Đà Nẵng sẽ phát triển theo hướng đô thị “nén”
UBND TP. Đà Nẵng đang tiếp tục lấy ý kiến về triển khai quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Đà Nẵng không chỉ đóng vai trò hạt nhân trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (khu vực có tiềm năng lớn về cảng biển trung chuyển lớn và phát triển du lịch nghỉ dưỡng), mà gần đây còn được coi là "thành phố đáng sống nhất Việt Nam", đang được quy hoạch với các mô hình "đô thị sân bay", "thành phố thông minh", "thành phố đổi mới sáng tạo".
“Dự án quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” được xây dựng trên định hướng Nghị quyết số 43 (ngày 24/01/2019) của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, phát triển Đà Nẵng trở thành đô thị hiện đại, hài hòa với thiên nhiên, bảo tồn và phát triển bản sắc đặc trưng của đô thị biển - sông - núi; trong đó, các khu đô thị sẽ phát triển theo hướng đô thị sinh thái, đô thị xanh.
Tại buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Thành ủy và Liên danh tư vấn quy hoạch thành phố về báo cáo sơ bộ “Dự án quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” (ngày 13/7), ông Đặng Huy Đông, Tư vấn Tổng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng: Đà Nẵng cần phát triển đô thị trung tâm, đô thị “nén” để tiết kiệm đất đai, hạ tầng, xen kẽ các khoảng không gian mở trong đô thị là không gian công cộng, cây xanh. Đây cũng là xu hướng của các nước phát triển như Úc, Singapore, Mỹ và các quốc gia Châu Âu.
Do đó, thành phố sẽ phát triển theo phân khu ứng với từng thời kỳ cụ thể, phát triển đi từ khu vực trung tâm thành phố, mở rộng dần theo thời gian, theo hình thức "cuốn chiếu", nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất để tăng thu ngân sách và đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn cho chủ đầu tư.
Đô thị “nén” sẽ phát triển dựa trên 03 trụ cột chính: Du lịch, Chế xuất và dịch vụ logistic, Kinh tế tri thức.
Trong giai đoạn 2021 - 2030, TP. Đà Nẵng cần phát triển khu trung tâm quận Hải Châu và vịnh Đà Nẵng, phát triển Trung tâm Chế xuất và trung chuyển hàng hóa miền Trung, phát triển kinh tế tri thức.
Để phát triển Khu đô thị dịch vụ thương mại, thành phố cần đặt Khu chế xuất hàng xuất khẩu gần với Trung tâm là nhà ga đường sắt và bến ô tô đường bộ cao tốc hiện đại liên thông, kết nối thuận lợi với cảng Liên Chiểu, Sân bay Đà Nẵng.
"Việc phát triển TP. Đà Nẵng cần song song với bảo tồn hệ sinh thái đa dạng, các khu vực ven sườn đồi, núi có tầm nhìn hướng về thành phố, hướng ra biển cần được quy hoạch ưu tiên cho khu nghỉ dưỡng cao cấp, biệt thự...", ông Đặng Huy Đông nhấn mạnh.
Hệ thống giao thông công cộng thông minh cần được triển khai, tập trung mở rộng vỉa hè để tăng diện tích dịch vụ thương mại, tăng chiều dài tuyến phố đi bộ; ở tuyến đường ven biển, tập trung xây dựng tuyến tàu điện (Tramway)…
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng cần lưu ý đến vấn đề khí hậu cực đoan để xây dựng thành phố phù hợp trong bối cảnh sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu, theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng.
Với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị đáng sống, có tác động lan tỏa và dẫn dắt sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP. Đà Nẵng, cho rằng thành phố cũng xác định việc phát triển theo hướng đô thị “nén”.
Về khái niệm "nén" và phạm vi "nén", theo ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy TP. Đà Nẵng, cần phải nghiên cứu kỹ, cần tập trung "nén" ở một số khu vực trung tâm quận Hải Châu và quận Thanh Khê, một số khu vực ở quận Sơn Trà. Thành phố hiện đang có chủ trương di dời khu công nghiệp An Đồn (quận Sơn Trà). Trong tương lai, tại khu vực này sẽ là một khu vực đô thị “nén” và sẽ phù hợp với dự án.
Đặc biệt, cần phát huy thế mạnh vị trí tự nhiên của Đà Nẵng là có cảng biển, do đó, cần tập trung phát triển kinh tế biển, dịch vụ tài chính, kinh tế tri thức... ông Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.