Đồng USD mạnh nhất 20 năm khiến doanh nghiệp Mỹ mất hàng chục tỷ USD lợi nhuận
Đà tăng của tỷ giá đồng USD lên mức cao nhất kể từ năm 2002 có thể cuốn phăng hàng chục tỷ USD lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ trong năm nay – theo tờ Financial Times...
Giữa lúc tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp bắt đầu chậm lại, ảnh hưởng của biến động tỷ giá động nghĩa một số công ty phải lựa chọn giữa mở rộng hay thu hẹp hoạt động trong thời gian còn lại của năm.
Một chỉ số do Goldman Sachs thực hiện đo lợi nhuận của các công ty Mỹ hoạt động chủ yếu ở nước ngoài đã giảm nhanh gấp đôi so với một chỉ số khác cũng do ngân hàng này thực hiện đo lợi nhuận của các công ty Mỹ chủ yếu hoạt động trong nước. Mức giảm tương ứng của hai chỉ số này là 15% và 7% từ đầu năm đến nay. Năm ngoái, chỉ số thứ nhất tăng khoảng 27% và chỉ số thứ hai tăng khoảng 30%. Năm 2020 và năm 2019, chỉ số đo lợi nhuận của các công ty Mỹ hoạt động ở nước ngoài đều vượt trội so với chỉ số còn lại.
Ảnh hưởng của biến động tỷ giá, chủ yếu do sự tăng giá của đồng USD, được dự báo sẽ gây thiệt hại 40 tỷ USD đối với lợi nhuận của doanh nghiệp Bắc Mỹ trong nửa đầu năm nay – theo ước tính của công ty công nghệ tài chính Kyriba. Nửa đầu năm ngoái, con số thiệt hại vì lý do tương tự là khoảng 8 tỷ USD.
Đồng USD tăng giá gây tổn thất cho lợi nhuận từ thị trường nước ngoài của các công ty Mỹ vì làm giảm giá trị của các khoản tiền mà các doanh nghiệp này kiếm được ở nước ngoài và đưa về nước, đồng thời khiến cho sản phẩm xuất khẩu từ Mỹ trở nên kém sức cạnh tranh ở thị trường nước ngoài.
Bất chấp lạm phát ở Mỹ đang ở đỉnh của hơn 40 năm, tỷ giá đồng USD gần đây tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2002. Nếu tính từ đầu năm, đồng bạc xanh đã tăng giá khoảng 9% do các yếu tố gồm lãi suất ở Mỹ tăng nhanh hơn và sức khoẻ kinh tế Mỹ tốt hơn so với các nền kinh tế chủ chốt khác của thế giới.
Hãng phần mềm Microsoft mới đây đã gia nhập danh sách những công ty lớn lên tiếng cảnh báo về ảnh hưởng của biến động tỷ giá đến lợi nhuận. Hãng này cắt giảm mạnh dự báo doanh thu một khoản 460 triệu USD, chỉ 6 tuần sau khi đưa ra những con số dự báo lạc quan.
Tháng trước, CEO Bret Taylor của hãng phần mềm Salesforce nói rằng những trở ngại về tỷ giá mà công ty đang phải đương đầu là “chưa từng có tiền lệ”, đồng thời tăng gấp đôi mức dự báo về tác động tiêu cực của tỷ giá trong cả năm lên 600 triệu USD.
Hãng bán lẻ TJX cắt giảm dự báo doanh thu năm 2022 một khoản 700 triệu USD. Hãng thời trang Guess cho biết “tỷ giá là nguyên nhân dẫn tới việc chúng tôi hiện đưa ra dự báo lợi nhuận thuần giảm sút, thay vì dự báo lợi nhuận tăng nhẹ trước đó”.
Như đã nói ở trên, sức mạnh của đồng USD hiện nay dựa trên lãi suất cao hơn ở Mỹ cũng như mức tăng trưởng tốt hơn của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, cả hai yếu tố này đều có thể sớm thay đổi.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn nhiều ngân hàng trung ương khác, nhưng việc này sẽ bắt đầu thay đổi khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt tay vào việc nâng lãi suất, nhiều khả năng từ tháng 7 này.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng đang bắt đầu chậm lại, và được dự báo sẽ giảm tốc nhiều hơn khi Fed nâng lãi suất lên cao hơn. “Tất cả cho thấy rằng chúng ta không nên kỳ vọng đồng USD sẽ tăng giá thêm nhiều, trừ khi có một nhu cầu phòng ngừa rủi ro rất lớn tập trung vào đồng tiền này”, chiến lược gia trưởng Karl Schamotta của Corpay nhận định với Financial Times.
Nhu cầu tìm kiếm “vịnh tránh bão” ở USD là một nhân tố khó đoán định. Số liệu công bố hôm thứ Sáu vừa rồi cho thấy giá tiêu dùng ở Mỹ tăng mạnh hơn dự báo, với mức tăng 8,6% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức lạm phát này khiến giới đầu tư trên thị trường tương lai đặt cược mạnh vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt trong những tháng sắp tới.
Ở thời điểm ngày thứ Sáu, giới đầu tư dự báo Fed sẽ tăng lãi suất với bước nhảy lớn 0,5 điểm phần trăm trong 4 cuộc họp liên tiếp vào các tháng 6, 7, 9 và 11, trước khi thu hẹp bước nhảy còn 0,25 điểm phần trăm trong tháng 12. Mục tiêu của Fed là khiến nền kinh tế Mỹ giảm tốc để kéo lạm phát xuống. Nhưng một số người lo ngại rằng tốc độ tăng lãi suất như vậy có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
“Tôi không cho rằng đồng USD sẽ sớm chấm dứt xu hướng tăng”, chiến lược gia trưởng George Goncalves của MUFG Securities Americas nhận định.
“Mọi người muốn USD ngừng tăng giá để họ có thể đưa ra các quyết định. Nhưng những gì đang diễn ra lại thường là một dấu hiệu cho thấy đồng USD sẽ còn tăng giá. Tôi cho rằng chúng ta còn chưa chứng kiến sự kiện thanh khoản mà ở đó đồng USD được săn lùng trong bối cảnh tâm lý ham thích rủi ro tụt giảm”.