÊNH HỖ TRỢ CHO DOANH NGHIỆP
Để triển khai thi hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngày 10/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV với chức năng cho vay, tài trợ, hỗ trợ tăng cường năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Qua thời gian chính thức triển khai hoạt động hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, kết quả ban đầu cho thấy tín hiệu tích cực khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận được nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ đã hoạt động hiệu quả, lợi nhuận tăng, tạo thêm việc làm cho người lao động, đặc biệt có nhiều doanh nghiệp sử dụng vốn vượt kỳ vọng đã thực hiện trả nợ trước hạn. Bên cạnh đó, nguồn vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ được coi là vốn mồi để thu hút các nguồn lực khác từ bên ngoài cùng chung tay hỗ trợdoanh nghiệp nhỏ và vừa
Bà Nguyễn Thị Hải Thủy, Phó Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ và nông sản tổng hợp cho biết sau khi tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ, công ty đã tập trung đầu tư dây chuyền sản xuất, cải thiện công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước dịch chuyển thị trường xuất khẩu sang các nước như châu Âu, Nhật Bản... Sự thay đổi này đã giúp doanh thu của công ty tăng gấp đôi so với năm trước.
Cũng nhờ nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp từ Quỹ, Công ty cổ phần đúc thép Thành Công cũng đã chinh phục và tìm được chỗ đứng ở những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu... "Công ty chúng tôi được thành lập từ năm 2013 nhưng với nguồn vốn hạn hẹp, hạn chế trong đầu tư trang thiết bị nên sản phẩm làm ra đơn giản, tính cạnh tranh không cao. Từ năm 2017 đến nay, nhờ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, doanh nghiệp chú trọng vào máy móc thiết bị, chất lượng sản phẩm của công ty đã cải thiện đáng kể", ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc công ty cho biết.
Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ tháng 6/2020, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đã công bố giảm lãi suất cho vay về mức 2,16%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 4%/năm đối với cho vay trung, dài hạn. Đây được xem là mức lãi suất hỗ trợ rất ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để có thể phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98,1% trong tổng số hơn 800.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Việt Nam, đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Doanh nghiệp nhỏ và vừa là nơi tạo ra việc làm chủ yếu và tăng thu nhập cho người lao động, tham gia huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo... Hàng năm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tạo ra trên 1 triệu lao động mới; sử dụng khoảng 5 triệu lao động toàn xã hội, đóng góp khoảng 45% GDP cho cả nước, 31% tổng thu Ngân sách nhà nước.
Vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nhiều quốc gia trên thế giới luôn được đánh giá rất cao. Số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số trong tổng cơ cấu các doanh nghiệp, thông thường tỷ lệ này từ 90% - 98%. Bên cạnh đó, cộng đồng này còn là chủ thể của các phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự hòa nhập của nền kinh tế, tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các luật về đầu tư, kinh doanh nhằm tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Đặc biệt, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ 01/01/2018, đã tạo bước tiến quan trọng trong công tác hoàn thiện chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, với hàng loạt chính sách hỗ trợ đa chiều như: hỗ trợ tiếp cận tín dụng, thông tin; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; tư vấn quản trị kinh doanh, công nghệ; đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị...
Tuy nhiên, một trong số thách thức quan trọng mà doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam tiếp tục gặp phải là những hạn chế trong tiếp cận tín dụng. Một nghiên cứu mới đây được thực hiện bởi John Rand và Finn Tarp tại Trường đại học Copenhagen cho thấy, khoảng 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa đối mặt với rào cản tín dụng và nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp nhỏ cao hơn 115% so với tỷ lệ cung cấp.
Vì vậy, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được xem là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy vậy, mô hình cho vay thông qua các trung gian tài chính là các ngân hàng thương mại đang hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn từ quỹ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH CHO VAY TRỰC TIẾP
Để đa dạng kênh tiếp cận vốn cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đang nghiên cứu việc triển khai mô hình cho vay trực tiếp, bên cạnh mô hình cho vay gián tiếp và tài trợ thương mại đang được Quỹ thực hiện hiện nay.
Theo đó, khung pháp lý cho việc triển khai mô hình này là Nghị định 39 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa với chức năng cho vay, tài trợ, hỗ trợ tăng cường năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và Thông tư 14/2020/TT-BKHĐT có hiệu lực kể từ ngày 25/2/2021 về việc hướng dẫn xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay trực tiếp của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. "Đây là bước đi quan trọng trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý để đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực thi hiệu quả nghiệp vụ cho vay trực tiếp", bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết.
Cùng với đó, để hoàn thiện mô hình cho vay trực tiếp, Quỹ cũng đang nghiên cứu quy chế, quy trình cho vay; trong đó tập trung vào thẩm định hồ sơ vay vốn, bảo đảm tiền vay và phòng ngừa rủi ro.
Theo đó, Quỹ sẽ quyết định cụ thể các biện pháp bảo đảm tiền vay; xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm và các văn bản pháp luật có liên quan. "Tài sản bảo đảm là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh, tài sản của bên thứ 3 và tài sản hình thành trong tương lai hình thành từ vốn vay Quỹ và hình thành vừ vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa", Quỹ đề xuất.
Đặc biệt, liên quan tới cơ chế phòng ngừa rủi ro, Quỹ sẽ xây dựng chính sách quản lý rủi ro, quy định nội bộ về quản lý, đo lường, theo dõi rủi ro theo các quy định của pháp luật. "Điều này nhằm đảm bảo Quỹ luôn sát cánh hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời khi có phát sinh, từ đó tăng cường khả năng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ một cách hiệu quả cho doanh nghiệp", Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết.
Để triển khai thực hiện, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng bên cạnh khung khổ pháp luật đầy đủ, hạ tầng tín dụng và hỗ trợ Chính phủ sẽ là những yếu tố giúp thành công trong việc triển khai mô hình cho vay trực tiếp. "Phần mềm quản lý khoản vay và phần mềm chấm điểm xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhỏ và vừa, kho lưu giữ tài sản bảo đảm là những yếu tố cần thiết đối với mô hình cho vay trực tiếp", đại diện Quỹ cho biết.