09:58 15/05/2008

Dự báo giá dầu: Quá khó!

Kiều Oanh

Ở thời điểm hiện tại, những dự báo về thị trường dầu trong cả dài hạn và ngắn hạn vẫn đang rất khác biệt

Có một sự thật là, thế giới đang “khát” thông tin minh bạch về thị trường dầu, cũng giống như thế giới đang “khát” dầu vậy.
Có một sự thật là, thế giới đang “khát” thông tin minh bạch về thị trường dầu, cũng giống như thế giới đang “khát” dầu vậy.
Ngấp nghé mức 127 USD/thùng, giá dầu thô hiện đã cao gấp hơn hai lần so với thời điểm cuối năm 2006. Đây là ngưỡng giá mà phần lớn giới quan sát trước đó đã không thể dự báo được.

Và ở thời điểm hiện tại, những dự báo về thị trường dầu trong cả dài hạn và ngắn hạn vẫn đang rất khác biệt.

Đây là một thực tế dễ hiểu. Người ta không thể dự báo đường đi của giá dầu trừ phi có trong tay những dữ liệu đáng tin cậy về nguồn cung và nhu cầu dầu - những dữ liệu mà các nhà quan sát cho rằng không bao giờ tồn tại. Có thể nói, thị trường dầu thế giới đang là một thị trường rất thiếu tính minh bạch. Tình hình càng tệ hơn khi Trung Quốc, nước có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, lại là một trong những nước mà những con số được công bố mang ít tính minh bạch nhất.

Những dự báo trái ngược

Chính sự thiếu vắng những dữ liệu chính xác về thị trường dầu thô toàn cầu là lý do chủ yếu dẫn tới sự khó đoán biết xem 3 hay 4 năm tới, giá dầu sẽ đi về đâu - đạt mức 200 USD/thùng, hay giảm về mức 80 USD/thùng. Mặc dù các thống kê hiện nay bị coi là không chính xác, giới quan sát vẫn phải sử dụng những con số này và do đó, chúng vẫn có những ảnh hưởng lớn.

Ngày 13/5, thị trường dầu thô New York đóng cửa ở mức cao kỷ lục 125,8 USD/thùng sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA công bố tính toán của cơ quan này về dự trữ các sản phẩm chưng cất (như dầu diesel và dầu sưởi) tại các nước đang phát triển đã giảm 6,7% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu đúng là dự trữ này giảm xuống, đây sẽ là một nhân tố có lợi cho giá dầu vì nó cho thấy, hoạt động sản xuất dầu không theo kịp được tốc độ gia tăng của lượng tiêu thụ.

Chủ tịch Matt Simmons của ngân hàng đầu tư Simmons & Co. International có trụ sở tại Houston cho rằng, những con số này chưa hẳn đã chính xác, nhưng ở mức độ nào đó, đây là những con số đáng lo ngại. Do đó, ông dự báo, giá dầu có thể đạt mức 200 - 500 USD/thùng trong vòng 6 tháng tới 4 năm nữa.

Tuy nhiên, các chuyên gia khác lại cho rằng, nguồn cung dầu của thế giới hiện ở mức đủ dùng. Với quan điểm này, nhà phân tích Edward Morse của tập đoàn Lehman Brothers cho rằng, chính những số liệu không chính xác đã khiến giá dầu tăng vọt. Chuyên gia này dự báo, giá dầu sẽ giảm xuống còn 83 USD/thùng vào năm tới.

Thông tin không minh bạch

Tại các quốc gia phát triển trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), dữ liệu về thị trường năng lượng có vẻ khả quan hơn, cho dù ngay ở những nước có nguồn dữ liệu phong phú như Mỹ vẫn có những thiếu nhất quán khó hiểu về các con số. Tuy nhiên, trên thực tế, dữ liệu của những nước này có ý nghĩa ít hơn đối với thị trường dầu vì hoạt động sản xuất và tiêu thụ ở đây khá bình ổn.

Còn các nước đang phát triển, nơi tốc độ tiêu thụ và sản xuất cùng đang tăng mạnh, lại không muốn công bố những số liệu chính xác vì những lý do chiến lược, hoặc vì chưa có một hệ thống hoàn chỉnh để thu thập và tổng hợp những số liệu cần thiết. Năm 2002, một tổ chức có tên Sáng kiến chung về Dữ liệu dầu lửa (JODI) đã được thành lâp với hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề về dữ liệu. Tuy nhiên, ngay trên website của mình, tổ chức này phải thừa nhận “cơ sở dữ liệu của chúng tôi còn xa tới đạt tới mức độ hoàn chỉnh”.

Trong chuyện dữ liệu, Trung Quốc - quốc gia đã trở thành nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ - là một “nút thắt” đặc biệt lớn. Theo ông Eduardo Lopez, người được IEA phân công làm nhà phân tích chính về nhu cầu dầu của thị trường Trung Quốc, Trung Quốc không công bố về nhu cầu dầu của nước này, buộc các nhà phân tích phải dự báo con số này từ những dữ liệu về sản xuất, giao dịch và dự trữ dầu thô. Thêm nữa, ở Trung Quốc có tới hàng ngàn nhà máy lọc dầu nhỏ lẻ không hợp pháp không được đưa vào thống kê chính thức.

Mặt khác, Lopez cũng cho rằng Trung Quốc đang xây dựng một kho dự trữ dầu chiến lược nhưng chưa bao giờ thừa nhận thông tin này. Nếu các chuyên gia như Lopez dự báo lượng dự trữ dầu chiến lược này của Trung Quốc ở con số thấp hơn thực tế, chắc chắn họ sẽ đưa ra con số cao hơn về tiêu thụ dầu của thị trường toàn cầu, và ngược lại.

Tình hình dữ liệu ở các quốc gia khác cũng chẳng khá hơn ở Trung Quốc. Theo ông Lopez, dữ liệu về thị trường dầu của Nga rất thiếu minh bạch. Những con số về nhu cầu thị trường ở các quốc gia như Ấn Độ và Indonesia cũng hết sức rời rạc.

Về phía nguồn cung, các nước thuộc Tổ chức Xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cũng không công bố những số liệu đáng tin cậy, một phần do có lúc họ không muốn chính thức thừa nhận rằng mình đang sản xuất vượt hạn ngạch mà OPEC cho phép. Mặt khác, các nước OPEC cũng giữ rất kín những dữ liệu về việc bao giờ thì những mỏ dầu mới bắt đầu đi vào hoạt động và bao giờ những mỏ dầu hiện tại sẽ giảm sản lượng…

Điều này khiến các tổ chức nghiên cứu thị trường dầu phải dựa trên những số liệu không chính thức về hoạt động vận tải dầu từ những công ty nhỏ lẻ, trong đó có công ty Lloyds Maritime Information Services and Petro-Logistics SA có trụ sở trên gác của một cửa hàng thực phẩm ở Geneva, Thụy Sỹ.

Đầu cơ

Những thông tin chính xác càng trở nên có giá trị hơn khi mà cả nguồn cung và nhu cầu trên thị dầu đều cùng thường xuyên có những biến động bất ngờ, nhất là trong ngắn hạn. Điều này có nghĩa là, chỉ một sự sụt giảm nho nhỏ ngoài dự kiến trong sản lượng, chẳng hạn do đình công tại các mỏ dầu của Nigeria, hay lượng tiêu thụ cao hơn dự kiến, cũng có thể khiến giá dầu tăng vọt. Mặt khác, giá dầu có thể sụt giảm mạnh nếu tốc độ tăng trưởng của nhu cầu đi xuống do kinh tế tăng chậm lại, hoặc sản lượng tăng lên khi một dự án khai thác bị trì hoãn nào đó rốt cục trở lại đúng lịch trình.

Cùng với những dữ liệu thiếu minh bạch, “thủ thuật” của một số nhà đầu tư và sự thiếu sáng suốt của một số nhà đầu tư khác cũng góp phần làm cho giá dầu trở thành “con ngựa bất kham”.

Một bằng chứng về sự bất ổn của giá dầu là biên độ cực rộng giữa các lệnh đặt cược trên thị trường quyền chọn dành cho dầu thô. Chẳng hạn, vào thời điểm ngày 13/5, trên thị trường này, những nhà đầu tư dự báo giá dầu tăng sẵn sàng bỏ 1,4 USD để mua một quyền chọn cho rằng giá dầu sẽ đạt mức trên 200 USD/thùng vào tháng 2/2009. Trong khi đó, một số khác cũng sẵn sàng bỏ số tiền tương tự cho quyền chọn cho rằng giá dầu sẽ tụt xuống mức dưới 84 USD/thùng vào cùng thời điểm.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng Larry Chorn của bộ phận thông tin năng lượng thuộc công ty McGraw-Hill Companies, nếu xét về chi phí sản xuất, mức giá dầu cao nhất hiện nay cũng chỉ là 70 - 80 USD/thùng. Nói cách khác, gần 50 USD/thùng trong mức giá dầu hiện nay là “sản phẩm” của hoạt động đầu cơ trên thị trường và “thù lao” cho những rủi ro mà nhà đầu tư có thể phải gánh chịu.

Cùng quan điểm này, nhà chiến lược hàng đầu về thị trường dầu của Lehman Brothers, ông Michael Waldron cho rằng, cơn sốt giá dầu sẽ nhanh chóng hạ nhiệt. Chuyên gia này cho rằng, tốc độ tăng của nguồn cung đang vượt tốc độ tăng của nhu cầu.

Nói cách khác, tình trạng thiếu thông tin chính xác về thị đã dẫn tới những dự báo thiếu cơ sở, đẩy mạnh hoạt động đầu cơ, khiến giá dầu cao nhiều hơn mức cân bằng. Không ít chuyên gia luôn tỏ ra tự tin trong việc dự báo giá dầu, nhưng phần lớn trong số họ đã dự báo sai, ít nhất là một lần. Có một sự thật là, thế giới đang “khát” thông tin minh bạch về thị trường dầu, cũng giống như thế giới đang “khát” dầu vậy.

(Theo BusinessWeek)