10:30 15/11/2011

Dự án Luật Giáo dục đại học: Nên dừng!

Nguyễn Vũ

Đại biểu Quốc hội phê dự án Luật Giáo dục đại học được cho là vừa “né”, vừa như “luật khung”, “luật ống”

Đại biểu Trương Văn Vở đề nghị xác định rõ khái niệm, tiêu chí giáo dục đại học tư thục không vì lợi nhuận để làm cơ sở cho quy định chính sách ưu đãi khuyến khích qua chính sách đất đai, chính sách thuế, đặc biệt là chính sách về hỗ trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học.
Đại biểu Trương Văn Vở đề nghị xác định rõ khái niệm, tiêu chí giáo dục đại học tư thục không vì lợi nhuận để làm cơ sở cho quy định chính sách ưu đãi khuyến khích qua chính sách đất đai, chính sách thuế, đặc biệt là chính sách về hỗ trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học.
Đề nghị dừng lại vì quá nhiều bất cập khó có thể chỉnh sửa dù có thêm một kỳ họp nữa, là ý kiến của đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) về dự án Luật Giáo dục đại học.

Được thảo luận tại hội trường chiều 11/4, dự án luật này đã nhận được khá nhiều lời phê của các vị đại biểu Quốc hội khi còn rất nhiều điều chung chung với hơn 20 điều khoản cần đến sự hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong khi, giáo dục đại học đang có quá nhiều bất cập từ mô hình tổ chức đến chất lượng đào tạo đòi hỏi những quy định hết sức cụ thể để khắc phục.

Vừa né tránh và vừa như luật khung, như thế này không được, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng thể hiện sự đồng tình với ý kiến của nhiều vị đại biểu.

“Từ hội đồng trường đại học, hội đồng quản trị của trường tư thục thậm chí đến chuyện bồi hoàn học bổng, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Đại học Quốc gia cũng để Chính phủ quy định sao?”, ông Đáng đặt câu hỏi và đặt luôn tên cho dự án luật này là “luật né”.

Ngay nội dung quan trọng nhất là quy định về tính tự chủ và chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học, theo ông Đáng thì mới là nháp thôi chứ chưa phải là điều, khoản luật vì thiếu tính quy phạm pháp luật.
 
“Ngồi hết kỳ họp này và thêm một kỳ họp nữa đóng góp tôi sợ ban dự thảo cũng sẽ không làm hết, cho nên tôi mạnh dạn đề nghị là dừng lại”, ông Đáng nói, đồng thời trấn an: “Ban soạn thảo cũng nên bình tĩnh”.

Tuy nhiên, quan ngại rằng ý kiến của mình chỉ là thiểu số và Quốc hội có thể sẽ quyết định tiếp tục thông qua luật này để ban hành, ông Đáng đề nghị thay vì một Điều 28 thì cần có một chương hẳn hoi về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học.

Vì, linh hồn của giáo dục đại học là quyền tự chủ (chứ không phải tự trị) và tự chịu trách nhiệm.

Là một giảng viên đại học, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Tp.HCM) hoàn toàn thống nhất với ý kiến của đại biểu Đáng.

Điều mà giới giảng viên mong chờ là quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, theo bà Lan thì chưa được giải quyết.

Nhận xét rằng đọc sơ qua thì thấy rất hay, có tự chủ như thế này, thế kia nhưng cuối cùng bao giờ cũng thắt lại hoặc là bộ trưởng quyết định, hoặc là Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Lan sốt ruột đặt câu hỏi: “Thực sự chúng ta có muốn đại học tự chủ hay không?”.

“Khi thầy không được tự chủ thì rất khó có được những trò chất lượng, có khả năng tư duy cũng như tự chủ sau này để xây dựng đất nước”, đại biểu Lan nói.

Liên quan đến những nội dung khác, một số vị đại biểu cho rằng, ở dự án luật này, bộ vẫn tiếp tục tham gia quá sâu vào những chuyện biên soạn, xuất bản, in phát hành tài liệu giảng dạy, quy chế thi và cấp văn bằng chứng chỉ…

Đặc biệt là vẫn quy định học phí theo khung học phí đối với cơ sở công lập. Và như thế thì không thể nào đầu tư để nâng cao chất lượng được.

Điều 28. Quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học

1. Cơ sở giáo dục đại học tự chủ và tự chịu trách nhiệm về:

a) Tổ chức và nhân sự;
b) Tài chính và tài sản;
c) Hoạt động đào tạo;
d) Hoạt động khoa học và công nghệ;
đ) Hoạt động hợp tác quốc tế;
e) Bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.

2. Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm quy định tại điểm c, d và điểm đ khoản 1 Điều này phải phù hợp với các điều kiện sau đây của cơ sở giáo dục đại học:

a) Vị trí, vai trò, nhiệm vụ;
b) Năng lực thực hiện quyền tự chủ;
c) Cam kết trách nhiệm khi thực hiện quyền tự chủ;
d) Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

3. Cơ sở giáo dục đại học không còn đủ năng lực để thực hiện quyền tự chủ về đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế thì quyền tự chủ bị thu hồi; cơ sở giáo dục đại học vi phạm trong quá trình thực hiện quyền tự chủ thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan quy định cụ thể quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học về:

a) Điều kiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm;
b) Mức độ thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm;
c) Việc thu hồi quyền tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ;
d) Xử lý các hành vi vi phạm.

5. Chính phủ quy định quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của đại học quốc gia.

(Nguồn: Dự thảo Luật Giáo dục đại học trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai).