20:20 23/08/2021

Đi chợ hộ và bán nông sản đến từng nhà dân ở TP.HCM

Chu Khôi

Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thí điểm túi nông sản đồng giá 100.000 đồng. Mỗi túi hàng có 5 loại rau, củ, quả được đưa đến tận từng nhà dân đặt hàng tại TP.HCM...

Quân đội giúp đưa nông sản đến từng nhà dân
Quân đội giúp đưa nông sản đến từng nhà dân

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi thực hiện chương trình tặng 15.000 phần quà lương thực, thực phẩm cho người lao động nghèo tại TP.HCM, Tổ công tác 970 đã đưa ra sáng kiến: bán nông sản đến từng hộ gia đình.

BÁN NÔNG SẢN ĐẾN TỪNG HỘ GIA ĐÌNH

Mỗi túi hàng trọng lượng 10 kg với 5 loại rau củ khác nhau được bán đồng giá 100.000 đồng. Nông sản được chọn là những loại rau củ quả mà nông dân gặp khó trong tiêu thụ do ảnh hưởng dịch Covid-19, dễ vận chuyển, ít hư hỏng như: khoai lang, khoai môn nhỏ, dưa leo, củ cải trắng… và một số loại trái cây khác.

Ý tưởng này vừa giúp đỡ nông dân giải quyết đầu ra tiêu thụ nông sản vừa giúp người tiêu dùng tại TP.HCM mua được nông sản với giá hợp lý. Theo hạch toán chi phí, giá mua nông sản tại vùng sản xuất bình quân là 6.000 đồng/kg, còn lại là chi phí thu gom, đóng gói, vận chuyển lên TP.HCM, thuê kho và phân phối đến tay người tiêu dùng.

 

Chỉ sau 4 ngày thí điểm, Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiêu thụ thành công gần 10 nghìn túi hàng, tương đương với gần 100 tấn nông sản. Chương trình đang được nhiều cán bộ tại nhiều tỉnh tham gia và người mua tại TP. HCM ngày càng tăng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho hay, tính đến ngày 23/8, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kết nối được gần 1.300 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm ở các tỉnh miền Nam.

Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng xây dựng phương án đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho TP.HCM và tỉnh Bình Dương trong 15 ngày thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội.

Triển khai mua hộ thực phẩm cho người dân, lực lượng quân đội sẽ nhận đặt hàng từ các hộ gia đình, Tổ công tác 970 đảm nhiệm việc cung ứng nông sản, đóng gói và giao hàng cho quân đội đưa đến từng nhà dân.

Do kết nối hàng trực tiếp từ các đơn vị sản xuất, các doanh nghiệp cung ứng đến tận nhà dân, nên dự kiến giá bán sẽ thấp hơn so với khi người dân TP.HCM đến các siêu thị để mua.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Tổ công tác đã tính toán cân đối nhu cầu cung ứng lương thực thực phẩm cho 3 địa phương phía Nam thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt từ 23/8 đến 6/9/2021.

Cụ thể, tổng nhu cầu của 3 tỉnh, thành phố về gạo là 92.540 tấn/tháng, trong đó TP.HCM là 59.400 tấn/tháng; Đồng Nai 16.740 tấn/tháng; Bình Dương 16.200 tấn/tháng. Tổng nhu cầu về rau của TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai là 169.350 tấn/tháng. Đối với sản phẩm thịt, tổng nhu cầu của 3 tỉnh, thành phố về thịt 67.900 tấn/tháng.

TP.HCM cần 1.980 tấn gạo, 4.200 tấn rau, 1.032 tấn thịt, 2 triệu quả trứng mỗi ngày. Hiện, TP.HCM tự cung cấp 10% thịt các loại và dưới 5% trứng.

Tại Đồng Nai, nhu cầu về lương thực, thực phẩm toàn tỉnh như sau: Gạo khoảng 550 tấn/ngày, rau 775 tấn/ngày, trái cây khoảng 470 tấn/ngày, thịt cá các loại khoảng 370 tấn/ngày, trứng khoảng 1,55 triệu quả/ngày.

Tỉnh Bình Dương cần khoảng 540 tấn gạo, 670 tấn rau, 400 tấn trái cây 294 tấn thịt, 930.000 quả trứng mỗi ngày. 

PHỐI HỢP LƯU THÔNG NÔNG SẢN

Cuối tuần vừa qua, Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã  họp trực tuyến với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Cảnh sát Giao thông - Bộ Công an và Ủy ban nhân dân, Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 19 tỉnh, thành phố Nam bộ về công tác phối hợp trong lưu thông vận chuyển hàng hóa, thu hoạch nông sản.  

Tại cuộc họp này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia nhấn mạnh, công tác lưu thông vận chuyển hàng hóa, kết quả giấy xét nghiệm test nhanh hay PCR có giá trị như nhau và đều có hiệu lực 72 giờ từ khi có kết quả xét nghiệm.

Vừa qua, có một số địa phương yêu cầu bắt buộc có kết quả PCR đối với tài xế khi qua chốt là vượt quá quy định. Ngoài ra, có địa phương chỉ công nhận thời gian giấy xét nghiệm Covid-19 chỉ 24 giờ hay 48 giờ đều không đúng quy định, gây khó khăn trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Theo ông Khuất Việt Hùng, với các phương tiện vận chuyển, nếu có mã QR, quét bằng điện thoại thông minh, khi có đầy đủ thông tin về khai báo y tế thì các trạm kiểm soát phải cho lưu thông ngay.

Chỉ dừng kiểm tra những xe chưa có thông tin khai báo đầy đủ. Các hàng hóa không cấm đều được phép vận chuyển. Các tỉnh, thành phố nên có một văn bản thống nhất ban hành xuống cấp xã, phường.

 
"Với “xã đỏ”, “ấp đỏ” do có người nhiễm Covid, đề nghị địa phương tổ chức thu hoạch nông sản, bố trí điểm tập kết nông sản để các phương tiện vận tải đến bốc xếp và vận chuyển nhanh gọn, đảm bảo an toàn dịch bệnh".
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, các mã QR chỉ là để được ưu tiên lưu thông nhanh chứ không phải bắt buộc. Các phương tiện không có mã QR code thì buộc dừng thực hiện kiểm tra y tế, khai báo y tế mới được lưu thông.

 Đại diện Cục Cảnh sát Giao thông nêu ý kiến, các xe chở nông sản từ Tây Nam bộ ra các tỉnh biên giới để xuất khẩu, thời gian vận chuyển dài, trên đường họ không tiếp xúc ai vì nhiều tỉnh đang giãn cách.

Vì vậy, các tỉnh, thành phố không dừng phương tiện để kiểm tra trên các tuyến đường giao thông huyết mạch, chỉ dừng phương tiện kiểm tra trên các chốt vào nội địa địa phương mình.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin thêm các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long còn 690 ngàn ha lúa hè thu, thu hoạch từ nay đến giữa tháng 9. Công tác thu hoạch lúa, nhất là đối với lúa hè thu không thể nào để chậm trễ được vì đang mùa mưa, hạt thóc sẽ nảy mầm trên bông, hư hỏng, nên vấn đề vận chuyển và đưa nhân công, máy móc thu hoạch rất quan trọng.

Tương tự, sản phẩm thủy sản như tôm, cá tra cũng không để dưới ao lâu vì sẽ quá lứa. Các địa phương cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người sản xuất thu hoạch, thu mua, vận chuyển sản phẩm nhanh chóng.