Doanh nghiệp Mỹ đẩy nhanh tiến trình rời Trung Quốc vì thương chiến
Các ngành gồm công nghệ, phần cứng, phần mềm và dịch vụ chứng kiến sự dịch chuyển đầu tư lớn nhất
Theo khảo sát mới công bố của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp Mỹ đang đẩy nhanh tiến trình rời khỏi nước này trong bối cảnh chiến tranh thương mại tiếp tục gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh.
Đẩy nhanh dịch chuyển đầu tư
26,5% doanh nghiệp được hỏi cho biết, trong 12 tháng qua, họ đã bắt đầu chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang các khu vực khác. Con số này tăng 6,9% so với kết quả khảo sát vào năm ngoái. Kết quả khảo sát của AmCham cũng chỉ ra rằng các ngành gồm công nghệ, phần cứng, phần mềm và dịch vụ chứng kiến sự dịch chuyển lớn nhất.
Được thực hiện với sự hợp tác của PwC, khảo sát trên có sự tham gia của 333 doanh nghiệp thành viên của AmCham - văn phòng tại Thượng Hải, Trung Quốc. Khảo sát được thực hiện từ ngày 27/6 đến 25/7, khoảng thời gian Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý nối lại đàm phán thương mại và trước các đòn thuế quan gần đây của hai bên.
Các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc cũng cho biết họ gặp khó khăn khi vấp phải những rào cản trong tiếp cận thị trường này.
Khi được hỏi về kết quả họ mong đợi nhất từ các cuộc đàm phán thương mại hiện tại, hơn 40% doanh nghiệp cho biết khả năng tiếp cận thị trường dễ dàng hơn là quan trọng nhất. 26% doanh nghiệp nhận định vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được cải thiện là nhân tố quan trọng nhất. Trong khi đó, chỉ có khoảng 14,3% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết kết quả họ mong đợi của đàm phán thương mại là Trung Quốc "mua hàng hóa Mỹ nhiều hơn".
Theo báo cáo, doanh nghiệp Mỹ từ lâu đã phàn nàn về việc Trung Quốc không mở cửa với doanh nghiệp ngoại trong nhiều ngành công nghiệp. Ở những ngành còn lại, doanh nghiệp ngoại gặp khó khi cạnh tranh với doanh nghiệp nhà nước hoặc công ty tư nhân vốn được hưởng lợi từ các chính sách và có "mối quan hệ".
Kết quả khảo sát của Amcham chỉ ra rằng rào cản lớn nhất của doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc vẫn là khả năng tiếp cận thị trường. 56,4% doanh nghiệp được hỏi cho biết việc lấy giấy phép hoạt động tại nước này không hề dễ dàng.
Vẫn có những điểm sáng
Trong cuộc khảo sát mới nhất của Amcham, tỷ lệ doanh nghiệp nhận xét rằng chính phủ Trung Quốc đối xử công bằng giữa doanh nghiệp nội và ngoại đã tăng từ 34% lên 40%.
Khảo sát cũng cho thấy một số điểm sáng của Trung Quốc giúp các doanh nghiệp cảm thấy lạc quan. Phần lớn doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có doanh thu tăng ở các lĩnh vực như dược phẩm, thiết bị y tế và khoa học đời sống. .
Hơn 60% doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp cho biết có ý định tăng đầu tư tại Trung Quốc trong năm 2019. Các công ty bán lẻ và hàng tiêu dùng cũng dự định tăng đầu tư vào nước này, đặc biệt là tại các thành phố nhỏ với triển vọng tăng trưởng lớn.
Dù vậy, các doanh nghiệp này cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để rút khỏi Trung Quốc nhằm tránh chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. 35% doanh nghiệp được hỏi dự báo căng thẳng thương mại sẽ còn tiếp diễn trong 1 - 3 năm tới, và gần 13% dự báo cho rằng thời gian tiếp diễn là 3 - 6 năm tới. Khoảng 17% tỏ ra bi quan hơn khi dự báo xung đột thương mại sẽ kéo dài mãi mãi.
Khảo sát của Amcham cho thấy các đòn thuế quan của hai bên đang ảnh hưởng tới doanh thu của các công ty, khiến một số phải thay đổi chiến lược tại Trung Quốc của mình. Hơn 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết doanh thu của họ đã giảm do thuế tăng. Trong đó, khoảng 30% nói rằng thuế tăng khiến doanh thu của họ sụt khoảng từ 1 - 10%.
Dù vậy, hiện diện của các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc vẫn còn tương đối lớn, với doanh thu của các công ty và chi nhánh đạt hơn 450 tỷ USD, theo một báo cáo hồi tháng 8 của hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics. Con số này cao gần gấp đôi so với giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ sang Trung Quốc.
Báo cáo của Amcham nhận định: "Hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu nào về một thỏa thuận thương mại, 2019 sẽ là một năm khó khăn. Và năm 2020 sẽ còn tồi tệ hơn nữa nếu không có thỏa thuận nào".