16:08 29/06/2018

"Đôi khi cơ quan quản lý Nhà nước chưa làm gì lại hay"

Hà Vũ

Nền kinh tế số mang đến nhiều cơ hội to lớn mà Việt Nam đang tận dụng

Viện trưởng CIEM, ông Nguyễn Đình Cung phát biểu khai mạc hội thảo.
Viện trưởng CIEM, ông Nguyễn Đình Cung phát biểu khai mạc hội thảo.

"Đôi khi cơ quan Nhà nước chưa làm gì lại hay, họ mà làm coi chừng có khi đặt rào cản hơn là đặt thuận lợi", TS. Nguyễn Đình Cung bình luận tại một hội thảo có chủ đề "Quốc gia số: các đòn bẩy chính sách cho đầu tư và tăng trưởng".

Hội thảo này do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 29/6.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, khi cơ quan quản lý chưa làm gì thì sáng kiến của hiệp hội cực kỳ quan trọng, vì khi đó các hiệp hội có thể "dẫn dắt cuộc chơi".

Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nói rằng CIEM đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao làm cơ quan đầu mối tổ chức soạn thảo chiến lược phát triển kinh tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Và đây là một trong những lý do để CIEM tổ chức hội thảo này.

Đặt vấn đề định nghĩa một quốc gia số, Giám đốc Đối ngoại Alphabeta, ông Konstantin Matthies cho rằng, một quốc gia số sẽ chủ động thúc đẩy nền kinh tế số, thay vì chỉ thụ động đón nhận các sản phẩm và dịch vụ số.

Theo vị này, nền kinh tế số mang đến nhiều cơ hội to lớn mà Việt Nam đang tận dụng. Một số con số minh chứng như doanh thu nền kinh tế ứng dụng của Việt Nam ước tính đạt 500 triệu USD năm 2015.

Số lượng điện thoại thông minh tại Việt Nam ước tính tăng từ 28 triệu lên 38 triệu vào năm 2020.

GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 5 tỷ USD từ tăng trưởng của thị trường Internet di động giai đoạn 2015 - 2020.

Các nhà lập trình Việt Nam đã tiết kiệm khoảng 1-4 USD với việc tận dụng nguồn mở. Có khoảng 48.000 công việc trực tiếp đến từ nền kinh tế ứng dụng chỉ bằng việc phát triển các nền tảng nguồn mở.

Từ kết quả nghiên cứu, ông Konstantin Matthies cũng nêu bốn bài học cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam, một quốc gia mà theo ông cần phải cải thiện nhiều ở các chỉ số liên quan tới vốn tài chính và nhân lực, cũng như việc phải xây dựng một công đồng số để có một nền kinh tế ứng dụng vững mạnh.

Đó là áp dụng cách tiếp cận tập trung vào kỹ năng để đào tạo nhân tài, tận dụng hiệu ứng lan toả của các công ty đa quốc gia, tiếp cận việc xây dựng một hệ thống thuế quan ổn định và bình đẳng, tránh những cạm bẫy trong quy định quản lý thương mại số.

Riêng về thuế, vị Giám đốc Đối ngoại của Alphabeta nhấn mạnh, sự thống nhất và minh bạch là các vấn đề cốt lõi, và quan trọng hơn rất nhiều so với tỷ lệ thuế suất. Những thay đổi đột ngột về loại thuế hay thuế suất hoặc phân biệt đối xử với một số doanh nghiệp hoặc ngành nhất định sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư bởi nó mang lại sự khó đoán và những rủi ro cho doanh nghiệp trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh.

Những chính sách thuế như vậy sẽ không thể thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí có thể khiến các doanh nghiệp trong nước phải thành lập công ty ở các quốc gia khác, vị giám đốc "ngoại" nhấn mạnh.

Hoàn toàn đồng ý với nhận định về vai trò của chính sách thuế, song Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hưng cho rằng, thuế không phải là cản trở lớn với xuất khẩu trực tuyến của các doanh nghiệp nhỏ và vừa - vấn đề liên quan đến hiệu quả thương mại số đã được vị Giám đốc Đối ngoại Alphabeta đề cập.

Cái khó hơn, theo ông Hưng là hiện không có một chính sách nào hay cơ quan nào hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất khẩu trực tuyến.