22:23 02/11/2021

Đô thị thông minh phải gắn kết chặt với chuyển đổi số

Nhĩ Anh

Phát triển đô thị thông minh cũng chính là quá trình thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi đô thị, thành phố đó; phải gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương...

Ứng dụng công nghệ trong giam sát điều hành đô thị thông minh
Ứng dụng công nghệ trong giam sát điều hành đô thị thông minh

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh tại phiên khai mạc Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam- ASOCIO 2021 (ASOCIO- VIETNAM Smart City Summit 2021) với chủ đề “Thành phố thông minh trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam quốc tế” diễn ra trực tuyến. Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp với tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á- Châu Đại Dương (ASOCIO) tổ chức từ ngày 2-6/11/2021.

LÀ XU THẾ TẤT YẾU, NHU CẦU BỨC THIẾT CỦA CÁC ĐÔ THỊ 

Thống kê của Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến tháng 6/2021, trên toàn quốc có 870 đô thị trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 22 đô thị loại I, 169 đô thị loại II, III, IV và phần lớn (677) là đô thị loại V.

Trên thế giới, hiện hơn một nửa dân số đang sống ở các thành phố. Đến năm 2050, cứ 10 người thì có 7 người sẽ sống ở các đô thị. Ông David Wong, Chủ tịch ASOCIO cho rằng, đô thị hóa nhanh chóng đã tạo ra nhiều thách thức như sự bất bình đẳng xã hội, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm nguồn nước hay các vấn đề về sức khỏe…

 
Cùng với chuyển đổi số, thành phố thông minh đang trở thành một trong những chuẩn mực để phát triển, phương thức phát triển mới của các đô thị trong kỷ nguyên thông minh hóa, giúp các đô thị tối ưu hoá các nguồn lực, phát triển bền vững, đem lại sự an toàn, tiện ích hơn cho người dân...

Các chuyên gia nhấn mạnh, xây dựng thành phố, đô thị thông minh không chỉ là xu thế tất yếu mà là nhu cầu bức thiết của các đô thị tại Việt Nam và trên thế giới. Đại dịch Covid bùng phát gần 2 năm qua đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình xây dựng, phát triển thành phố thông minh với nhiều bài toán về thu thập, quản lý dữ liệu, giải pháp cho phòng chống dịch, quy hoạch, vận hành, quản lý cho các tỉnh, thành phố đặc biệt trong giai đoạn phục hồi và phát triển.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA, cùng với chuyển đổi số, thành phố thông minh đang trở thành một trong những chuẩn mực để phát triển, phương thức phát triển mới của các đô thị trong kỷ nguyên thông minh hóa, giúp các đô thị tối ưu hoá các nguồn lực, phát triển bền vững, đem lại sự an toàn, tiện ích hơn cho người dân và phát triển kinh tế xã hội phồn vinh, thịnh vượng. 

Ngoài ra, ông Khoa cũng cho biết, các doanh nghiệp trong ngành bất động sản cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số giúp  quản lý hiện quả và đem lại những trải nghiệm tốt hơn cho người sử dụng. Các khu đô thị thông minh sẽ là tương lai của các dự án bất động sản, nâng cao chất lượng trải nghiệm và tiện ích cho cư dân, với mục tiêu xây dựng các thành phố trở thành các đô thị đáng sống.

Theo thống kê, đến nay ở Việt Nam đã có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai thành phố thông minh. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ các tỉnh đã triển khai cao nhất. Ngoài ra, 30 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Đề án/Chương trình/Kế hoạch phát triển đô thị thông minh; 15 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh.

Đến nay, đã có 38 tỉnh, thành phố triển khai Trung tâm IOC cấp tỉnh; 21 địa phương triển khai Trung tâm IOC cấp đô thị, thành phố thuộc tỉnh. Thành phố Đà Nẵng của Việt Nam đã được vinh danh về nỗ lực này không chỉ với Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam trong 2 năm liên tiếp 2020- 2021 mà cả Giải thưởng Smart City của ASOCIO vào năm 2019.

GẮN CHẶT VỚI CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐỊA PHƯƠNG

Các thành phố đang coi Smart City và chuyển đổi số như một nhân tố quan trọng hàng đầu giúp các thành phố sẽ nhanh chóng phục hồi sau đại dịch. Điều nãy có thể thấy rõ qua sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng dịch vụ công trực tuyến, giáo dục thông minh, y tế thông minh, và quản lý điều hành, dịch vụ an sinh xã hội được chuyển đổi số, thông minh hóa một cách mạnh mẽ tại hầu hết các thành phố trên thế giới và trong khu vực.

 
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành một số văn bản hướng dẫn tạo khung pháp lý trong lĩnh vực ICT cho phát triển đô thị thông minh bao gồm Khung tham chiếu ICT, Bộ chỉ số KPI phát triển đô thị thông minh và các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018– 2025 và định hướng đến năm 2030.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất ba đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung và đến năm 2030 sẽ hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Trong những năm gần đây, vấn đề phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của nhiều địa phương trên cả nước. Một số địa phương đã triển khai và đạt được kết quả ban đầu. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, đây vẫn là vấn đề mới không chỉ với Việt Nam mà cả với các quốc gia đi trước, đòi hỏi phải tìm hiểu, trao đổi, đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn cả trong nước và quốc tế để triển khai.

Với vai trò quản lý nhà nước về chuyển đổi số quốc gia nói chung, trong đó có nội dung ICT cho phát triển thành phố thông minh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương để thúc đẩy triển khai đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam. Bộ đã ban hành một số văn bản hướng dẫn tạo khung pháp lý trong lĩnh vực ICT cho phát triển đô thị thông minh bao gồm Khung tham chiếu ICT, Bộ chỉ số KPI phát triển đô thị thông minh và các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, “trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, chúng tôi quan niệm phát triển đô thị thông minh cũng chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi đô thị, thành phố đó. Phát triển đô thị thông minh không thể tách rời mà phải gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương”.

Cũng theo ông Dũng, các ý kiến chia sẻ, trao đổi, thảo luận tại hội nghị sẽ giúp Việt Nam và các quốc gia thành viên ASOCIO nói chung có thêm kiến thức và động lực để cùng chung tay xây dựng các thành phố thông minh thực sự bền vững, có sức chống chịu cao, linh hoạt, dễ thích ứng và phản ứng nhanh trước những tác động môi trường và xã hội. Qua đó, giúp các quốc gia đạt được mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.