Đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 54-2021: Sắp xếp lại những “quả đấm thép”
Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 54 phát hành ngày 19-7-2021 với nhiều chuyên mục...
Tiến trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước được xem là một nhiệm vụ quan trọng kể từ Đại hội IX qua Nghị quyết Trung ương 3 và Nghị quyết Trung ương 9. Sau 20 năm, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước - vốn được xem là những "quả đấm thép" của nền kinh tế, vẫn đang “giậm chân tại chỗ”.
Quyết định 22/2021/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp có vốn nhà nước vừa được ban hành được kỳ vọng sẽ trở thành một công cụ pháp lý quan trọng để các cơ quan đại diện chủ sở hữu có căn cứ, đề xuất hình thức sắp xếp doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tới theo hướng "Chuyển lượng thành chất".
Trong số báo phát hành vào sáng mai, thứ Hai (19-7), Kinh tế Việt Nam/VnEconomy sẽ dành trọn chuyên mục "TIÊU ĐIỂM" cho chủ đề: "SẮP XẾP LẠI NHỮNG QUẢ ĐẤM THÉP: CHUYỂN LƯỢNG THÀNH CHẤT", với những góc nhìn độc lập và đa dạng như:
Thêm công cụ đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Quyết định 22/2021/QĐ-TTg quy định tiêu chí phân loại doanh nghiệp có vốn nhà nước được xem là công cụ pháp lý quan trọng để các cơ quan đại diện chủ sở hữu có căn cứ, đề xuất hình thức sắp xếp doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tới. (Anh Nhi).
Tiến độ cổ phần hóa: Vẫn giậm chân tại chỗ: 6 tháng qua, tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước vẫn “giậm chân tại chỗ”. Chỉ có ba doanh nghiệp được cổ phần hóa, trong đó, không có doanh nghiệp nào thuộc danh mục 128 doanh nghiệp cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. (Ánh Tuyết)
Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước: Chuyển lượng thành chất: Quyết định 22/2021/QĐ-TTg về tiêu chí, phân loại doanh nghiệp nhà nước được kỳ vọng không chỉ thúc đẩy tiến trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước “ì ạch” suốt nhiều năm mà còn giúp tăng chất doanh nghiệp sau sắp xếp. Mặc dù các doanh nghiệp nhà nước giữ một vai trò quan trọng ở Việt Nam như ở nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển khác, song việc cơ cấu lại các doanh nghiệp này để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, và chính trị là một trong những ưu tiên quan trọng của Chính phủ. Nếu lấy mốc 2025 để cơ bản đảm bảo hoàn tất việc cơ cấu lại khối doanh nghiệp nhà nước thì cần quyết liệt thực hiện bỏ lượng lấy chất sớm nhất có thể. (TS. Võ Đình Trí - Giảng viên trường Đại học Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School Paris và AVSE Global).
Hai điểm mới trong quản lý doanh nghiệp nhà nước: Phỏng vấn ông Phạm Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc dịch vụ kế toán & đảm bảo, Deloitte Vietnam. (Khánh Vy).
Và các bài viết khác trên cùng số báo:
Lựa chọn chính sách tiền tệ thích hợp: Trong bối cảnh tăng trưởng GDP khó đạt mục tiêu và chỉ số giá tiêu dùng vẫn ở mức thấp thì nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ như hiện tại (không nới lỏng thêm nữa) để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Đối với thị trường chứng khoán, việc lãi suất cho vay thấp hơn không còn nhiều ý nghĩa bởi sự dịch chuyển dòng tiền chủ yếu đến từ cân nhắc của phía tiết kiệm chứ không phải là sự tận dụng cơ hội đầu cơ chớp nhoáng của dòng tiền vay như thời kỳ cuối năm 2020 đầu 2021 khi mặt bằng định giá chung đã ở mức cao. Nói cách khác, cách tiếp cận đầu tư đang trong giai đoạn chuyển dịch từ định giá dựa trên tiền rẻ sang định giá dựa vào kỳ vọng phục hồi và tăng trưởng kinh tế. (Quách Mạnh Hào - Giảng viên Đại học Lincoln, sáng lập CLB Đầu tư theo nhóm QMV, Võ Minh Chiến - Chiến lược gia trưởng về thị trường, CLB Đầu tư theo nhóm QMV).
Đã đến lúc thay đổi… “chiến thuật” tăng trưởng?: Dù triển vọng tăng trưởng kinh tế vẫn được dự báo khá tích cực song theo các chuyên gia kinh tế, “chiến thuật” tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới cần phải thay đổi. (Ngân Hà).
Lợi nhuận ngân hàng chỉ “màu hồng” như từng thấy?: Hiện đã có một số ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021. Nhìn chung thông tin đưa ra đều cho thấy sự bùng nổ về lợi nhuận bất chấp đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đang diễn biến rất phức tạp. Phía sau “lãi khủng” là xin nới “room” tín dụng và không hề đề cập đến hàng triệu tỷ đồng tín dụng từ đầu mùa dịch đến nay chưa được phân loại và trích lập. Các ngân hàng có hình dung những quả “bom nổ chậm” trên các báo cáo tài chính vào cuối năm nay và năm sau? (Đào Hưng).
Thị trường chứng khoán cô đặc?: Các con số về sự tham gia thị trường chứng khoán của hai ngành ngân hàng và bất động sản cho thấy một sự cô đặc khá lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam khi hai ngành này chiếm tỷ lệ lớn rất khó tìm thấy ở bất kỳ thị trường chứng khoán nào. (Khánh Bình).
Giá nhà ở liên tục tăng, đáng lo?: Bất chấp dịch Covid diễn biến phức tạp, giá nhà ở trên thị trường sơ cấp tại Hà Nội và Tp.HCM vẫn tiếp tục xu hướng tăng nhanh. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, đến một lúc nào đó trong tương lai gần, đà tăng này sẽ phải chậm lại… (Phan Nam).
Doanh nghiệp thấp thỏm lo phí logistics tăng mạnh: Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam mới đây đã gửi công văn kêu cứu đến các cơ quan để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xem xét tháo gỡ tình trạng chi phí logictics đang tăng rất mạnh, khiến cho hồ tiêu không xuất khẩu được. Công văn của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng chỉ là “giọt nước tràn ly”, bởi trước đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã phải “cắn răng” chấp nhận trả thêm phí để có container. Tuy nhiên, dù chấp nhận trả phí cao hơn nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có container để đưa hàng đi xuất khẩu. (Linh Đan).
Chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái là yêu cầu tất yếu: Việc triển khai mô hình khu công nghiệp sinh thái sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của hoạt động công nghiệp tại Việt Nam, đồng thời là tiền đề cho việc xây dựng cơ chế, chính sách về khu công nghiệp sinh thái nói riêng... (Tuyết Nhi).
Doanh nghiệp dịch chuyển theo hướng văn phòng: Khi chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 được triển khai mạnh mẽ tại nhiều quốc gia, nhiều người bắt đầu hình dung về việc dừng làm việc ở nhà và quay lại văn phòng. Tuy nhiên, môi trường công sở sẽ phải thay đổi để nhân viên của mỗi doanh nghiệp có thể trở lại bàn làm việc một cách an toàn. Tùy từng ngành nghề, các doanh nghiệp có nhiều cách để tiếp cận mô hình làm việc khác nhau, sao cho có thể tạo nên văn hóa doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất. (Tuệ Mỹ).
Chậm triển khai hỗ trợ: có lỗi với dân: Gói tín dụng 26.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai thực hiện. Trả lời phỏng vấn của Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Chưa bao giờ chúng ta đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian để thực hiện gói hỗ trợ đến người lao động, người sử dụng lao động nhanh như vậy...". (Lý Hà).
Giảm thiểu thủ tục, tăng tốc tối đa: Các địa phương cắt giảm tối đa mọi thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng đến người lao động, đặc biệt là với nhóm lao động tự do. (Thu Hằng).
Áp chỉ tiêu ESG cho doanh nghiệp toàn cầu: Ủng hộ và phản đối: Có vẻ như, chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp dụng nhiều chỉ tiêu về “trách nhiệm giải trình và minh bạch” được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đưa ra để đánh giá (hoặc định giá) “rủi ro” và “cơ hội” của doanh nghiệp liên quan đến “môi trường, xã hội và quản trị” (gọi tắt là ESG). ESG (viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Environmetal, Social and Corporate Governance) là một phần của nỗ lực toàn cầu nhằm chuyển đổi toàn diện chủ nghĩa tư bản từ “bảng cân đối kế toán” sang “bảng giá trị”. (Tiến sĩ Terry F. Buss – Chuyển ngữ: Đào Thuý).
Cơn sốt địa ốc đặt các ngân hàng trung ương vào thế khó: Cách đây hơn một thập kỷ, khủng hoảng nợ địa ốc ở Mỹ đã dọn đường cho khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hiện nay, cơn sốt bất động sản ở nhiều quốc gia cũng đang khiến các ngân hàng trung ương như “ngồi trên đống lửa”. Việc duy trì quá lâu chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo thời Covid-19 có thể khiến giá nhà leo thang cao hơn, dẫn tới nguy cơ hình thành khủng hoảng trong dài hạn; nhưng thắt chặt quá sớm nhằm mục đích kiểm soát giá nhà lại có thể khiến thị tường tài chính hoảng loạn và bóp nghẹt sự phục hồi kinh tế ngay trước mắt. Bởi vậy, có thể xem cơn sốt giá như một “bài kiểm tra” quan trọng đối với lập trường chính sách của các ngân hàng trung ương. (Kiều Oanh).