Đưa sản phẩm lên sàn, thị trường hàng hóa Việt sẽ “chuyên nghiệp” như Mỹ
Các cá nhân, doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm lên sàn thông qua Sở giao dịch hàng hóa để trực tiếp mua, bán với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Dù vẫn là khái niệm khá mới mẻ, song nhiều doanh nghiệp Việt tỏ ra rất hào hứng, quan tâm và nghĩ đến việc đưa sản phẩm của mình lên sàn, để giao dịch nhiều hơn với doanh nghiệp ngoại.
Bước chuyển mới từ Nghị định 51
Sở giao dịch hàng hóa không phải là hình thức mua bán mới trên thế giới, nhưng lại là khái niệm mới mẻ tại Việt Nam.
Hiểu một cách "nôm na", Sở giao dịch hàng hóa cũng tương tự như Sở giao dịch chứng khoán, có nghĩa là các bên thực hiện việc mua bán một số lượng hàng hóa nhất định với mức giá được thỏa thuận tại thời điểm giao kết hợp đồng và thời gian giao hàng được xác định tại một thời điểm trong tương lai.
Trên thế giới hiện nay có khoảng 70 Sở giao dịch hàng hóa, trong đó có những Sở giao dịch chuyên về một mặt hàng nổi tiếng như sàn chuyên về nông sản Chicago, sàn chuyên về xăng dầu New York…
Tại Việt Nam, trước năm 2005 chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa. Với sự ra đời của Luật Thương mại 2005 và Nghị định 158 năm 2006 quy định chi tiết Luật Thương mại đã đề cập đến hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa.
Tuy nhiên chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, dù Nghị định 158 đã ra đời hơn 10 năm nhưng thực tế các doanh nghiệp lại bị "bó" rất nhiều.
"Nguyên nhân vì chúng ta không có vốn, không có cơ sở vật chất, không lưu thông được với nước ngoài nên không thể phát triển được Sở giao dịch hàng hóa", ông An lý giải.
Sự ra đời của Nghị định 51 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 158 được cho là đã tạo nhiều đột phá mới, "cởi trói" cho doanh nghiệp, cứu Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam khỏi tình cảnh "sống dở chết dở".
Theo đó, Nghị định 51 có hiệu lực từ ngày 1/6/2018 sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng mà nhà nước không cấm, không thuộc danh mục các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, thì được phép mua bán trên Sở giao dịch hàng hóa.
"Trước đây các mặt hàng như cà phê, bông, thép... muốn đưa lên sàn giao dịch thì phải xin phép Bộ Công Thương và có những mặt hàng phải mất 2-3 tháng Bộ mới cấp giấy được, thì đến nay, theo Nghị định 51 những mặt hàng mà nhà nước không cấm, không phải là hàng kinh doanh có điều kiện (dầu thô, thuốc...), doanh nghiệp được phép mua bán trên sàn, không cần phải xin phép nữa", ông Lộc An nói.
Bên cạnh đó, Nghị định 51 cũng cho phép các doanh nghiệp nước ngoài được phép tham gia vào Sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam, với tỷ lệ sở hữu dưới 49% cổ phần. Doanh nghiệp ngoại cũng được phép lưu thông hàng hóa với Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam.
Ngược lại, các Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam được phép lưu thông hàng hóa với Sở giao dịch hàng hóa các nước khác.
"Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các cá nhân có thể mua bán hàng hóa thông qua các Sở giao dịch hàng hóa, nhân rộng quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ như mặt hàng cà phê, hồ tiêu... là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, trước đây không được phép bán ra, chỉ tăng cường bán trong nước nhưng hiện nay hồ tiêu Việt Nam đã được bán trên sàn Chicago và được phép giao dịch với các doanh nghiệp nước ngoài", Phó vụ trưởng Nguyễn Lộc An chia sẻ.
Đưa nông sản lên sàn sẽ thoát được cảnh bị ép giá
Để phổ biến Nghị định 51, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị liên quan đến hoạt động của Sở giao dịch hàng hóa nhằm cung cấp thêm thông tin cho các hiệp hội và doanh nghiệp Việt vào sáng 9/5.
Là doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa, có kim ngạch nhập khẩu khoảng 2-2,5 tỷ USD mỗi năm nên đại diện doanh nghiệp rất hào hứng và muốn có một sàn giao dịch mua bán hạt nhựa.
"Tuy nhiên, không biết điều kiện thành lập Sở giao dịch hàng hóa có khó không? Về danh nghĩa, Sở giao dịch hàng hóa này phải đứng tên các Hiệp hội hay như thế nào?", đại diện doanh nghiệp trăn trở.
Giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp, đại diện Vụ pháp chế (Bộ Công Thương) cho biết, điều kiện thành lập Sở giao dịch hàng hóa được quy định rất rõ tại Nghị định 51, trong đó có các tiêu chí như doanh nghiệp phải có vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng trở lên, phải có đầy đủ hồ sơ được yêu cầu để nộp lên Bộ Công Thương…
Ông Lộc An cho biết thêm, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm hồ sơ xin thành lập các Sở giao dịch hàng hoa. Sau khi được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận thì Sở giao dịch hàng hóa của doanh nghiệp có thể tiến hành giao dịch.
Trong khi đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông sản lại lo ngại về vấn đề chất lượng hàng hóa và quá trình giao, nhận hàng hóa.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương khẳng định, một trong những ưu điểm khi đưa sản phẩm giao dịch trên sàn là doanh nghiệp, nhà sản xuất, người nông dân sẽ không bị phụ thuộc vào thương lái, có thể trực tiếp giao dịch với người mua, từ đó tránh được cảnh ép giá hay rớt giá.
Mặc khác, các sản phẩm hàng hóa trước khi được giao dịch trên sàn đều trải qua quá trình kiểm nghiệm, niêm yết rõ thành phần và sẽ có giá tham chiếu để từ đó đưa ra giá bán phù hợp.
Theo ông Nguyễn Lộc An, đây cũng chính là điểm khác biệt giữa giao dịch thông qua Sở giao dịch hàng hóa và giao dịch thông qua sàn thương mại điện tử.
"Đã lên sàn giao dịch hàng hóa thì không có cà phê pin, hồ tiêu pin, cái này chỉ có ở sàn giao dịch thương mại điện tử thôi. Mua trên sàn thương mại điện tử thì không biết chất lượng thế nào, mua mà chết thì đi hỏi người bán hàng. Nhưng Sở giao dịch hàng hóa thì khác, sẽ được kiểm định chất lượng ngay từ đầu", ông An nói.