"Điểm nhấn" Nữ Chủ tịch Quốc hội trong báo cáo bình đẳng giới
Sáng 9/11, lần đầu tiên Quốc hội đưa báo cáo về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới lên thảo luận tại nghị trường
Sáng 9/11, lần đầu tiên Quốc hội đưa báo cáo về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới lên thảo luận tại nghị trường.
Không những thế, phiên thảo luận còn được truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung hơn một lần thoát ly báo cáo để nhấn mạnh một số hạn chế trong thực hiện mục tiêu quốc gia bình đẳng giới.
Ông Dung nói: có tỉnh hai, ba nhiệm kỳ không có đại biểu Quốc hội là nữ, điều này các đồng chí lãnh đạo cấp cao cũng đã nhắc nhở.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá, khoảng cách giới giữa nam và nữ trong các lĩnh vực dần được thu hẹp.
Chẳng han, trong lĩnh vực chính trị số lượng phụ nữ tham gia hoạt động chính trị và ở các vị trí lãnh đạo tăng lên với chất lượng, hiệu quả cao hơn. Tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng tăng rõ rệt. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nữ đại biểu hội đồng nhân dân cả 3 cấp đều cao hơn nhiệm kỳ trước.
"Đặc biệt, lần đầu tiên nước ta có Chủ tịch Quốc hội là nữ", Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh Ủy ban nhấn mạnh.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra không ít tồn tại, hạn chế.
Trong bối cảnh xã hội hiện nay, phụ nữ và trẻ em gái về cơ bản vẫn thiệt thòi và yếu thế hơn so với nam giới. Chính vì điều này cũng dễ dẫn đến nhận thức sai lầm cho rằng bình đẳng giới là vấn đề của phụ nữ. Các hoạt động liên quan đến bình đẳng giới chủ yếu vẫn là phụ nữ tham gia, việc tham gia, ủng hộ của nam giới còn hạn chế, cơ quan thẩm tra đánh giá.
Hạn chế tiếp theo là giữa quy định của pháp luật và việc thực hiện còn có khoảng cách. Như, lao động nữ khó khăn hơn trong tiếp cận cơ hội việc làm tốt, lựa chọn ngành nghề và vị trí việc làm. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chênh lệch đáng kể giữa nam và nữ. Đa số lao động nữ làm việc trong những ngành, nghề thâm dụng lao động, trình độ chuyên môn thấp, thiếu bền vững hoặc làm việc trong khu vực phi chính thức mà điều kiện vệ sinh, an toàn lao động không đảm bảo, không tham gia hay thụ hưởng các loại bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế).
Tỷ lệ lao động nữ đã qua đào tạo thấp hơn nam, thất nghiệp, thiếu việc làm nhiều hơn nam. Thu nhập từ việc làm bình quân/tháng của nam giới cao hơn so với nữ giới ở tất cả các nhóm chuyên môn kỹ thuật, chênh lệch lớn ở nhóm chuyên môn kỹ thuật cao. Việc tiếp cận đất đai của phụ nữ còn hạn chế. Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải đối mặt với nhiều rào cản.
Đáng chú ý, số lượng lao động hưởng chính sách bảo hiểm xã hội 1 lần và bảo hiểm thất nghiệp có xu hướng gia tăng. Trong số lao động nữ, nhóm lao động trẻ có tuổi đời dưới 35 tuổi chiếm tỷ lệ hơn 70%. Một số doanh nghiệp tìm cách chấm dứt hợp đồng lao động sau tuổi 35, trong đó, tỷ lệ nữ có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động, có đông nữ làm việc. Bên cạnh đó, chênh lệch về tuổi nghỉ hưu cũng dẫn đến chênh lệch về hưởng lương hưu của nam và nữ khi hết tuổi lao động.
Cơ quan thẩm tra nhận xét, trong lĩnh vực chính trị, mặc dù các tỷ lệ có xu hướng tăng nhưng đều chưa đạt chỉ tiêu. Nhìn chung, số phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là cấp trưởng, so với nam giới còn khoảng cách rất xa, có lĩnh vực có biểu hiện giảm trong các năm gần đây.
Đăng đàn thảo luận đầu tiên, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cũng đề cập hạn chế này. Thành viên chính phủ hiện nay duy nhất chỉ có một nữ, việc chăm lo chuẩn bị thế nào? đại biểu Hoàng đặt câu hỏi.