Sắp xếp doanh nghiệp nhà nước: Lao động dôi dư được hỗ trợ bình quân hơn 80 triệu đồng
Trong giai đoạn 2015 – 2020, đã có khoảng 290 doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại, giải quyết chế độ cho 7.292 người lao động dôi dư với tổng kinh phí chi trả trên 590 tỷ đồng, bình quân hơn 80 triệu đồng/người...
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Nghị định số 63 của Chính phủ về chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
HƠN 590 TỶ ĐỒNG GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ CHO LAO ĐỘNG DÔI DƯ
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tổng hợp số liệu từ 19 bộ, ngành; 54 tỉnh, thành phố và 13 tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho thấy, giai đoạn 2015 - 2020 có khoảng 290 doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại.
Qua đó, đã giải quyết chế độ cho 7.292 người lao động dôi dư với tổng kinh phí chi trả khoảng 590,156 tỷ đồng, bình quân 80,932 triệu đồng/người. Trong đó, nguồn thu bán cổ phần, bán doanh nghiệp khoảng 428,574 tỷ đồng; nguồn của doanh nghiệp khoảng 31,83 tỷ đồng; nguồn hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp khoảng 112,93 tỷ đồng và nguồn khác khoảng 2,021 tỷ đồng
Theo đánh giá của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các quy định về chính sách đối với người lao động dôi dư đã bám sát các Nghị quyết về sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước.
Trong đó, xác định các chính sách về nghỉ hưởng lương hưu trước tuổi không phải trừ tỷ lệ hưởng lương hưu; Nhà nước đóng bảo hiểm xã hội cho số tháng còn thiếu để giải quyết chế độ hưu trí đối với lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu thời gian đóng…
Qua các lần sửa đổi, về cơ bản vẫn duy trì các chính sách này để đảm bảo tính thống nhất, tránh tạo ra sự không thống nhất, mất cân đối trong giải quyết các chế độ cho người lao động giữa các thời kỳ.
Việc giải quyết chế độ đối với người lao động dôi dư trong doanh nghiệp được tiến hành chặt chẽ, công khai, minh bạch theo trình tự, thủ tục các bước.
Đồng thời, chính sách lao động dôi dư đã tạo điều kiện giúp người lao động ổn định cuộc sống sau khi thôi việc, mất việc (bình quân mỗi người được hỗ trợ 80,932 triệu đồng). Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp lại lao động phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới.
VẪN CÒN NHIỀU BĂN KHOĂN
Mặc dù vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, vẫn còn những tồn tại trong chính sách với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước.
Chẳng hạn như, khoản tiền hỗ trợ của người lao động dôi dư có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại công ty thấp hơn khoản tiền hỗ trợ của người lao động dôi dư có ít năm làm việc tại công ty.
Cùng với đó, Nghị định hiện hành chưa có quy định về việc áp dụng chính sách lao động dôi dư, hay chính sách tinh giản biên chế đối với người quản lý của công ty con do công ty thực hiện sắp xếp lại nắm giữ 100% vốn điều lệ, khi hết thời hạn bổ nhiệm hoặc không được bầu, bổ nhiệm, không bố trí việc làm tại công ty sau khi sắp xếp lại như người lao động dôi dư và người quản lý công ty sắp xếp lại.
Đồng thời, chưa quy định cụ thể về thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động, thời hạn chi trả chế độ đối với người lao động dôi dư. Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp cổ phần hóa chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động khi chưa được phê duyệt phương án cổ phần hóa, nên không có nguồn kinh phí chi trả chế độ cho người lao động.
Ngoài ra, một số nội dung chính sách lao động dôi dư của Nghị định cũng chưa phù hợp với quy định mới của Bộ luật Lao động năm 2019; Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương…
Cụ thể, về tuổi nghỉ hưu, Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ 1/1/2021 quy định tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường theo lộ trình lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.
Về cơ sở tính chế độ, Nghị quyết số 27 có những thay đổi lớn về chính sách tiền lương, trong đó có nội dung bãi bỏ mức lương cơ sở, do đó, việc tính các khoản tiền trợ cấp, khoản tiền hỗ trợ cho người lao động dôi dư không còn phù hợp.
TIẾP TỤC HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH
Trước tình hình trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, Chính phủ cần ban hành Nghị định mới quy định chính sách lao động dôi dư khi thực hiện sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Trong đó, Bộ đề xuất Chính phủ xem xét, sửa đổi một số nội dung như: sửa đổi tuổi nghỉ hưởng lương hưu phù hợp với lộ trình tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.
Cùng với đó, sửa quy định về cách tính các khoản trợ cấp, khoản tiền hỗ trợ thêm cho người lao động dôi dư phù hợp với Nghị quyết 27. Đồng thời, bổ sung quy định xây dựng phương án sử dụng lao động; thời điểm chốt danh sách lao động; công khai phương án sử dụng lao động.
Đặc biệt, phê duyệt phương án sử dụng lao động phải trước khi cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt phương án sắp xếp lại doanh nghiệp; xác định thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động và chi trả chế độ đối với người lao động.
Bộ cũng đề xuất sửa đổi quy định cách tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động. Ngoài ra, bổ sung quy định người quản lý của công ty con do công ty thực hiện sắp xếp lại nắm giữ 100% vốn điều lệ hết thời gian bổ nhiệm, hoặc không được bầu, bổ nhiệm nhưng không bố trí việc làm tại công ty sau khi sắp xếp lại được giải quyết chế độ như người lao động dôi dư.