Đề xuất Quốc hội có thể họp đến tận đêm
Chủ tịch Quốc hội cho rằng có thể nghiên cứu việc kéo dài thêm các phiên thảo luận vào buổi chiều
Lần này chúng ta nên thay đổi, cho thảo luận đến khi hết ý kiến, tối thì cho đại biểu nghỉ ăn tối rồi thảo luận tiếp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển góp ý việc chuẩn bị chương trình kỳ họp thứ hai của Quốc hội.
Chiều 6/10, cho ý kiến về nội dung này, nhiều ý kiến khác tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng quan tâm nhiều đến sự đổi mới trong điều hành các phiên thảo luận.
Theo dự kiến chương trình, kỳ họp thứ hai sẽ khai mạc vào ngày 20/10 tới và bế mạc vào ngày 19/11.
Bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, chất vấn và thảo luận kinh tế, xã hội, Quốc hội sẽ dành thời gian cho ý kiến vào báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường liên quan đến Formosa, bài học kinh nghiệm và các giải pháp để bảo vệ môi trường và báo cáo về tình hình Biển Đông.
Có thể làm việc đến đêm
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến thì cử tri rất quan tâm đến các phiên thảo luận, vì đây chính là “linh hồn” của Quốc hội, nên các đại biểu đều rất muốn thể hiện trước cử tri ở những phiên làm việc này.
Ông Chiến đề nghị cố gắng tối đa tạo điều kiện cho đại biểu được phát biểu, cố gắng ai đăng ký thảo luận, chất vấn đều cho nói hết, nếu cần có thể bớt thời gian thảo luận tổ đi vì thảo luận tổ thường dùng không hết thời gian. Vì, các đại biểu đã đăng ký rồi mà không được nói thì rất “bức xúc”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề xuất trong các phiên thảo luận tại hội trường, nên cho thảo luận đến khi hết ý kiến chứ không phải hết thời gian rồi nghỉ.
“Tại các kỳ trước, đại biểu phải nhanh tay bấm nút đăng ký thì may ra mới được phát biểu, có những người đăng ký vài lần không được phát biểu vì không đến lượt. Vì thế lần này chúng ta nên thay đổi, cho thảo luận đến khi hết ý kiến, tối thì cho đại biểu nghỉ ăn tối rồi thảo luận tiếp. Nhiều nước trên thế giới đại biểu còn làm việc đến đêm được, nên chúng ta cũng cần nghiên cứu cho các đại biểu được nói hết thì mới thoả mãn được” , ông Hiển bày tỏ quan điểm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ: “Tôi điều hành nhiều phiên họp nên biết, mỗi phiên thảo luận mà gần hết giờ, những người chưa đến lượt phát biểu đều rất tha thiết có thêm thời gian để nói, nhưng chỉ cần kéo dài thêm 5 phút thôi, thì nhiều ông khác cũng khó chịu lắm rồi vì họ đang nhấp nhổm về”.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng có thể nghiên cứu việc kéo dài thêm thời gian làm việc của các phiên thảo luận vào các buổi chiều. “Quốc hội các nước làm rất muộn, nhưng họ khác chúng ta. Ở nước họ ai nói cứ nói, ai phát biểu cứ phát biểu, còn anh không thích nghe thì anh đi ra ngoài. Còn ở ta thì các đại biểu phải ngồi nghe vì liên quan đến việc điểm danh nên không thể bỏ ra ngoài được”, bà Ngân nói thêm.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga lại cho rằng Quốc hội “làm việc không đúng giờ làm việc” và cần tuân thủ nghiêm thời gian làm việc theo đúng quy định 8 tiếng của nhà nước.
Nhưng Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải tính cả thời gian nghiên cứu tài liệu, vì thông thường không ngày nào đại biểu được ngủ trước 12h đêm, 8h tối tài liệu vẫn còn gửi đến nhà nên phải dành thời gian nghiên cứu, và đó cũng là thời gian làm việc nên phải có cái nhìn công bằng.
Luật không thể du di
Trình bày báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị bổ sung vào chương trình nghị sự nhiều nội dung, trong đó có việc trình Quốc hội xem xét kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề xuất với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ đặc biệt chú ý việc làm rõ một số nội dung trong các báo cáo trình Quốc hội, như bài học kinh nghiệm và các giải pháp để bảo vệ môi trường trong Báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường liên quan đến Formosa.
Ông Phúc cũng đề nghị rút khỏi chương trình nghị sự dự kiến của Quốc hội 2 dự án, gồm: Luật Công an xã (để tiếp tục hoàn thiện) và dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) để sau khi tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” sẽ có cơ sở đầy đủ, toàn diện cho việc sửa đổi.
Vẫn theo Tổng thư ký Quốc hội Chính phủ đề nghị bổ sung 4 nội dung vào dự kiến chương trình kỳ họp (gồm dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh; dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp về thuế; xem xét, phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam).
Riêng về việc phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị chưa đưa vào chương trình nghị sự kỳ họp vì Chủ tịch nước chưa có tờ trình.
Cho ý kiến về việc một số luật không trình ra theo đúng quy định, có luật trình ra lại không đủ hồ sơ, cũng không đảm bảo chất lượng, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Quốc hội là cơ quan làm luật nên phải tuân thủ các quy định của pháp luật, không thẩm tra khi trình dự án luật không đúng thời gian. Nếu chúng ta cứ “du di” thì các luật ban hành sẽ không hiệu quả, ông Hiển cương quyết.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Nga cho rằng, dường như đang có việc đặt ra luật rồi lại “du di” luật, “du di” rồi lại đổ tại cho chất lượng.
Chất lượng ở đây được quyết định bởi yếu tố rất quan trọng là thời gian để nghiên cứu thẩm tra, nếu luật trình không đúng thời gian, không đủ điều kiện hồ sơ thì Chính phủ cũng “vui lòng” chuẩn bị thêm hồ sơ, bà Nga nói.