09:07 02/03/2018

Dự thảo Luật Về hội: "Bế tắc vì quan điểm chưa rõ ràng"

Nguyễn Lê

Đến nay vẫn còn tranh cãi về dự thảo Luật, từ tên gọi cho đến phạm vi điều chỉnh, hết đưa vào rồi lại rút ra

Ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội khoá 12, lập hội và hội là hai phạm trù khác nhau cần phải được làm rõ.
Ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội khoá 12, lập hội và hội là hai phạm trù khác nhau cần phải được làm rõ.

Mặc dù không giải lao song đến tận 12h hội thảo đóng góp ý kiến cho dự án Luật Về hội do Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ cựu đại biểu Quốc hội phối hợp với tổ chức Oxfam tổ chức sáng 1/3 vẫn chưa hết ý kiến.

Góp ý gần cuối cùng, ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội khoá 12 nói đây không phải lần đầu ông tham gia vào dự thảo luật này, nhưng càng thảo luận thì càng thấy bế tắc vì quan điểm không rõ ràng.

Luật Về hội được ban hành được là để cụ thể hoá quy định của Hiến pháp về quyền lập hội của công dân.

Tuy nhiên, theo ông Vượng thì lập hội và hội là hai phạm trù khác nhau cần phải được làm rõ, quá trình soạn thảo cứ lẫn lộn hai phạm trù này nên dự thảo cứ mãi lủng củng.

Không ít ý kiến phát biểu trước ông Vượng cũng tỏ ra rất sốt suột khi mà nghe nói đến luật này đã lâu lắm rồi nhưng đến nay vẫn còn tranh cãi từ tên gọi cho đến phạm vi điều chỉnh, hết đưa vào rồi lại rút ra.

Ông Nguyễn Vi Khải, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho biết từ thời điểm chuẩn bị soạn thảo khởi đầu những năm 90 đến nay là hơn 1/4 thế kỷ dự thảo Luật Về hội "nâng lên đặt xuống". Và đây là dự luật dừng ở tầm Hiến định dài nhất về thời gian. Suốt hơn 60 năm quyền lập hội của dân chỉ ở tầm dưới luật.

Hàng trăm hội thảo, hàng ngàn bài viết suốt 20 năm qua có lẽ là kỷ lục về luận bàn trao đổi với 1 bộ luật, luật không vì cuộc sống nên 20 năm rồi vẫn bị "bật ra" ông Khải nhận xét.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn nói khi ông còn đương nhiệm thì cũng đã trình dự án Luật Về hội nhưng không được nên mới phải xây dựng nghị định. Liên quan đến những phàn nàn về dự thảo luật quá nặng về thủ tục hành chính, ông Tuấn cho rằng vẫn phải duy trì thủ tục chứ không thể phớt đi được. Hội ở Trung ương thì phải qua bộ chủ quản thì mới quản lý và thậm chí người ta bảo vệ, ở tỉnh thì  cần chủ tịch uỷ ban quyết.

Theo vị cựu Bộ trưởng thì với công chức có thể là hội viên thì được chứ không nên quản lý, tránh việc chuyển phần việc của nhà nước ra hội làm "sân sau".

Phát biểu của ông Tuấn sau đó được một vị khác nhận xét là "cũng rất bảo thủ".

Khẳng định ban hành Luật Về hội là rất cần thiết song Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh luật này phải phù hợp với chế độ chính trị ở Việt Nam, bảo đảm quyền lập hội của công dân nhưng cũng phải đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế.

Ông Tuấn cho biết trong khi luật chưa được ban hành thì Chính phủ đang sửa đổi nghị định 45 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Vị thứ trưởng cũng không nêu được nhiều thông tin mới liên quan đến những vấn đề đang còn nhiều ý kiến trái chiều được các cựu đại biểu và chuyên gia cho rằng vô lý, thiếu khả thi của dự thảo luật. Từ quyền lập hội của công dân, việc quy định các tổ chức chính trị - xã hội, các trường hợp bị hạn chế quyền hoạt động của hội cho đến hội không đăng ký thành lập, không có tư cách pháp nhân, quy định về tài chính ....

Theo dự thảo thì Luật Về hội không áp dụng đối với các tổ chức: Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Trước quan điểm "đòi" các hội khác cũng phải bình đẳng với các tổ chức trên, ông Trần Thế Vượng cho rằng đó là không tưởng.

Theo ông Vượng thì phải làm rõ  đây là luật hội hay luật để thể chế quyền lập hội của công dân, nếu là để thể chế quyền lập hội thì chỉ bàn về  quyền đó thôi.

Cái gì do dân lập ra thì đưa vào luật này còn cái nào không phải do dân lập thì thôi, ông Vượng đề nghị.

Một số vị khác nhấn mạnh quan điểm cần tiếp cận từ quyền được lập hội. Phải thống nhất quan điểm là dân có quyền còn nhà nước có trách nhiệm thực thi quyền đó để xây dựng luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khoá 12, ông Lương Phan Cừ cho rằng nếu không thay đổi tư duy quản lý hội thì không thể thực hiện quyền lập hội của công dân theo quy định của Hiến pháp được.