Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 35-2022
Mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 35 phát hành ngày 29-08-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...
8 tháng qua, kinh tế trong nước phục hồi nhanh và hầu hết ở các ngành, lĩnh vực, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới, giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu được được đẩy tăng lên và mặt bằng giá cơ bản vẫn đang được kiểm soát tốt.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 ước tăng 0,006% so với tháng trước. Bình quân 8 tháng năm 2022, CPI ước tính tăng khoảng 2,58% - 2,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, xuất khẩu vẫn sẽ đạt mục tiêu và tín hiệu về FDI vẫn có những tích cực. Tính đến ngày 20/8, theo ghi nhận của Cục Đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,8 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2021. Xu hướng giảm vốn đăng ký mới tiếp diễn trong 8 tháng khi tổng vốn đăng ký đạt 6,35 tỷ USD, giảm 43,9% so với cùng kỳ. Trong khi đó, vốn đăng ký tăng thêm (7,5 tỷ USD, tăng 50,7% so với cùng kỳ) và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại (đạt 2,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ) tiếp tục là trụ đỡ cho dòng vốn FDI những tháng đầu năm.
Dự báo thời gian tới, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ tình trạng phục hồi không đồng đều và thiếu bền vững của kinh tế thế giới, nhất là một số nền kinh tế lớn và đối tác chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao do việc đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt năng lượng… Bộ Công thương cập nhật dự báo, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới giảm trong quý 4/2022, bình quân cả năm ở mức 115 - 125 USD/thùng (giảm so với mức dự báo 130-140 USD/thùng đưa ra tại cuộc họp vào tháng trước). Việc kiểm soát CPI dưới 4% gần như nắm chắc trong tay nhưng vẫn phải cảnh giác các nhân tố tiềm ẩn rủi ro cuối năm.
Trong số báo ra sáng thứ Hai, ngày 29/8/2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy sẽ dành 12 trang bài viết cho chuyên mục Tiêu điểm với chủ đề: “Kinh tế chờ đón cú bứt phá”để phản ánh, phân tích từ các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp về bức tranh kinh tế trong 8 tháng 2022 và những tháng cuối năm với một kỳ vọng là chờ đón những bứt phá đã được tích lũy trong suốt những tháng phục hồi vừa qua.
Các bài viết bao gồm:
- Tập trung cao độ thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế. Các kịch bản và giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong quý 3 và quý 4/2022 đã được Bộ Công Thương xây dựng và hoàn thiện, theo đúng nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 85/CP ngày 9/7/2022 và Nghị quyết 102/CP ngày 9/8/2022 về các giải pháp ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. (Nguyễn Mạnh).
- Không thể chủ quan dù CPI dưới 4% trong tầm tay. Ước tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 chỉ tăng vỏn vẹn 0,006% so với tháng trước. Theo đánh giá của nhiều cơ quan, việc kiểm soát CPI dưới 4% gần như nắm chắc trong tay nhưng nhất quyết phải cảnh giác các nhân tố tiềm ẩn rủi ro cuối năm. (Trâm Anh).
-Xuất khẩu sẽ vượt mục tiêu. Theo các dự báo đã được đưa ra, từ nay đến cuối năm, kinh tế thế giới sẽ còn nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia có thể làm sụt giảm cầu hàng hóa nhập khẩu của các nước, từ đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, với kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm, Bộ Công Thương nhận định, xuất khẩu năm 2022 sẽ vượt mục tiêu đề ra. (Mạnh Đức).
- Đón dòng vốn FDI vào công nghiệp hỗ trợ. Nhiều động thái gần đây của các nhà đầu tư nước ngoài cho thấy Việt Nam có nhiều cơ hội đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. (Anh Nhi).
-Tình hình đăng ký doanh nghiệp 8 tháng lại lập đỉnh. Doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 8 tháng đầu năm tiếp tục duy trì mức cao chưa từng có khi số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng 8/2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Song, bức tranh doanh nghiệp vẫn còn những mảng xám đòi hỏi phải có hành động sớm nhất. (Khánh Vy).
-Đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển bền vững. Việc hình thành các cực tăng trưởng, các hành lang phát triển kinh tế dựa trên việc đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy lợi thế toàn vùng sẽ đưa Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện. P/v ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ngân Hà).
Cùng các chuyên mục hấp dẫn khác:
-Kết nối thông tin, tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Ấn Độ. Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Hiệp hội Các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Ấn Độ (ACMC) và Trung tâm thông tin và tư vấn đầu tư Invest Global, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) vừa được ký kết sẽ mở ra những cơ hội hợp tác đầu tư mới giữa Việt Nam - Ấn Độ. Theo đó, ACMA và Invest Global sẽ cùng phối hợp để hỗ trợ các thành viên ACMA tham gia phát triển hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ trong ngành sản xuất phụ tùng ô tô tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu lắp ráp ô tô tại Việt Nam cũng như xuất khẩu. Sự hợp tác này được kỳ vọng sẽ tạo ra những đợt “sóng” mới cho thu hút FDI trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất phụ tùng cho ngành ô tô tại Việt Nam trong thời gian tới. (Ngân Hà – Việt Phong).
- Chủ động đón dòng vốn FDI từ Ấn Độ. Trong bối cảnh lợi thế cạnh tranh truyền thống dần không còn phù hợp, buộc Việt Nam phải tìm kiếm lợi thế cạnh tranh mới thích ứng với biến động của thế giới, Việt Nam cần chủ động có cách thức xúc tiến đầu tư và chính sách thu hút đầu tư hiệu quả để đón sự dịch chuyển của dòng vốn Ấn Độ. P/v ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Đặng Hương).
-Việt Nam - Ấn Độ Hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng. Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma chia sẻ với a / b về những dấu ấn trong mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong 50 năm qua và lạc quan về hợp tác kinh tế của hai nước trong thời gian tới. (Phương Hoa).
- Việt Nam lọt vào “tầm ngắm” của nhiều tập đoàn công nghệ lớn. Với chi phí sản xuất và logistics phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa đang ở mức rất hấp dẫn so với một số quốc gia tại châu Á như Singapore, Trung Quốc…, Việt Nam đang được nhiều tập đoàn công nghệ lớn “để mắt” tới. (Mộc Minh).
-Chiến lược huy động vốn trong hoàn cảnh mới. Trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng hạn hẹp, không ít doanh nghiệp từ đầu năm đã đặt nhiều kỳ vọng vào gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 2% nhưng gói hỗ trợ này không như kỳ vọng, kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. Cửa tìm vốn - vốn đã hẹp, nay dường như lại càng hẹp hơn… (Hồng Vinh).
-“Mùa đông” gọi vốn: Sẽ vắng bóng những thương vụ lớn. Thời điểm hiện tại có thể coi là một đợt suy thoái để điều chỉnh lại mặt bằng giá mới hợp lý, hấp dẫn hơn với nhà đầu tư. Mặc dù được nhận định là thị trường có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhất trong khu vực Đông Nam Á nhưng trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường toàn cầu, nguồn vốn đầu tư vào thị trường startup Việt Nam thời gian tới sẽ giảm, sẽ ít có những thương vụ trị giá vài trăm triệu USD. P/v bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc đại diện của Quỹ Nextrans (Hàn Quốc) tại Việt Nam. (Phan Anh).
- Cuộc chiến năng lượng Nga – EU ai đang thắng? Chiến tranh giữa Nga và Ukraine đã kéo dài hơn 6 tháng và chưa có dấu hiệu sắp kết thúc. Song song với xung đột này và không kém phần gay cấn là cuộc chiến năng lượng giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU), với những tổn thất to lớn được cho là sẽ rơi vào cả hai bên chiến tuyến. (An Huy).
-Đầu tư bất động sản “Cuộc chơi” không dành cho tất cả. Theo nhiều chuyên gia bất động sản, hiện nay và trong thời gian tới, thị trường bất động sản bước vào giai đoạn thanh lọc mạnh. Bởi vậy, sẽ không còn chỗ cho “dòng tiền nóng” chỉ chảy vào “đầu cơ, lướt sóng”. “Cuộc chơi” giờ đây nghiêng hẳn về những người có “tiền tươi, thóc thật” và là “cuộc chơi” trong trung - dài hạn. (Phan Dương).
-Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Còn nhiều vướng mắc. Hiện tại có tới 94 – 96% các giao dịch ngân hàng được thực hiện trên kênh số, do đó, Luật Giao dịch điện tử ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động ngân hàng. Thế nhưng, theo phản ánh từ các ngân hàng thương mại, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) còn rất nhiều bất cập, vướng mắc cần điều chỉnh. (Vũ Phong).
-“Mập mờ” thị trường kinh doanh khí: Cần hoàn thiện khung pháp lý. Thị trường kinh doanh khí đang tồn tại một số vấn đề nổi cộm, một số quy định còn bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp cần sớm có giải pháp điều chỉnh trong thời gian tới nhằm giúp hoạt động kinh doanh khí cạnh tranh và minh bạch hơn. (Vũ Khuê).
-Doanh nghiệp vận tải “hạ nhiệt” giá cước. Nhờ sự điều chỉnh của các cơ quan quản lý nhà nước, giá xăng dầu trong nước đã liên tục giảm mạnh. Theo đà giá xăng giảm, nhiều doanh nghiệp vận tải cũng đã bắt đầu có động thái điều chỉnh giá cước giảm. (Lưu Hà).
-Doanh nghiệp Việt đã thực sự làm chủ digital workplace? Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã quen với việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số trong hoạt động vận hành kinh doanh hàng ngày, như trao đổi qua Facebook, Zalo, chỉnh sửa file văn bản trên Google Docs, hay cao hơn là các cuộc họp trực tuyến qua nền tảng Zoom... Xu hướng này càng nở rộ hơn trong và sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, doanh nghiệp ứng dụng tất cả các công cụ trên đã được xem là xây dựng thành công môi trường làm việc số, hay còn gọi là digital workplace hay chưa? (Bảo Bình).
-Quy định đấu thầu thiếu hợp lý:Dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế. Hiện nay nhiều bệnh viện, cơ sở y tế bị thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị, từ các loại thông thường cho đến các loại đặc biệt. Tình trạng này xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước, kể cả ở những bệnh viện đầu ngành như bệnh viện Bạch Mai cho đến các bệnh viện ở địa phương. Trong khi đó, vaccine lại dư thừa, có nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ. Đến 21/7/2022, cả nước còn tồn 21,5 triệu liều vaccine Covid-19. (Phan Thanh Hà).
- Các ngành kinh tế mũi nhọn: “Lao đao” vì lao động chất lượng cao. Việt Nam hiện thiếu đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi, chuyên gia và quản lý doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề cho các ngành kinh tế mũi nhọn, các vùng kinh tế động lực, trọng điểm. Theo đánh giá của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, so với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, đến quý 2/2022 mới chỉ đạt 26,2%. (Nhật Dương).
-Phân khúc du lịch xa xỉ phục hồi ấn tượng. trong suốt thời kỳ đại dịch, các cơ quan du lịch trên khắp thế giới đã và đang thử nghiệm các chính sách nhập cảnh có chọn lọc. Giờ đây, hầu hết các quốc gia đều đã triển khai các kế hoạch phục hồi, khá nhiều trong số đó mang tinh thần “chất lượng hơn số lượng”. (Tường Bách).