11:10 10/09/2012

Đến lượt Hàn Quốc tung tiền cứu tăng trưởng

An Huy

Nền kinh tế hướng ra xuất khẩu của Hàn Quốc đến nay đã chịu tác động mạnh mẽ từ sự suy giảm nhu cầu của thị trường quốc tế

Một trung tâm thương mại ở Seoul, Hàn Quốc.Doanh thu của ba chuỗi bán lẻ lớn nhất ở nước này trong tháng 8 đã giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tục  -  Ảnh: Bloomberg/WSJ.
Một trung tâm thương mại ở Seoul, Hàn Quốc.Doanh thu của ba chuỗi bán lẻ lớn nhất ở nước này trong tháng 8 đã giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tục - Ảnh: Bloomberg/WSJ.
Hàn Quốc vừa công bố một kế hoạch trị giá 5,23 tỷ USD để kích thích tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này chịu ảnh hưởng nặng nề từ suy giảm tăng trưởng toàn cầu.

Theo tin từ báo Wall Street Journal, gói kích thích 5,9 nghìn tỷ Won (5,25 tỷ USD) này của Hàn Quốc được chia làm hai phần, một phần trị giá 4,6 nghìn tỷ Won dành cho thời gian từ nay đến hết năm 2012 và một phần trị giá 1,3 nghìn tỷ Won dành cho năm sau.

Theo kế hoạch, các khoản kích thích này sẽ được triển khai dưới dạng giảm thuế thu nhập cho cá nhân và thuế đánh vào các giao dịch mua nhà hoặc xe, đồng thời mở rộng các chương trình phúc lợi xã hội. Bởi vậy, kế hoạch kích thích này không đòi hỏi tăng chi tiêu ngân sách.

Gói kích thích nói trên được đưa ra sau một chương trình kích thích khác trị giá 8,5 nghìn tỷ Won mà Seoul công bố hồi tháng 6 để hỗ trợ nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm. Như vậy, tổng số tiền mà Hàn Quốc đã công bố để kích thích kinh tế năm nay là 13,1 nghìn tỷ Won, tương đương với 1% GDP của nước này.

Nền kinh tế hướng ra xuất khẩu của Hàn Quốc đến nay đã chịu tác động mạnh mẽ từ sự suy giảm nhu cầu của thị trường quốc tế, do cuộc khủng hoảng nợ công ở khối Eurozone kéo dài và nền kinh tế toàn cầu yếu đi.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 của Hàn Quốc giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ hai liên tục. Riêng xuất khẩu của Hàn Quốc sang khu vực Liên minh châu Âu (EU) đã giảm 9,3% trong tháng 8. Kim ngạch nhập khẩu tháng 8 của Hàn Quốc giảm 9,8%.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, nền kinh tế Hàn Quốc đang “hụt hơi”. Doanh thu của ba chuỗi bán lẻ lớn nhất ở nước này trong tháng 8 đã giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tục.

Bất chấp rủi ro suy giảm tăng trưởng gia tăng, Chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa chọn biện pháp tăng chi tiêu ngân sách để kích thích kinh tế. Có khả năng, Seoul đang dự trữ sức mạnh tài khóa đề phòng trường hợp tình hình xấu đi.

Tháng 6 vừa qua, Bộ Tài chính Hàn Quốc cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của nước này năm nay còn 3,3% từ mức 3,7% đưa ra trong lần dự báo trước. Trong khi đó, nhiều nhà phân tích cho rằng, kinh tế Hàn Quốc năm nay chỉ tăng quanh ngưỡng 2,5%.

Các nền kinh tế hàng đầu châu Á đang thể hiện rõ sự quan ngại đối với vấn đề tăng trưởng giảm tốc. Tuần trước, Trung Quốc đã thông qua một loạt dự án cơ sở hạ tầng lớn với tổng trị giá 156 tỷ USD để hỗ trợ tăng trưởng. Trong bài phát biểu tại hội nghị của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Vladivostok, Nga, cuối tuần vừa rồi, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nhận định, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt “áp lực suy giảm đáng kể”.

Cũng trong tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã công bố một chương trình mua trái phiếu không giới hạn để hỗ trợ khối Eurozone thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công và vực dậy tăng trưởng. Giới đầu tư đang kỳ vọng tại cuộc họp chính sách diễn ra vào ngày 12-13/9 này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng sẽ tung ra một chương trình mua trái phiếu mới (QE3) để hỗ trợ nền kinh tế.