16:58 22/04/2014

Dữ liệu lớn, nhân tố thay đổi “cuộc chơi” của doanh nghiệp

P.V

Trong vài năm gần đây tập đoàn lớn thứ 3 thế giới này đang bận rộn chuyển mình trở thành “người khổng lồ” về Dữ liệu lớn

Ông Tan Jee Toon, Tổng Giám đốc IBM Việt Nam
Ông Tan Jee Toon, Tổng Giám đốc IBM Việt Nam
Trong khi nhiều người nhắc đến IBM vẫn nghĩ tới các loại máy chủ hay máy tính cá nhân (IBM bán toàn bộ dòng máy tính cá nhân cho Lenovo năm 2005), thì trong vài năm gần đây tập đoàn này đang bận rộn chuyển mình trở thành “người khổng lồ” về dữ liệu lớn và các công nghệ phân tích, và định hướng đầu tư này đang cho thấy những kết quả đáng chú ý.

Sự kết hợp giữa hơn 24 tỷ USD đầu tư để xây dựng các năng lực công nghệ liên quan đến dữ liệu lớn và hơn 30 thương vụ mua lại các công ty có liên quan đã mang lại cho tập đoàn hơn 16 tỷ USD trong năm 2013 và hơn 40.000 các hợp đồng dịch vụ liên quan trên toàn thế giới.

Ông Tan Jee Toon, Tổng giám đốc IBM Việt Nam đã chia sẻ về những cơ hội tiềm năng cho dữ liệu lớn.

Dữ liệu lớn là gì?

Dữ liệu lớn (Big Data) là khối lượng dữ liệu rất lớn được tạo ra từ mọi thứ xung quanh chúng ta, từ các thiết bị kỹ thuật số như di động, video, hình ảnh, tin nhắn tới các thiết bị cảm biến, các máy móc được kết nối (ví dụ như ôtô, máy bay hoặc các thiết bị giám sát từ xa) tới các trang web và mạng xã hội.

Dữ liệu lớn có đặc điểm là được sinh ra với khối lượng (volume), tốc độ (velocity), độ đa dạng (variety) và tính xác thực (veracity) rất lớn. Ước tính 95% dữ liệu trên thế giới là được sinh ra trong vòng 2 năm trở lại đây.

IBM ngày hôm nay và của tương lai đang thay đổi theo hướng như thế nào, thưa ông?


Ngày nay, IBM không chỉ là nhà cung cấp các hệ thống công nghệ thông tin mà trọng tâm của công ty đang chuyển dịch theo hướng lấy các phần mềm và dịch vụ làm mũi nhọn. Chúng tôi cung cấp các năng lực công nghệ để giúp các tổ chức, doanh nghiệp đưa ra các quyết định liên quan đến dữ liệu, bằng việc sử dụng các công cụ phân tích kinh doanh để “mổ xẻ” các thông tin có cấu trúc và phi cấu trúc mà họ tập hợp được.

Dữ liệu lớn và các giải pháp phân tích kinh doanh đang trở thành trung tâm trong quá trình “chuyển mình” của tập đoàn, bên cạnh điện toán đám mây và các hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin mà IBM đang dẫn đầu.

Hôm đầu tháng, IBM công bố đã được bình chọn là công ty dẫn đầu về thị phần trong lĩnh vực dữ liệu lớn (Big Data), căn cứ trên báo cáo có tựa đề “Doanh thu của các nhà cung cấp giải pháp dữ liệu lớn và dự báo thị trường” do Wikibon thực hiện.

Đây là năm thứ hai liên tiếp IBM nắm giữ vị trí số 1 trong thị trường dữ liệu lớn, vượt qua hơn 70 nhà cung cấp giải pháp khác được đánh giá trong nghiên cứu của Wikibon - một cộng đồng danh tiếng bao gồm các nhà nghiên cứu, triển khai và tư vấn công nghệ trên toàn cầu, với sứ mệnh cải tiến việc ứng dụng các hệ thống công nghệ và kinh doanh thông qua việc chia sẻ miễn phí các kiến thức về công nghệ thông tin.

Trên thế giới có nhiều nhà cung cấp các giải pháp dữ liệu lớn và phân tích kinh doanh, như Oracle, HP, Amazon....Vậy đâu là sự khác biệt của IBM?

Các tổ chức, doanh nghiệp đang gặp phải thách thức lớn trong việc hiểu rõ được các dữ liệu họ thu thập được từ vô vàn các nguồn khác nhau, từ các dữ liệu có cấu trúc được đăng ký trong hệ thống tới các dữ liệu phi cấu trúc được chia sẻ trên mạng xã hội, video, blog...

Nhằm hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp đối phó với thách thức đó, IBM đã phát triển một danh mục về giải pháp công nghệ phân tích và xử lý dữ liệu lớn. Hiện nay, hơn 400 nhà toán học cùng với 6.000 đối tác giải pháp chuyên ngành của IBM đang hỗ trợ khách hàng ứng dụng dữ liệu lớn để đổi mới tổ chức của họ.

Ngoài ra, chỉ tính riêng trong năm 2013, IBM đã được cấp tới 1.500 bằng sáng chế liên quan đến công nghệ phân tích dữ liệu và xử lý dữ liệu lớn, cũng như vẫn tiếp tục phát triển và xây dựng các giải pháp và kỹ năng trong một cộng đồng quy mô lớn với sự hợp tác với 1.000 trường đại học, 135.000 sinh viên nghiên cứu về dữ liệu lớn tại các trường đại học và một mạng lưới toàn cầu gồm 9 Trung tâm Giải pháp Phân tích (Analytic Solutions Centers).

IBM đã đầu tư lên tới 24 tỷ USD từ năm 2005 cho các thương vụ mua lại các công ty khác và hoạt động nghiên cứu phát triển liên quan đến công nghệ phân tích và xử lý dữ liệu lớn để củng cố vị thế dẫn đầu của mình trong thị trường chiến lược về công nghệ phân tích kinh doanh.

Như vậy, sự khác biệt của IBM là các khoản đầu tư khổng lồ cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển và làm việc trực tiếp với các đối tác và khách hàng để hiểu rõ nhu cầu của người sử dụng và phát triển các giải pháp phù hợp. Chúng tôi đang hỗ trợ các khách hàng đối phó và giải quyết các thách thức này ở hầu hết tất cả các ngành, từ an ninh quốc phòng cho tới y tế, bán lẻ, ôtô, viễn thông...

Rõ ràng là dữ liệu lớn đang trở thành “hiện tượng” của thời đại ngày nay. Ông nhìn nhận dữ liệu lớn và các công nghệ phân tích đang thay đổi các ngành kinh tế và thị trường việc làm như thế nào?

Mỗi ngày nền kinh tế thế giới tạo ra 2.5 exabyte dữ liệu (tương đương với dữ liệu chứa trên khoảng 625 triệu đĩa DVD). 80% lượng dữ liệu này là “phi cấu trúc”, chứa đựng rất nhiều tiềm năng nhưng lại hầu như chưa được khai thác.

Dữ liệu lớn và các công nghệ phân tích có khả năng làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của các ngành kinh tế và các nghề nghiệp, vì vậy, những mô hình kinh doanh mới dựa trên dữ liệu lớn đang được hình thành để giúp các tổ chức, doanh nghiệp tận dụng dữ liệu.

Nếu “chế ngự” thành công dữ liệu, các doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận cao hơn, có thể mở rộng, thu hút và giữ chân khách hàng, xây dựng quan hệ tốt hơn với khách hàng, hiểu rõ hơn đặc điểm và sở thích và dự đoán được nhu cầu khách hàng để đưa ra các hoạt động marketing và dịch vụ phù hợp hơn.

Nhân tố làm “thay đổi cuộc chơi” ở đây là khả năng theo dõi và phân tích dữ liệu “theo thời gian thực”. Trong các hệ thống giao dịch, tốc độ xử lý dữ liệu càng nhanh thì các nhà lãnh đạo càng ra quyết định được tốt hơn liên quan đến các rủi ro và cơ hội, và nhanh chóng xác định được các sự cố có thể xảy ra với cơ sở hạ tầng lõi, từ đó hỗ trợ người dùng hành động tức thì.

Nói cách khách, “dữ liệu nhanh” đang trở thành động lực tạo ra giá trị chủ đạo cho các doanh nghiệp sử dụng dữ liệu lớn. Các ngành bán lẻ, viễn thông, dịch vụ tài chính-ngân hàng, du lịch-khách sạn và y tế được xem là hưởng lợi nhiều nhất từ “hiện tượng” dữ liệu lớn.

Về cơ cấu nghề nghiệp tương lai trước sự bùng nổ của dữ liệu, có thể nhìn thấy trước rất rõ là các chuyên gia về dữ liệu sẽ được “săn lung”. Công ty phân tích thị trường Gartner ước tính tới năm 2015 trên thế giới sẽ có 4.4 triệu việc làm trong ngành dữ liệu lớn. Chúng ta cũng đang chứng kiến nhu cầu ngày càng tăng mạnh đối với các vị trí quản lý mới như giám đốc dữ liệu và kiến trúc sư trưởng phụ trách dữ liệu.

Theo dự báo, cũng tới năm 2015 thì 50% các công ty thuộc danh sách Fortune 500 (danh sách 500 công ty hàng đầu thế giới do tạp chí Fortune, Mỹ bình chọn) sẽ có vị trí Giám đốc Dữ liệu (CDO – Chief Data Officer).

Có thể hình dung là dữ liệu lớn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích lâu dài cho các tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngân sách dành cho công nghệ thông tin hạn hẹp, đâu là động lực ngắn hạn và trung hạn để các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào dữ liệu lớn?

Tình hình kinh doanh càng khó khăn thì các doanh nghiệp càng có nhu cầu thu hút, mở rộng và giữ chân khách hàng. Các công cụ phân tích dữ liệu lớn sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có một cái nhìn tổng thể 360 độ về nhu cầu, sở thích, thói quen....của khách hàng, từ đó tạo ra các trải nghiệm khách hàng khác biệt, xây dựng những chiến dịch marketing mang tính cá nhân hóa cao hơn và nâng cao doanh thu.

Dữ liệu lớn và các công cụ phân tích cũng cho phép các tổ chức đổi mới các quy trình tài chính và hoạt động quản lý, để đảm bảo hiệu quả chi phí cao nhất, xác định các điểm lãng phí hay gian lận.

Các tổ chức, doanh nghiệp cũng có thể nhận dạng các mối đe dọa đến hệ thống bảo mật nội bộ, cải tiến các quy trình nội bộ nhờ các phân tích theo thời gian thực về dữ liệu của các hoạt động. Và lợi ích ngắn-trung hạn quan trọng nhất là tạo ra các mô hình kinh doanh mới, dựa trên các thông tin thu nhận được từ các kênh như mạng xã hội, trang web....để điều chỉnh các dịch vụ cung cấp ra bên ngoài không chỉ với các khách hàng truyền thống mà còn với tất cả các khâu trong chuỗi giá trị.

(Nguồn: IBM)