09:18 14/04/2017

“Doanh nghiệp cần được bảo vệ hơn là hỗ trợ”

Nguyên Vũ

Nhiều doanh nhân thất vọng với dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ông Phan Đăng Tuất, Phó chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam góp ý dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Phan Đăng Tuất, Phó chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam góp ý dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được bảo vệ hơn là hỗ trợ, ông Phan Đăng Tuất, Phó chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam góp ý dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hôm 13/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức lấy ý kiến về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đây là dự án luật gây nhiều tranh cãi từ khi chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai (cuối năm 2016), dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ ba khai mạc cuối tháng 5 tới đây.

Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đầu tháng 4 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng các quy định hỗ trợ đối với doanh nghiệp còn chung chung, thiếu cụ thể, khó khả thi.

"Thiếu thực tiễn" cũng là nhận xét chung của nhiều doanh nhân - đại diện cho hiệp hội doanh nghiệp nhiều tỉnh về góp ý tại VCCI.

Dự thảo mới nhất, theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI - đã giảm từ 11 điều có nội dung giao Chính phủ quy định xuống 6 điều.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Văn Thời cho rằng, dù thế thì để thi hành được cũng còn cần rất nhiều thông tư, nghị định.

Cũng như một số ý kiến khác, ông Thời cảm thấy ngạc nhiên về điều 29 của dự thảo luật - một điều mới được bổ sung.

Theo điều này thì Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam được giao rất nhiều trách nhiệm, bao gồm cả việc thực hiện cung cấp dịch vụ công, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; cấp chứng chỉ, chứng nhận chuyên ngành của hiệp hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá, ông Nguyễn Văn Đệ cho rằng những quy định tại điều này sẽ làm mất tính cạnh tranh, trái với điều lệ của các hiệp hội doanh nghiệp.

"Điều 29 đến giờ chót mới sửa, có gì đó rất lạ, nếu thực hiện điều này ra thì giải thể VCCI đi là vừa"-  doanh nhân Nguyễn Văn Thời nhận xét.

Ông Thời cũng cho rằng quy định cấp chứng chỉ tại điều này chính là đẻ ra cơ chế xin - cho, đẻ ra giấy phép con, trong khi doanh nghiệp được làm những gì luật pháp không cấm thì đây chính là sự không minh bạch.

Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, ông Phan Đăng Tuất nói rằng ông cảm thấy buồn khi đọc dự thảo luật, vì văn bản đó giống như một "bài văn mẫu" hơn là luật.

Ông Tuất liên hệ, Nhật Bản sau khi có một luật chỉ gồm 8 chữ "Cấm doanh nghiệp lớn làm chi tiết nhỏ) cùng với danh sách 350 chi tiết nhỏ các tập đoàn lớn không được làm thì sau 3 năm đã có hàng vạn doanh nghiệp nhỏ công nghệ cao ra đời.

"Họ làm luật như vậy còn các vị cứ làm luật như bài văn nộp cô giáo, hình như bài này không đáng chấm điểm, luật này giả sử có sửa điều 29 cũng không vào được đời sống đâu", ông Tuất nói.

Nhấn mạnh rằng bản thân rất lo ngại hai chữ "hỗ trợ", ông Tuất nhận xét, trong bổi cảnh hội nhập hiện nay lẽ ra phải giấu chữ "hỗ trợ" đi, thì đằng này hai chữ đó lại nằm ngay ở tên dự thảo luật.

"Hai chữ hỗ trợ đưa lại cảm giác xúc phạm. Doanh nghiệp không cần hỗ trợ mà cần bảo vệ. Tôi có doanh nghiệp bé tí nhưng bị hành rất nhiều, các doanh nghiệp khác cũng đang bị ép giá, bị cạnh tranh bất chính, bị nhũng nhiều đòi chi tiền... Doanh nghiệp cần được bảo vệ để làm ăn chính đáng hơn là được hỗ trợ những cái không thể hỗ trợ được như dự thảo luật", ông Tuất góp ý.