18:26 11/08/2021

Đề xuất nới trần nợ vay Đà Nẵng lên 60%

Ánh Tuyết

Bộ Tài chính đề xuất nới trần nợ vay của Đà Nẵng lên 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Khi đó, dư nợ vay năm 2021 tăng 2.492 tỷ đồng so với quy định hiện hành...

Bộ Tài chính đang sửa cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách đối với TP Đà Nẵng.
Bộ Tài chính đang sửa cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách đối với TP Đà Nẵng.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các Bộ có liên quan và UBND TP. Đà Nẵng đối với hồ sơ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP. Đà Nẵng.

CHỦ ĐỘNG NGUỒN LỰC, HIỆN THỰC HOÁ CÁC DỰ ÁN TỶ ĐÔ

Theo Nghị định 144, năm 2021 mức dư nợ vay tối đa của thành phố Đà Nẵng theo quy định tại Nghị định số 144/2016/NĐ-CP là 4.977,6 tỷ đồng. Hiện dư nợ vay của thành phố đến ngày 31/12/2021 dự kiến 1.611,3 tỷ đồng,  bằng 32,3% mức dư nợ vay cho phép.

 
"Nếu nâng mức dư nợ vay lên 60%, tính theo dự toán năm 2021, dư nợ vay tối đa của thành phố khoảng 7.470 tỷ đồng, tăng 2.492 tỷ đồng so với quy định hiện hành", Bộ Tài chính chỉ rõ.

Sau gần 5 năm thực hiện Nghị định 144, Bộ Tài chính cho rằng, quy định hiện hành về tỷ lệ huy động vốn hiện nay cơ bản đáp ứng nhu cầu hiện tại của thành phố.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, theo Bộ Tài chính, Đà Nẵng cần có thêm dư địa được vay và phù hợp với thực hiện đẩy mạnh cơ chế cho chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài, thay vì cấp phát như trước đây. Đồng thời, đáp ứng được nhu cầu vay lại vốn nước ngoài đã ký Hiệp định hoặc dự kiến kêu gọi vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.

Từ đó, thực hiện đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm của thành phố với tổng nhu cầu vốn khoảng 6,3 tỷ USD. Nổi bật là, dự án phát triển bền vững TP. Đà Nẵng vay vốn WB khoảng 314 triệu USD, dự án Cảng Liên Chiểu dự kiến 147 triệu USD; dự án xây dựng hệ thống tàu điện ngầm Đà Nẵng (gồm 2 trục: Đông –Tây, Nam – Bắc) dự kiến 4 tỷ USD; dự án xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng dự kiến 201,4 triệu USD;…

Bộ Tài chính cho rằng, khi nâng mức dư nợ vay, sẽ giúp thành phố tăng tính chủ động, kịp thời bố trí vốn cho các dự án theo tiến độ. Thành phố có thêm dư địa được vay, phù hợp với bối cảnh thực hiện đẩy mạnh cơ chế cho chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài, thay vì cấp phát như trước đây, vay từ quỹ dự trữ tài chính,... 

Bên cạnh đó, giúp Đà Nẵng tăng nguồn lực, đảm bảo chủ động được nguồn lực để đầu tư phát triển, trong đó, tập trung nguồn vốn để đầu tư các dự án xây dựng cơ bản, dân sinh bức xúc trong lĩnh vực môi trường, cấp thoát nước, giao thông đô thị, y tế, giáo dục,...

Từ đó, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội hướng tới xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Theo đó, thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ quỹ dự trữ tài chính của thành phố, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho thành phố vay lại, với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.

LƯU Ý RỦI RO NỢ CÔNG

Theo quy định tại Khoản 6, Điều 7 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, thành phố Đà Nẵng thuộc nhóm các địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp lớn hơn chi thường xuyên của ngân sách địa phương nên mức dư nợ vay không vượt quá 30% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp. Hiện chỉ có TP. HCM và TP. Hà Nội áp dụng mức dư nợ vay là 60%.

 

“Việc tăng mức dư nợ vay của Thành phố được kiểm soát trong giới hạn trần nợ công cả nước, mức vay và bội chi ngân sách của Thành phố hằng năm được tổng hợp trong tổng mức vay và bội chi ngân sách được Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước”.

Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, với kỳ vọng tạo động lực phát triển ở miền Trung, Đà Nẵng đã được nới trần vay nợ lên 40% từ năm 2017 tại khoản 1, Điều 3 Nghị định 144: “Thành phố được vay vốn đầu tư trong nước thông qua các hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức huy động khác theo quy định của pháp luật; vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho ngân sách địa phương vay lại.

Mức dư nợ vay (bao gồm vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật) của ngân sách thành phố không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi ngân sách nhà nước hàng năm được Quốc hội quyết định”.

Vào thời điểm đó, khi xem xét nâng mức trần vay nợ lên 40%, nhiều ý kiến cho rằng, phải kiểm soát chặt chẽ, khống chế bội chi và nợ công. Bởi lo ngại nếu “vung tay quá”, sau này nợ công tăng cao, thì Đà Nẵng phải chịu hậu quả.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc quy định tăng giới hạn mức dư nợ vay bảo đảm cho Thành phố có thêm dư địa được vay và phù hợp với bối cảnh thực hiện đẩy mạnh cơ chế cho chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài, nhưng cũng làm tăng áp lực cân đối nguồn để đảm bảo khả năng trả nợ...