Đổi mới thể chế kinh tế: Tốn kém ít, hiệu quả cao
Góc nhìn của TS. Trần Du Lịch về khâu đột phá trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 - 2020
Sáng nay (12/1), Đại hội Đảng lần thứ XI khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Một trong những nội dung trong chương trình nghị sự của Đại hội là thảo luận và thông qua Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2010 - 2020. Theo đó, đột phá chiến lược được nhấn mạnh đầu tiên là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. VnEconomy xin giới thiệu ý kiến của chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch về nội dung này.
Dự thảo "Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020" trình Đại hội XI nêu 3 đột phá chiến lược: (1) hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; (2) phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ và (3) xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
Ba nhiệm vụ trên có ý nghĩa rất quan trọng để giải quyết “ba nút thắt cổ chai” trong việc hấp thụ vốn đầu tư và vận hành của nền kinh tế nước ta hiện nay.
Tôi cho rằng nội dung thứ nhất có tầm quan trọng đặc biệt và nếu tháo gỡ sẽ tác động tích cực đến hai nội dung sau. Thực tiễn quá trình đổi mới thể chế kinh tế của nước ta đã minh chứng rằng: một thể chế kinh tế phù hợp sẽ trở thành lực lượng vật chất để thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế quốc dân.
Thể chế kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta, tuy không ngừng được đổi mới trong suốt 25 năm qua, nhưng để thúc đẩy tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn phát triển mới, cần phải thực sự đóng vai trò động lực để khai thác cao nhất tiềm năng phát triển của đất nước.
Trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế có nêu “trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính”, tôi đồng tình với hai trọng tâm này, nhưng muốn góp ý kiến cụ thể hơn và cũng ở tầm rộng hơn:
Thứ nhất, về môi trường cạnh tranh bình đẳng, cần làm rõ quan điểm là, Nhà nước không bao cấp rủi ro cho doanh nghiệp, nhưng cũng không tạo ra những rủi ro cho doanh nghiệp bằng các quyết định hành chính của mình.
Hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta trong quản lý kinh tế thị trường, tuy chưa hoàn thiện, nhưng cũng đã phủ kín hầu hết các lĩnh vực. Song thực tế hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế chưa cao là do sự can thiệp của Nhà nước, ở nhiều cấp chính quyền khác nhau, không phù hợp với sự vận động của thị trường. Nhưng mặt khác Nhà nước lại thiếu công cụ và cơ chế giám sát, chế tài để bảo đảm các chủ thể tham gia các quan hệ thị trường tuân thủ “luật chơi” đã đề ra.
Do đó, cần đổi mới tư duy và hành động trong việc thực hiện chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đối với thị trường. Đây là vấn đề khá khó khăn và phức tạp của quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường. Song đây là việc đầu tư ít tốn kém nhưng hiệu quả nhất trong tình hình hiện nay.
Quản lý Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, ngoài việc tạo môi trường pháp lý minh bạch thông thoáng cho sự vận động của các chủ thể tham gia thị trường, còn có vai trò khắc phục những khuyết tật cố hữu của thị trường để tạo nên một sức mạnh tổng hợp, gắn vai trò của Nhà nước và vai trò thị trường.
Thứ hai, để tiếp tục cải cách hành chính có hiệu quả cần chuyển nền hành chính đang mang nặng mục tiêu quản lý, bao cấp trách nhiệm dân sự của công dân sang nền hành chính mang tính chất phục vụ.
Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước không quản lý xã hội theo phương thức bao cấp trách nhiệm dân sự của công dân hay nói cách khác là hành chính hóa các quan hệ dân sự, mà Nhà nước cần nâng cao vai trò trách nhiệm của công dân trong các quan hệ dân sự. Điển hình là trong các loại thủ tục hành chính tư pháp của nước ta dường như Nhà nước đã làm thay trách nhiệm của công dân trong các quan hệ dân sự như: hoạt động công chứng; thi hành án dân sự; hộ tịch …
Tư duy bao cấp trách nhiệm của Nhà nước trong các quan hệ dân sự đang để lại dấu ấn rất nặng nề trong hệ thống pháp luật có liên quan. Cách quản lý này vừa không phù hợp với tính chất của nền kinh tế thị trường, vừa làm cho bộ máy quản lý hành chính Nhà nước ngày càng “phình to” nhưng bất cập trong quản lý.
Việc thực hiện thí điểm mô hình định chế "thừa phát lại" ở Tp.HCM hay cho lập phòng công chứng tư là điển hình của xã hội hóa dịch vụ tư pháp, cần được mở rộng nhiều loại hình khác.
Xây dựng nền hành chính phục vụ dựa trên cơ sở hình thành các tổ chức cung cấp dịch vụ công, các định chế yểm trợ. Hiện nay luật pháp nước ta chưa chế định các định chế cung cấp dịch vụ công phi lợi nhuận. Cần xác định rõ bản chất của định chế cung cấp dịch vụ công phi lợi nhuận là các tổ chức cung cấp các dịch vụ công cho xã hội như: y tế, giáo dục, văn hóa, khoa học, dịch vụ đô thị, hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ thông tin; các tổ chức khuyến nông, khuyến ngư… do các thành phần kinh tế và Nhà nước đầu tư; không phân biệt ai là chủ sở hữu được thành lập để phục vụ cho lợi ích chung của xã hội, của cộng đồng, mà nhà đầu tư không thu lợi nhuận về cho mình (nhà đầu tư không thu lợi nhuận không có nghĩa là tổ chức đó không hoạt động kinh doanh, mà phải mang tính chất kinh doanh nhằm tích tụ vốn để không ngừng phát triển).
Để thực hiện vai trò này của Nhà nước cần sớm xây dựng một đạo luật về các tổ chức dịch vụ công phi lợi nhuận. Khi có đạo luật này, thì vai trò quản lý Nhà nước chính là giám sát sự hoạt động của các tổ chức trên, chứ không phải làm thay các tổ chức này.
Thứ ba, hoàn thiện chính sách và pháp luật đối với các loại thị trường phù hợp với mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế. Sự phát triển các loại thị trường phản ánh quá trình chuyển dịch cơ cấu và lợi thế của nền kinh tế trong quá trình cạnh tranh. Do đó, vấn đề hoàn thiện các loại thị trường ở nước ta cần xác định trên hai nguyên tắc.
Nguyên tắc thứ nhất là bảo đảm tính đồng bộ trong mối quan hệ kinh tế giữa các thị trường với nhau. Bởi vì, không có một loại thị trường nào phát triển riêng rẽ, mà luôn luôn là nguyên nhân và kết quả của thị trường kia. Ví dụ, nếu các ngành kinh tế khác không phát triển, thì không có điều kiện để phát triển thị trường tài chính và nếu thị trường tài chính không phát triển, thì không bảo đảm được nguồn vốn cho các ngành kinh tế khác.
Nguyên tắc thứ hai, sự phát triển các loại thị trường phải thông qua các chính sách của Nhà nước, được bảo đảm bằng hệ thống pháp luật có liên quan, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho từng giai đoạn của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Dựa vào hai nguyên tắc này để xem xét về tính đồng bộ và trình độ phát triển của từng loại thị trường trong cơ cấu nền kinh tế thị trường của nước ta, đồng thời thông qua hệ thống pháp luật, có liên quan hiện hành, sẽ thấy được những nội dung cần phải hoàn thiện (năm loại thị trường theo tinh thần Đại hội X: thị trường hàng hoá (xây dựng thị trường hàng hoá tập trung và giao dịch thị trường tương lai); thị trường tài chính; thị trường bất động sản; thị trường lao động và thị trường công nghệ.
Do đó trong công tác lập pháp cần hoàn thiện pháp luật “theo nhóm” thị trường để tránh sự xung đột pháp lý, khi chỉ sửa đổi từng đạo luật riêng rẽ, nhằm bảo đảm tính đồng bộ khi vận hành.
Thứ tư, xác định rõ chức năng và vai trò của các tổ chức kinh tế Nhà nước như công cụ để khắc phục và hạn chế những khuyết tật của thị trường.
Mô hình kinh tế thị trường chưa bao giờ hoàn hảo mà luôn luôn tồn tại những khuyết tật cố hữu, gắn liền với bản chất của nó. Năng lực quản trị có hiệu quả của một nhà nước thể hiện ở khả năng sử dụng các công cụ để hạn chế những hệ quả tiêu cực do các "khuyết tật" gây ra.
Sử dụng các tổ chức kinh tế của Nhà nước chính là sự can thiệp vào thị trường bằng sức mạnh vật chất của Nhà nước. Do đó, vấn đề cải cách Doanh nghiệp nhà nước chính là "tái cấu trúc" lực lượng này để làm tốt vai trò tham gia điều tiết thị trường, cung cấp tốt hơn các loại “hàng hoá và dịch vụ công cộng” phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Nếu đứng trên quan điểm này để phân tích lực lượng doanh nghiệp Nhà nước hiện hữu, thì đang tồn tại 3 vấn đề sau đây: (1) nhập nhằng giữa doanh nghiệp kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận (hình thức công ty) với định chế công phi lợi nhuận (phi lợi nhuận không có nghĩa là bản thân tổ chức đó hoạt không sinh lời, mà chủ sở hữu không thu lợi nhuận); (2) mặc dù tất cả các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay đều được chủ sở hữu (nhà nước) cho được hưởng cơ chế phi lợi nhuận (nhà nước không lấy lợi nhuận sau thuế như khu vục tư nhân chia cổ tức chẳng hạn), nhưng trong phần lớn các ngành có doanh nghiệp Nhà nước đều không “dẫn dắt" được thị trường, nếu bỏ cơ chế độc quyền. Điều này cho thấy việc quản trị kém hiệu quả và (3) hai nhóm lĩnh vực cần sự can thiệp mang tính chủ đạo của lực lượng kinh tế nhà nước là: cung cấp hàng hoá và dịch vụ công cộng và các ngành kinh tế có hiệu quả sinh lời thấp, nhưng cần thiết cho quá trình công nghiệp hóa như cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghiệp công nghệ cao…, nhưng dường như nhà nước lại “nhường” cho thị trường.
Nhà nước đầu tư phát triển lĩnh vực nào phải thể hiện quyết tâm chính trị của nhà nước, với mục tiêu và phương tiện thực thi rõ ràng, chứ không phải để mặc doanh nghiệp nhà nước cân nhắc hiệu quả tài chính đơn thuần, "tự đầu tư tự chịu trách nhiệm" như khu vực tư nhân.
Tái cấu trúc lực lượng doanh nghiệp nhà nước để lực lượng này thực sự là sức mạnh vật chất, cùng với thể chế kinh tế trở thành công cụ điều tiết thị trường có hiệu quả. Đây là một nội dung rất quan trọng, không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế, mà còn gắn kết được vấn đề đề kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội.
Chế định vấn đề này dưới hình thức "một đạo luật về quản lý vốn kinh doanh của nhà nước" đang là yêu cầu rất bức xúc đang đặt ra.
Dự thảo "Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020" trình Đại hội XI nêu 3 đột phá chiến lược: (1) hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; (2) phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ và (3) xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
Ba nhiệm vụ trên có ý nghĩa rất quan trọng để giải quyết “ba nút thắt cổ chai” trong việc hấp thụ vốn đầu tư và vận hành của nền kinh tế nước ta hiện nay.
Tôi cho rằng nội dung thứ nhất có tầm quan trọng đặc biệt và nếu tháo gỡ sẽ tác động tích cực đến hai nội dung sau. Thực tiễn quá trình đổi mới thể chế kinh tế của nước ta đã minh chứng rằng: một thể chế kinh tế phù hợp sẽ trở thành lực lượng vật chất để thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế quốc dân.
Thể chế kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta, tuy không ngừng được đổi mới trong suốt 25 năm qua, nhưng để thúc đẩy tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn phát triển mới, cần phải thực sự đóng vai trò động lực để khai thác cao nhất tiềm năng phát triển của đất nước.
Trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế có nêu “trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính”, tôi đồng tình với hai trọng tâm này, nhưng muốn góp ý kiến cụ thể hơn và cũng ở tầm rộng hơn:
Thứ nhất, về môi trường cạnh tranh bình đẳng, cần làm rõ quan điểm là, Nhà nước không bao cấp rủi ro cho doanh nghiệp, nhưng cũng không tạo ra những rủi ro cho doanh nghiệp bằng các quyết định hành chính của mình.
Hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta trong quản lý kinh tế thị trường, tuy chưa hoàn thiện, nhưng cũng đã phủ kín hầu hết các lĩnh vực. Song thực tế hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế chưa cao là do sự can thiệp của Nhà nước, ở nhiều cấp chính quyền khác nhau, không phù hợp với sự vận động của thị trường. Nhưng mặt khác Nhà nước lại thiếu công cụ và cơ chế giám sát, chế tài để bảo đảm các chủ thể tham gia các quan hệ thị trường tuân thủ “luật chơi” đã đề ra.
Do đó, cần đổi mới tư duy và hành động trong việc thực hiện chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đối với thị trường. Đây là vấn đề khá khó khăn và phức tạp của quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường. Song đây là việc đầu tư ít tốn kém nhưng hiệu quả nhất trong tình hình hiện nay.
Quản lý Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, ngoài việc tạo môi trường pháp lý minh bạch thông thoáng cho sự vận động của các chủ thể tham gia thị trường, còn có vai trò khắc phục những khuyết tật cố hữu của thị trường để tạo nên một sức mạnh tổng hợp, gắn vai trò của Nhà nước và vai trò thị trường.
Thứ hai, để tiếp tục cải cách hành chính có hiệu quả cần chuyển nền hành chính đang mang nặng mục tiêu quản lý, bao cấp trách nhiệm dân sự của công dân sang nền hành chính mang tính chất phục vụ.
Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước không quản lý xã hội theo phương thức bao cấp trách nhiệm dân sự của công dân hay nói cách khác là hành chính hóa các quan hệ dân sự, mà Nhà nước cần nâng cao vai trò trách nhiệm của công dân trong các quan hệ dân sự. Điển hình là trong các loại thủ tục hành chính tư pháp của nước ta dường như Nhà nước đã làm thay trách nhiệm của công dân trong các quan hệ dân sự như: hoạt động công chứng; thi hành án dân sự; hộ tịch …
Tư duy bao cấp trách nhiệm của Nhà nước trong các quan hệ dân sự đang để lại dấu ấn rất nặng nề trong hệ thống pháp luật có liên quan. Cách quản lý này vừa không phù hợp với tính chất của nền kinh tế thị trường, vừa làm cho bộ máy quản lý hành chính Nhà nước ngày càng “phình to” nhưng bất cập trong quản lý.
Việc thực hiện thí điểm mô hình định chế "thừa phát lại" ở Tp.HCM hay cho lập phòng công chứng tư là điển hình của xã hội hóa dịch vụ tư pháp, cần được mở rộng nhiều loại hình khác.
Xây dựng nền hành chính phục vụ dựa trên cơ sở hình thành các tổ chức cung cấp dịch vụ công, các định chế yểm trợ. Hiện nay luật pháp nước ta chưa chế định các định chế cung cấp dịch vụ công phi lợi nhuận. Cần xác định rõ bản chất của định chế cung cấp dịch vụ công phi lợi nhuận là các tổ chức cung cấp các dịch vụ công cho xã hội như: y tế, giáo dục, văn hóa, khoa học, dịch vụ đô thị, hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ thông tin; các tổ chức khuyến nông, khuyến ngư… do các thành phần kinh tế và Nhà nước đầu tư; không phân biệt ai là chủ sở hữu được thành lập để phục vụ cho lợi ích chung của xã hội, của cộng đồng, mà nhà đầu tư không thu lợi nhuận về cho mình (nhà đầu tư không thu lợi nhuận không có nghĩa là tổ chức đó không hoạt động kinh doanh, mà phải mang tính chất kinh doanh nhằm tích tụ vốn để không ngừng phát triển).
Để thực hiện vai trò này của Nhà nước cần sớm xây dựng một đạo luật về các tổ chức dịch vụ công phi lợi nhuận. Khi có đạo luật này, thì vai trò quản lý Nhà nước chính là giám sát sự hoạt động của các tổ chức trên, chứ không phải làm thay các tổ chức này.
Thứ ba, hoàn thiện chính sách và pháp luật đối với các loại thị trường phù hợp với mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế. Sự phát triển các loại thị trường phản ánh quá trình chuyển dịch cơ cấu và lợi thế của nền kinh tế trong quá trình cạnh tranh. Do đó, vấn đề hoàn thiện các loại thị trường ở nước ta cần xác định trên hai nguyên tắc.
Nguyên tắc thứ nhất là bảo đảm tính đồng bộ trong mối quan hệ kinh tế giữa các thị trường với nhau. Bởi vì, không có một loại thị trường nào phát triển riêng rẽ, mà luôn luôn là nguyên nhân và kết quả của thị trường kia. Ví dụ, nếu các ngành kinh tế khác không phát triển, thì không có điều kiện để phát triển thị trường tài chính và nếu thị trường tài chính không phát triển, thì không bảo đảm được nguồn vốn cho các ngành kinh tế khác.
Nguyên tắc thứ hai, sự phát triển các loại thị trường phải thông qua các chính sách của Nhà nước, được bảo đảm bằng hệ thống pháp luật có liên quan, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho từng giai đoạn của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Dựa vào hai nguyên tắc này để xem xét về tính đồng bộ và trình độ phát triển của từng loại thị trường trong cơ cấu nền kinh tế thị trường của nước ta, đồng thời thông qua hệ thống pháp luật, có liên quan hiện hành, sẽ thấy được những nội dung cần phải hoàn thiện (năm loại thị trường theo tinh thần Đại hội X: thị trường hàng hoá (xây dựng thị trường hàng hoá tập trung và giao dịch thị trường tương lai); thị trường tài chính; thị trường bất động sản; thị trường lao động và thị trường công nghệ.
Do đó trong công tác lập pháp cần hoàn thiện pháp luật “theo nhóm” thị trường để tránh sự xung đột pháp lý, khi chỉ sửa đổi từng đạo luật riêng rẽ, nhằm bảo đảm tính đồng bộ khi vận hành.
Thứ tư, xác định rõ chức năng và vai trò của các tổ chức kinh tế Nhà nước như công cụ để khắc phục và hạn chế những khuyết tật của thị trường.
Mô hình kinh tế thị trường chưa bao giờ hoàn hảo mà luôn luôn tồn tại những khuyết tật cố hữu, gắn liền với bản chất của nó. Năng lực quản trị có hiệu quả của một nhà nước thể hiện ở khả năng sử dụng các công cụ để hạn chế những hệ quả tiêu cực do các "khuyết tật" gây ra.
Sử dụng các tổ chức kinh tế của Nhà nước chính là sự can thiệp vào thị trường bằng sức mạnh vật chất của Nhà nước. Do đó, vấn đề cải cách Doanh nghiệp nhà nước chính là "tái cấu trúc" lực lượng này để làm tốt vai trò tham gia điều tiết thị trường, cung cấp tốt hơn các loại “hàng hoá và dịch vụ công cộng” phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Nếu đứng trên quan điểm này để phân tích lực lượng doanh nghiệp Nhà nước hiện hữu, thì đang tồn tại 3 vấn đề sau đây: (1) nhập nhằng giữa doanh nghiệp kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận (hình thức công ty) với định chế công phi lợi nhuận (phi lợi nhuận không có nghĩa là bản thân tổ chức đó hoạt không sinh lời, mà chủ sở hữu không thu lợi nhuận); (2) mặc dù tất cả các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay đều được chủ sở hữu (nhà nước) cho được hưởng cơ chế phi lợi nhuận (nhà nước không lấy lợi nhuận sau thuế như khu vục tư nhân chia cổ tức chẳng hạn), nhưng trong phần lớn các ngành có doanh nghiệp Nhà nước đều không “dẫn dắt" được thị trường, nếu bỏ cơ chế độc quyền. Điều này cho thấy việc quản trị kém hiệu quả và (3) hai nhóm lĩnh vực cần sự can thiệp mang tính chủ đạo của lực lượng kinh tế nhà nước là: cung cấp hàng hoá và dịch vụ công cộng và các ngành kinh tế có hiệu quả sinh lời thấp, nhưng cần thiết cho quá trình công nghiệp hóa như cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghiệp công nghệ cao…, nhưng dường như nhà nước lại “nhường” cho thị trường.
Nhà nước đầu tư phát triển lĩnh vực nào phải thể hiện quyết tâm chính trị của nhà nước, với mục tiêu và phương tiện thực thi rõ ràng, chứ không phải để mặc doanh nghiệp nhà nước cân nhắc hiệu quả tài chính đơn thuần, "tự đầu tư tự chịu trách nhiệm" như khu vực tư nhân.
Tái cấu trúc lực lượng doanh nghiệp nhà nước để lực lượng này thực sự là sức mạnh vật chất, cùng với thể chế kinh tế trở thành công cụ điều tiết thị trường có hiệu quả. Đây là một nội dung rất quan trọng, không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế, mà còn gắn kết được vấn đề đề kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội.
Chế định vấn đề này dưới hình thức "một đạo luật về quản lý vốn kinh doanh của nhà nước" đang là yêu cầu rất bức xúc đang đặt ra.