09:30 16/04/2008

Đồng tiền “sống” và đồng tiền “chết”

Dương Ngọc

Vàng, USD, chứng khoán, bất động sản, tiết kiệm, “ông” nào cũng không chứng nọ thì cũng tật kia

Xem ra gửi tiết kiệm tuy chưa có lãi suất thực dương nhưng đỡ đau đầu, đỡ rủi ro; nếu có “gan” thì “chơi” chứng khoán - Ảnh: Việt Tuấn.
Xem ra gửi tiết kiệm tuy chưa có lãi suất thực dương nhưng đỡ đau đầu, đỡ rủi ro; nếu có “gan” thì “chơi” chứng khoán - Ảnh: Việt Tuấn.
Trong kinh tế thị trường, đặc biệt trong thời kỳ lạm phát, đồng tiền để yên là đồng tiền chết, đồng tiền phải đưa vào đầu tư để “tiền đẻ ra tiền” mới là đồng tiền sống.

Đồng tiền sống là đồng tiền không những bảo toàn được giá trị mà còn tăng được giá trị, tức là có lãi thực dương. Tuy nhiên, nếu chọn nhầm kênh đầu tư và thời điểm đầu tư (như đã từng xảy ra) thì nó còn “chết” hơn cả đồng tiền để yên.

Chưa có lúc nào như lúc này, “năm ông hàng xóm” (vàng, USD, chứng khoán, bất động sản, tiết kiệm), “ông” nào cũng không chứng nọ thì cũng tật kia.

Vàng mất dần hấp dẫn

Vàng trước đây chỉ được dùng để cất trữ (bỏ ống) theo kiểu “tích cốc phòng cơ” hay được dùng làm của hồi môn truyền từ mẹ cho con gái, rồi từ con gái cho con gái nữa... Dần dần, khi bước vào kinh tế thị trường, vàng đã trở thành “nơi trú ẩn an toàn” mỗi khi lạm phát cao.

Mấy năm nay, vàng không chỉ là nơi trú ẩn mà còn là kênh đầu tư hấp dẫn, không chỉ đối với những nhà đầu tư “lướt sóng”, đầu cơ (mua nhanh, bán nhanh khi giá xuống thấp thì mua, khi giá lên cao thì bán), mà ngay cả “vàng bỏ ống” cũng có lãi.

Giá vàng tháng 3/2008 đã cao gấp gần 3,8 lần so với tháng 12/2000, trong khi trong thời gian tương ứng, giá tiêu dùng tăng 68%, giá USD tăng 8,4%. 100 USD nếu cách đây mấy năm còn mua được 2-3 chỉ vàng, thì nay mua chưa được một chỉ.

Đây là kênh đầu tư khá quen thuộc có tính thanh khoản cao, phù hợp với các tầng lớp dân cư, không đòi hỏi một lượng vốn lớn...

Tuy nhiên, giá vàng ở trong nước gần như hoàn toàn phụ thuộc vào giá vàng thế giới, bởi từ dăm năm nay, mỗi năm nhập khẩu tới trên dưới 60 tấn, năm nay mới qua 3 tháng đã nhập khẩu tới 40 tấn. Giá vàng thế giới mấy năm nay bên cạnh xu hướng tăng mạnh cũng đã xen kẽ các đợt giảm mạnh, làm cho nhiều nhà đầu tư vào vàng đã bị lỗ nặng. Hiện nay, do có thông tin IMF bán ra tới 400 tấn vàng, nên làm cho những người đang giữ vàng vội bán ra do lo sợ giá vàng xuống.

Một số nhà đầu tư lại cho rằng, do kinh tế Mỹ đứng trước cả nguy cơ suy thoái và cả nguy cơ lạm phát, USD sẽ mất giá và vàng tính bằng USD sẽ còn tăng lên. Thực tế trong mấy ngày nay, giá vàng cũng đã tăng nhẹ và vượt qua mốc 18 triệu đồng/lượng.

Như vậy, khi giá vàng đã cao ngất ngưởng, nay dù có vài lần giảm mạnh đột ngột, nên đầu tư vào vàng cũng không còn hấp dẫn, chưa chắc đã lớn hơn được tốc độ tăng giá tiêu dùng.

Thận trọng với USD

Ngoại tệ trong nhiều năm trước thường được dùng để cất trữ dưới dạng gửi tiết kiệm để đề phòng lạm phát.

Nhưng đã mấy năm nay USD giảm giá mạnh trên thị trường thế giới nhất là với Euro, Bảng Anh, Yên Nhật và những đồng tiền của các nước có quan hệ buôn bán lớn đối với Việt Nam. Đồng USD tại Việt Nam có sức mua tương đương bằng 3,36 USD tại Mỹ, nay lại đang tiếp tục giảm giá do lạm phát, lãi suất huy động USD hiện chỉ bằng một nửa lãi suất huy động VND...

Đồng Việt Nam được “neo giá” với USD, nên cũng bị giảm giá so với các ngoại tệ khác.

Điều đó có nghĩa là thận trọng khi tích trữ USD; nếu có đầu tư thì nên đầu tư vào các ngoại tệ khác, trong đó đáng lưu ý có Euro, Bảng Anh, Yên Nhật, Baht Thái, Đôla Singapore,...

Hình “răng cưa” chứng khoán

Chứng khoán hiện đang biến động và khó dự đoán nhất, bởi chứng khoán là thị trường cao cấp nhất.

Thị trường này gồm hai cấp: thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Thị trường sơ cấp đã được “thổi” lên cao quá giá trị thực; đã vậy nhiều công ty đã đẩy mạnh phát hành cổ phiếu tăng vốn pha loãng.

Thị trường thứ cấp tuy có 330.000 tài khoản của nhà đầu tư, nhưng có đến 70% là nhà đầu tư cá nhân, chỉ có 30% là nhà đầu tư tổ chức (ngược lại với tỷ trọng của các nước).

Các nhà “chơi” chứng khoán không phải bằng vốn tự có, mà nguồn vốn đầu tư vào đây có một phần quan trọng là vay từ các ngân hàng, nên khi Ngân hàng Nhà nước siết chặt tiền tệ thì thị trường chứng khoán bị sụt giảm cả về chỉ số, cả về giá trị vốn hóa thị trường (chỉ trong 3 tháng VN-Index đã giảm tới 411 điểm; giá trị vốn hóa thị trường ở hai sàn giảm tới hơn 130.000 tỷ đồng, làm cho tỷ lệ so với GDP đã giảm từ 41% xuống còn 28%).

Ngày 25/3/2008, VN-Index đã giảm xuống còn 496,64 điểm; HASTC-Index đã giảm xuống còn 166,57 điểm. Nhờ một số biện pháp hỗ trợ và biện pháp thu hẹp biên độ giao dịch nên cả hai chỉ số đã tăng lên, nhưng gần đây lại giảm xuống khi biên độ được mở rộng. Chỉ số giá chứng khoán từ chỗ tăng kịch trần, tăng liên tục, nay đã chuyển sang “răng cưa” và có thể lại giảm tiếp.

Bất động sản cũng hạ nhiệt

Bất động sản năm 2007 đã xuất hiện những cơn sốt, nhưng mang tính cục bộ (theo nơi, theo loại) và cuối năm 2007, đầu năm 2008 thì sốt thực sự.

Nhờ các giải pháp kiềm chế lạm phát, đặc biệt là thắt chặt tiền tệ và với các thông tin về thuế lũy tiến, thuế thu nhập, giá vật liệu xây dựng phi mã... cơn sốt bất động sản đã hạ nhiệt và việc lan rộng từ đô thị ra các địa phương đã bị chặn lại.

Gần đây, với những thông tin về mở rộng Hà Nội lên gấp đôi, gấp ba hiện giờ, với thông tin Việt kiều, người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam; với các thông tin về đầu tư trong nước và ngoài nước... thì thị trường này vẫn còn ấm nóng cho đến hết 2008; phải sau khi có chính sách hạn mức về diện tích, thuế thu nhập, thuế lũy tiến (tức là đầu năm 2009) mới nguội và lạnh.

Gửi tiết kiệm đỡ đau đầu

Gửi tiết kiệm hiện có một số ưu điểm. Đó là kênh đầu tư truyền thống, khá quen thuộc với nhiều tầng lớp dân cư.

Đó cũng là kênh đầu tư cũng thích hợp với các loại vốn từ người có nguồn vốn nhỏ lẻ nhưng có tâm lý “tích cốc phòng cơ”, những gia đình có khoản tiền gửi tiết kiệm để chu cấp cho con trong quá trình ăn học, đến người có lượng vốn lớn nhưng tạm thời nhàn rỗi và chưa biết đầu tư vào đâu.

Tính thanh khoản của kênh tiết kiệm nhìn chung khá thuận tiện, nhanh chóng vì nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã làm việc vào buổi sáng thứ 7 và trong thời gian làm việc đã kéo dài đến 18h hàng ngày trong tuần. Kênh đầu tư này nhìn chung ít rủi ro, có thể tính trước được lãi suất danh nghĩa.

Tuy nhiên, trong điều kiện lạm phát cao hiện nay, thì lãi suất thực vẫn còn mang dấu âm, khi loại trừ yếu tố tăng giá. Năm 2007, lãi suất danh nghĩa chỉ đạt khoảng 9%, trong khi tốc độ tăng giá tiêu dùng lên đến 12,63% thì lãi suất đã bị thực âm trên 3,2% (gửi 100 triệu đồng vào cuối tháng 12/2006, đến cuối tháng 12/2007 rút ra được 109 triệu đồng, gồm vốn 100 triệu đồng, lãi 9 triệu đồng, nhưng nếu tính lại theo thời giá cuối năm 2006, thì số tiền trên chỉ còn gần 96,8 triệu đồng, bị lỗ thực 3,2 triệu đồng).

Bước sang năm 2008, 3 tháng đầu năm lãi suất tiết kiệm khoảng 3%, nhưng tốc độ tăng giá tiêu dùng lên đến 9,19%, nên mức thực âm còn lớn hơn (có 100 triệu đồng gửi tiết kiệm vào cuối tháng 12/2007, đến cuối tháng 3/2008 rút ra được 103 triệu đồng, gồm 100 triệu đồng vốn và 3 triệu đồng lãi danh nghĩa, nhưng nếu tính lại theo thời giá cuối năm 2007, thì số tiền trên chỉ còn 94,3 triệu đồng, bị lỗ thực tới 5,7 triệu đồng).

Các tháng tới tốc độ tăng giá tiêu dung sẽ thấp hơn 3 tháng đầu năm nay, nhưng theo dự đoán của các chuyên gia, tính chung cả năm giá tiêu dùng sẽ tăng cao hơn năm trước, nên lãi suất tiết kiệm vẫn bị thực âm.

Chẳng thế mà có nhiều người đã dùng hình ảnh: có số tiền tương đương với giá một con bò, do không biết đầu tư kinh doanh nên đã gửi vào ngân hàng nhờ quay vòng hộ, nhưng cứ mỗi năm con bò lại bị mất một chân.

Xem ra trong các kênh trên thì gửi tiết kiệm là đỡ đau đầu, tuy chưa có lãi suất thực dương nhưng có lãi suất danh nghĩa, đỡ rủi ro; nếu có “gan” thì “chơi” chứng khoán.