Đỉnh núi phía Nam Thụy Điển mất vị trí cao nhất do nắng nóng bất thường
Nhiệt độ tại nhiều khu vực của Thụy Điển trong tháng 7 này đã đạt mức cao kỷ lục
Thời tiết nắng nóng bất thường trong mùa hè năm nay đã khiến đỉnh núi phía Nam trên dãy núi Kebnekaise của Thụy Điển tuột mất vị trí đỉnh núi cao nhất nước này.
Theo hãng tin Bloomberg, đỉnh phía Nam của dãy Kebnekaise được bao phủ bởi một lớp băng tuyết dày, nên khi nhiệt độ tăng mạnh, lớp băng tan chảy khiến đỉnh núi này không còn giữ được độ cao như cũ. Trong khi đó, đỉnh núi phía Bắc của dãy Kebnekaise chỉ toàn là đá, nên vẫn giữ được độ cao cũ và đã trở nên cao hơn đỉnh núi phía Nam.
Vào hôm 31/7, độ cao của đỉnh Nam so với mức nước biển chỉ còn 2.097 mét, so với mức 2.101 mét hôm 2/7 - dữ liệu từ trạm nghiên cứu Tarfala cho hay. Trong khi đó, đỉnh Bắc có độ cao 2.096,8 mét vào thời điểm ngày 31/7.
Tarfala cho rằng đỉnh Bắc đã trở thành đỉnh núi cao nhất Thụy Điển vào ngày 1/8, vì hiện tượng tan băng trên đỉnh Nam vẫn tiếp diễn.
Nhiệt độ tại nhiều khu vực của Thụy Điển trong tháng 7 vừa qua đã đạt mức cao kỷ lục. Hạn hán và cháy rừng nghiêm trọng chưa từng thấy cũng xảy ra ở nước này.
Nhiệt độ tháng 7 năm nay ở Thụy Điển cao hơn từ 3-5 độ C so với trung bình hàng năm. Một số trạm thời tiết ở phía Bắc nước này đo được mức nhiệt trên 20 độ C, một mức nhiệt được xem là quá cao ở quốc gia vùng Scandinavia này.
"Tôi chưa bao giờ thấy băng tan nhiều như vậy trên đỉnh Nam như trong mùa hè năm nay", giáo sư địa lý Gunhild Ninis Rosqvist thuộc Đại học Stockholm, trưởng trạm nghiên cứu Tarfala, phát biểu.
Không riêng Thụy Điển, nắng nóng bất thường cũng xảy ra ở nhiều quốc gia khác trong mùa hè năm nay.
Đợt sóng nhiệt ở Nhật Bản đã khiến 50 người thiệt mạng ở riêng thủ đô Tokyo trong tháng 7. Chính phủ Nhật thậm chí đã công bố đợt sóng nhiệt này là thiên tai.
Sóng nhiệt cũng xảy ra ở Anh, Canada và bang California của Mỹ. Tại Canada, sóng nhiệt kéo dài từ đầu tháng 7 đã khiến ít nhất 70 người thiệt mạng ở riêng tỉnh Quebec. Ở miền Nam bang California của Mỹ, nhiệt độ cao kỷ lục đã được ghi nhận, có nơi lên tới 48,9 độ C.
Mùa hè năm nay ở Algeria cũng là mùa hè nóng nhất lịch sử châu Phi, với nhiệt độ ở thành phố Ouargla thuộc phía Bắc nước này có lúc đạt 51,3 độ C.