18:55 21/01/2011

Doanh nghiệp Mỹ “ngại” Tết âm lịch của Trung Quốc

An Huy

Mùa Tết âm lịch ở Trung Quốc luôn khiến những công ty Mỹ nhập khẩu hàng từ quốc gia châu Á này như ngồi trên đống lửa

Năm nay, Trung Quốc nghỉ Tết 15 ngày.
Năm nay, Trung Quốc nghỉ Tết 15 ngày.
Chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là tới Tết Nguyên đán của Trung Quốc, và điều này khiến không ít các công ty Mỹ cảm thấy lo lắng.

Năm nào cũng vậy, “đến hẹn lại lên”, mùa Tết âm lịch ở Trung Quốc luôn khiến những công ty Mỹ nhập khẩu hàng từ quốc gia châu Á này như ngồi trên đống lửa.

Năm nay, mối lo càng lớn hơn, khi kỳ nghỉ ở “công xưởng của thế giới” kéo dài tới 15 ngày liên tục, làm gia tăng nguy cơ thiếu hụt nguồn cung hàng hóa.

Các công ty Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc thậm chí còn lo ngại, sau kỳ nghỉ tình hình nguồn cung có thể trở nên tồi tệ hơn khi nhiều công nhân Trung Quốc quyết định ở lại nhà thay vì trở lại nhà máy làm việc.

Trong vài tháng áp Tết, tình trạng thiếu lao động cuối năm tại Trung Quốc đã khiến nhiều công ty bán lẻ Mỹ điêu đứng vì thiếu hàng. Tại hãng bán lẻ The Container Store, các sản phẩm như giá để bút chì, tủ ngăn kéo… - vốn là hàng nhập từ Trung Quốc - trở nên khan hiếm.

“Trong khoảng 1 tháng rưỡi qua, chúng tôi không hề nhận được chuyến hàng nào. Mức thiệt hại doanh thu lên tới hàng triệu USD”, bà Mona Williams, Phó chủ tịch The Container Store, than phiền với hãng tin CNN. Bà Williams cho biết, một trong những nhà cung cấp chính của hãng đã chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất từ Trung Quốc về Mỹ  vì không tìm được đủ công nhân tại Trung Quốc.

“Nhiều khách hàng của tôi cũng đang rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan như The Container Store”, ông Pratap Murkharji, một chuyên gia của hãng tư vấn Bain & Co., cho biết. Theo ông Mukharji, Trung Quốc không còn là địa chỉ gia công giá rẻ, với nguồn cung bất tận cho nhiều công ty Mỹ như trước đây nữa.

Trung Quốc giờ đang đẩy mạnh các quy định về tăng lương, cộng thêm tình trạng tăng giá năng lượng và nguyên liệu đầu vào, đã làm giảm bớt sức hấp dẫn của thị trường gia công này. Thêm vào đó, các biện pháp khuyến khích của Bắc Kinh nhằm giữ chân công nhân ở các địa phương vùng sâu vùng xa để họ không nhập cư tới các trung tâm công nghiệp ở khu vực duyên hải cũng khiến các loại hàng hóa “made in China” trở nên đắt đỏ hơn.

Ông Bruce Cohen, một chuyên gia của hãng tư vấn bán lẻ và hàng tiêu dùng Kurt Salmon, cho biết, các khách hàng của ông hiện mỗi năm phải chi thêm 10-15% trong chi phí nhập hàng từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, với chất lượng cuộc sống được cải thiện, các công nhân Trung Quốc cũng muốn tìm kiếm những công việc tốt hơn. Chẳng hạn, những công nhân trước đây chuyên làm trong các xưởng may đến nay muốn tìm việc có lương cao hơn trong ngành dịch vụ hoặc công nghệ cao.

Bởi vậy, ông Cohen khuyên khách hàng của mình không nên “bỏ hết trứng vào một giỏ”. Như trong lĩnh vực may mặc, mức độ phổ biến của những chiếc áo phông gắn mác “made in China” đang giảm dần đi, thay vào đó là hàng sản xuất tại Việt Nam, Indonesia, Bangladesh, Costa Rica… Thậm chí, hoạt động sản xuất những mặt hàng may mặc có tỷ suất lợi nhuận cao như hàng denim và đồ bơi đang tăng mạnh ở khu vực phía Nam bang California của Mỹ.

Một số nhà sản xuất hàng điện tử đã chuyển nhà máy sang Mexico. Một số khác chuyển hoạt động sản xuất hàng gia dụng trở lại Mỹ. Về phần mình, The Container Store đang tính chuyện chuyển bớt hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước như Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ và Thái Lan.

“Chúng tôi sẽ tìm nguồn cung cấp 30% hàng nhựa tại Mỹ. Chúng tôi muốn có những sản phẩm chất lượng tốt nhất, và đôi khi vẫn tìm thấy những sản phẩm như vậy ở Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với chúng tôi, việc giao hàng chậm hoặc không có hàng giao là cả một vấn đề lớn”, bà Williams cho hay.