11:45 09/05/2019

Đổi 100 USD phạt 90 triệu, sàm sỡ nữ sinh phạt 200 ngàn khiến cử tri bức xúc

Nguyên Vũ

Cử tri cho rằng, mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong một số lĩnh vực khác nhau còn có sự chênh lệch, thiếu công bằng, không phù hợp với thực tế

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo.

Tiếp tục phiên họp thứ 34, sáng 9/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 1.408 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 6, Ban Dân nguyện đã tập hợp được 2.293 kiến nghị của cử tri.

Trong đó, có 57 kiến nghị liên quan đến các hoạt động của Quốc hội (chiếm 2,49%); 2.174 kiến nghị liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ, bộ, ngành (chiếm 94,81%), 56 kiến nghị liên quan đến công tác của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (chiếm 2,44%), 6 kiến nghị liên quan đến công tác của các cơ quan, tổ chức khác ở trung ương (chiếm 0,26%).

Các kiến nghị này đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết và trả lời cử tri theo quy định, đến nay đã có 2.290 kiến nghị được xem xét, giải quyết và trả lời theo quy định đạt 99,87% tổng số kiến nghị đã chuyển.

Xử phạt quá nặng hoặc quá nhẹ gây bức xúc

Liên quan đến những tồn tại, hạn chế trong giải quyết kiến nghị của cử tri, báo cáo nêu rõ, việc tiếp thu kiến nghị cử tri sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính không phù hợp thực tiễn, còn chậm dẫn đến một số vi phạm chưa được xử lý thỏa đáng (quá nặng hoặc quá nhẹ gây bức xúc).

Cụ thể, cử tri các tỉnh Tây Ninh, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Cao Bằng,.. cho rằng cần sửa đổi các mức xử phạt nghiêm khắc hơn, đảm bảo tính răn đe, xử lý mạnh và nghiêm minh, tránh để tình trạng như vừa qua với hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy tại một chung cư ở Hà Nội, nhưng mức xử phạt hành chính đối với người vi phạm chỉ có 200.0000 đồng (theo điểm a khoản 1 Điều 5 của Nghị định 167), khiến dư luận bức xúc do mức xử phạt chưa tương xứng với hành vi vi phạm và tác động xấu mà nó gây ra về dư luận xã hội, mức phạt còn quá nhẹ, nên không đủ sức răn đe.

Ngoài ra mức xử phạt hành chính trong nhiều trường hợp còn nêu rất chung chung, chưa phân biệt rõ ràng giữa mức độ vi phạm với mức xử phạt tương ứng. Chẳng hạn với hành vi "mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ" quy định tại khoản a điểm 3 điều 24 nghị định số 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng nêu: "phạt tiền từ 80.000.000 đến 100.000.000 đồng đối với hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ.

Tuy nhiên mức xử phạt lại không quy định tương ứng với tổng số ngoại tệ được mua bán dẫn đến khó phân biệt mức xử phạt giữa người mua bán, chẳng hạn 100 USD và người mua bán 1.000 USD hay nhiều hơn,...

Cử tri cũng cho rằng, mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong một số lĩnh vực khác nhau (được quy định trong nhiều văn bản về xử phạt vi phạm hành chính) còn có sự chênh lệch, thiếu công bằng, không phù hợp với thực tế nên chưa được người dân đồng tình ủng hộ.

Chẳng hạn như vụ việc một công dân ở Cần Thơ, đổi 100 USD tại cửa hàng kinh doanh vàng (nơi không được thu đổi ngoại tệ), theo quy định tại khoản a điểm 3 điều 24 nghị định số 96/2014/NĐ-CP bị phạt tiền 90.000.000 đồng là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, dư luận cử tri lại cho rằng mức xử phạt như vậy là quá nặng nếu so sánh về mức độ gây hậu quả và tác động xấu lên dư luận xã hội đối với một số hành vi vi phạm khác (chẳng hạn như hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy chỉ bị phạt ở mức 200.000 đồng).

Cử tri kiến nghị cần rà soát các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để sửa đổi, bổ sung cho đầy đủ, kịp thời, phù hợp với mức độ vi phạm; đồng thời đảm bảo tính công bằng, thống nhất trong các văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực khác nhau trong xử phạt hành chính.

Kiến nghị có thâm niên, trả lời chưa thoả đáng

Hạn chế nữa được nêu tại báo cáo là một số quyền lợi của người dân đã được quy định trong các văn bản pháp luật nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện chưa đồng bộ, chưa được thường xuyên thanh tra, kiểm tra phát hiện, nên người dân chưa được thụ hưởng.

Điển hình, tại nhiều nhiệm kỳ Quốc hội, cử tri nhiều tỉnh đã liên tục đề nghị Bộ Y tế cần có chủ trương, giải pháp để bố trí, sắp xếp khám, chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế vào tất cả các ngày trong tuần tại tất cả các cơ sở y tế có khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để đảm bảo quyền lợi cho mọi người, nhất là đối với học sinh, sinh viên, công chức, viên chức, công nhân và người lao động (chỉ được nghỉ vào các ngày thứ bảy, chủ nhật).

Đối với vấn đề này, Bộ Y tế cho rằng, để được hưởng khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ, ngày lễ thì người dân có thể tìm hiểu cơ sở có thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ, ngày lễ để đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu (có nghĩa là không phải 100% các cơ sở có khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tổ chức khám vào ngày nghỉ, ngày lễ mà người dân phải tự tìm hiểu).

Báo cáo nêu rõ, trả lời của Bộ Y tế như trên là chưa đúng với quy định tại khoản 3 và khoản 4 điều 36 của Luật Bảo hiểm y tế, theo đó người tham gia bảo hiểm y tế được khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tất cả các cơ sở có khám chữa bệnh bảo hiểm y tế mà không bị giới hạn việc khám, chữa bệnh từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần.

Do vậy, việc Bộ Y tế chưa thực hiện khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế vào tất cả các ngày trong tuần tại tất cả các cơ sở có khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là chưa đảm bảo quyền lợi của người dân được quy định trong luật trong suốt nhiều năm qua (từ năm 2008).

Trưởng ban Dân nguyện nhấn mạnh, đây là kiến nghị có "thâm niên" lâu nhất, là kiến nghị chính đáng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết.