Đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 70-2021
Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 70 phát hành ngày 08-11-2021với nhiều chuyên mục hấp dẫn...
Đại dịch Covid-19 đã tác động tới các lĩnh vực, ngành nghề và doanh nghiệp khác nhau, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) và hoạt động đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp. Tuy nhiên, Covid-19 cũng được xem như phép thử và cú huých cho các start-up khẳng định được năng lực và sức sống của mình, nhất là các start-up trong các lĩnh vực hỗ trợ làm việc từ xa, các lĩnh vực như thương mại điện từ, giáo dục, y tế, thanh toán trực tuyến, các mô hình, sáng kiến thích ứng với bối cảnh mới và giải quyết vấn đề xã hội…
Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn ghi nhận nhiều thương vụ đầu tư đạt giá trị cao, điển hình như VNLife: 250 triệu USD, Tiki: 94 triệu USD, KiotViet: 45 triệu USD, Axie Infinity: 152 triệu USD... Riêng trong lĩnh vực fintech, Công ty tư vấn YCB Solidiance dự đoán, giá trị giao dịch của thị trường fintech Việt Nam sẽ đạt mức 22 tỷ USD vào năm 2025, tăng đột biến so với 9 tỷ USD đạt được năm 2019. Hay làn sóng đầu tư từ các start-up “anh cả” như VNG hay MoMo… cũng đã tạo ra lực đẩy quan trọng cho hệ sinh thái khởi nghiệp trong bối cảnh thị trường nhiều thách thức từ đại dịch Covid.
Cùng các hoạt động trên, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam cũng đang phát triển mạnh mẽ. Theo thông tin từ Văn phòng Đề án 844, tính tới thời điểm hiện tại, có khoảng 208 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động và đầu tư cho các start-up tại Việt Nam, trong số đó có gần 40 quỹ đầu tư nội địa. Các bạn trẻ khởi nghiệp, các start-up có nhiều cơ hội kết nối, nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, từ mạng lưới mentor, cố vấn trong nước cũng như quốc tế, được kết nối với các cuộc thi quốc tế và các nhà đầu tư…
Trong số báo ra sáng mai, thứ Hai ngày 8/11/2021 Tạp chí Kinh tế Việt Nam bộ mới số 70 cũng sẽ dành trọn chuyên mục Tiêu điểm cho câu chuyện kết nối đầu tư giữa các nhóm start-up đầy tiềm năng và các nhà đầu tư, cùng với những chia sẻ của người trong cuộc về những kinh nghiệm hút vốn, rót vốn và dùng vốn.
Các bài viết bao gồm:
- Các quỹ đầu tư vẫn tích cực tìm kiếm startup. Bất chấp những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, các quỹ đầu tư vẫn đang tích cực tìm kiếm các startup tiềm năng và sáng giá để thực hiện các hoạt động đầu tư với một niềm tin và sự kiên nhẫn không nhỏ dành cho thị trường Việt Nam. (Thu Hoàng).
- Lựa chọn những mô hình thích ứng với bối cảnh mới. Trả lời phỏng vấn Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết: Từ năm 2020 tới nay là thời gian thử thách để chứng minh năng lực của các start-up với công nghệ mới ứng phó đại dịch. Bối cảnh mới làm phát sinh những nhu cầu mới, thị trường mới. Nếu đủ nhanh nhạy và tỉnh táo, các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tận dụng để khai thác và phát triển, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đây không chỉ là phương thức, công cụ phát triển mà trên hết là một tư duy mới, triết lý mới cho sự phát triển. (Phan Anh thực hiện).
- Techfest Connect 2021: “Mở đường” cho startup phát triển. Chương trình Techfest Connect 2021 – Live Pitching do Cục Phát triển thị trường - Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy và các đối tác tổ chức ngày 5/11 tại trụ sở Tạp chí Kinh tế Việt Nam nhằm kết nối đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) tiềm năng được chọn lọc qua các cuộc thi của TechFest Vietnam. Điều đặc biệt là ngay tại sự kiện, nhiều dự án đã được các nhà đầu tư trong và ngoài nước ký cam kết đầu tư và đặt cọc. (Mạnh Chung - Đức Phan - Hoàng Thu).
- Techfest Connect 2021: “Bội thu” đầu tư các dự án và ý tưởng khởi nghiệp. Trải qua một hành trình dài từ khi được chọn lọc từ các dự án của hơn 20 trường đại học và cao đẳng trên cả nước đến khi vượt qua các vòng huấn luyện nghiêm túc và sát sao bởi các mentor, các nhóm dự án tham gia Techfest Connect 2021 thực sự đã tỏa sáng và lọt vào “mắt xanh” của các nhà đầu tư. (Thu Hoàng).
Và nhiều bài viết cho các chuyên mục khác:
- Một chuyến đi bận rộn và hiệu quả. Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa kết thúc một tuần hoạt động đối ngoại trực tiếp tại châu Âu, từ 31/10 đến 5/11/2021, cực kỳ bận rộn, với lịch trình dày đặc mỗi ngày và đạt hiệu quả trông thấy. Đó là các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) cùng chuyến thăm làm việc tại Vương quốc Anh (từ 31/10 – 3/11), và tiếp đó là chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp (từ 3 – 5/11). Đây là chuyến công tác đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại châu Âu kể từ khi ông được giao trọng trách đứng đầu Chính phủ hồi tháng 4 năm nay và cũng là lần đầu tiên Thủ tướng tham dự trực tiếp một diễn đàn đa phương toàn cầu. (Nguyễn Quốc Uy).
- Phục hồi kinh tế: Bắt nhịp hay lỡ nhịp? Tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 được Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF) dự báo dao động ở mức 1,5-1,9%, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nhiều chuyên gia lo ngại Việt Nam có thể lỡ nhịp phục hồi khi tăng trưởng giảm sâu trong khi thiếu các biện pháp kích hoạt nền kinh tế hiệu quả. (Anh Nhi).
- Sau thách thức Covid-19, tương lai Việt Nam vẫn tươi sáng. Việt Nam đã tận dụng các cơ hội thương mại toàn cầu để tạo cho mình vị thế ngày càng lớn mạnh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời xây dựng một nền kinh tế trong nước phát triển bền vững... (Vũ Phong).
- Cần cơ chế đầu tư “mở” cho sếu đầu đàn. Ngày 13/9/2021, thị trường đổ dồn sự chú ý vào thương vụ rót vốn mua cổ phiếu Vietnam Airlines (HVN) của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) trị giá lên tới 6.894,9 tỷ đồng. Sau vụ “chốt deal” đình đám này, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần tính tới một cơ chế “mở” và linh hoạt hơn để cho phép Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp thông qua Quỹ Đầu tư Chính phủ. (Ngân Hà).
- Phát triển nhà ở xã hội: “Đòn bẩy” phục hồi sản xuất và kinh tế. Trả lời phỏng vấn Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết: “Trong thời gian dịch bệnh Covid bùng phát, đã xuất hiện các làn sóng người lao động “tháo chạy” khỏi các thành phố lớn và các khu công nghiệp. Từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Điều này cho thấy, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế”. (Huyền Ngân thực hiện).
- Để không lỡ những cơ hội từ “cuộc hẹn” RCEP. RCEP là hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất, nó mở ra cho Việt Nam một khu vực thương mại đầu tư chiếm 30% GDP toàn cầu, một thị trường chiếm 30% thị phần thế giới. Tuy nhiên, để có được “miếng bánh” trên thị trường này, doanh nghiệp cần hiểu về hiệp định, tiến trình, các cam kết cụ thể cũng như những tác động dự kiến của các cam kết này. (Vũ Khuê).
- Giá xăng dầu sẽ được điều hành sát thực tế hơn. Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Chính thức có hiệu lực từ ngày 02/01/2022, Nghị định mới với nhiều thay đổi quan trọng, tích cực được kỳ vọng sẽ giúp cơ quan quản lý Nhà nước điều hành giá xăng dầu hợp lý, bám sát thực tế thị trường. (Mạnh Đức).
- Giá thép trong nước: Nóng - lạnh khó lường. Từ cuối năm 2020 đến những tháng đầu năm 2021, giá thép trong nước liên tục tăng cao buộc các bộ, ngành phải vào cuộc để bình ổn, sau đó thị trường đã dần hạ nhiệt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá thép lại tiếp tục có xu hướng tăng. Chỉ tính từ ngày 18/10 đến 28/10/2021, các doanh nghiệp thép trong nước đã có hai đợt điều chỉnh, với tổng mức tăng từ 1.070 đồng/kg – 1.310 đồng/kg tùy từng loại sản phẩm và thương hiệu. (Mạnh Đức).
- Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng tốc về đích. Trong tháng 10/2021, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 3,4 tỷ USD, giảm 15,6% so với tháng 10/2020 nhưng tăng 4,2% so với tháng 9/2021. Kết quả này đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành sau 10 tháng lên 38,75 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tốc độ này được giữ vững trong hai tháng còn lại, thì mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD cả năm 2021 hoàn toàn khả thi. (Chu Khôi).
- Công nghiệp làm đẹp, đoạn tuyệt với chất thải. Được định giá lên tới 532 tỷ USD, cũng như mọi ngành công nghiệp khác, ngành công nghiệp làm đẹp toàn cầu đang có xu hướng thay đổi và tăng trưởng liên tục hướng tới tương lai xanh. (Minh Nguyệt).
- COP26: Thỏa thuận từ bỏ than đá thiếu vắng các “ông lớn”. Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ngày 4/11 đạt được thỏa thuận về việc bỏ dần việc sử dụng than đá trong phát điện với sự tham gia của hơn 40 quốc gia, trong đó có một số quốc gia tiêu thụ nhiều than như Việt Nam, Ba Lan, Indonesia. Cùng tham gia thỏa thuận có khoảng 150 tổ chức quốc tế. (Nguyễn Tuyến).