16:36 31/08/2007

“Đụng chạm” SCIC

Đến thời điểm này của năm, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước mới đưa được 10 doanh nghiệp lên sàn

Trong quá trình SCIC đi “đòi” vốn nhà nước ở các doanh nghiệp, nhiều bộ, ngành, địa phương thậm chí cố tình trì hoãn bàn giao hoặc không tổ chức bàn giao.
Trong quá trình SCIC đi “đòi” vốn nhà nước ở các doanh nghiệp, nhiều bộ, ngành, địa phương thậm chí cố tình trì hoãn bàn giao hoặc không tổ chức bàn giao.
Xóa cơ chế bộ chủ quản, có nghĩa các bộ, ngành không còn quản lý các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc nữa. Vậy những doanh nghiệp này sẽ do ai quản lý?

Đòi vốn Nhà nước không dễ

Trong kế hoạch năm 2007, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) dự kiến đưa 50 doanh nghiệp lên sàn chứng khoán. Nhưng đến thời điểm này, số doanh nghiệp lên sàn mới được 10. Đưa thêm 40 doanh nghiệp lên sàn niêm yết từ nay đến hết năm 2007 quả là một khối lượng công việc quá lớn, thậm chí khó có khả năng thực hiện đối với SCIC.

Dù sao 50 doanh nghiệp vẫn là con số nhỏ bé trong số 1.307 doanh nghiệp sẽ chuyển phần vốn nhà nước về SCIC theo quy hoạch của Chính phủ. Hiện nay, sau một năm đi vào hoạt động, SCIC đã nhận bàn giao 687 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước là 6.563 tỉ đồng, giá trị thị trường đến thời điểm hiện nay ước khoảng 29.655 tỉ. Theo kế hoạch, hết năm 2007 sẽ hoàn thành bàn giao vốn nhà nước tại khoảng 970 doanh nghiệp với giá trị sổ sách phần vốn nhà nước ước trên 7.000 tỉ đồng.

“Một năm qua, kể từ khi SCIC đi vào hoạt động với danh nghĩa đại diện cổ đông nhà nước trong các doanh nghiệp, chúng tôi cũng gặp những lực cản từ nhiều phía. Do là mô hình mới và lại đứng ra quản lý vốn đầu tư của hầu hết các doanh nghiệp nhà nước nên SCIC đụng chạm lớn đến quyền lợi của nhiều bộ, ngành, địa phương, những cơ quan trước đây là chủ sở hữu, quản lý doanh nghiệp”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SCIC, bà Lê Thị Băng Tâm nói.

Theo bà Tâm, trong quá trình SCIC đi “đòi” vốn nhà nước ở các doanh nghiệp, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa tích cực phối hợp, chỉ đạo tổ chức bàn giao, cố tình trì hoãn bàn giao hoặc không tổ chức bàn giao để bán bớt hoặc bán toàn bộ phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà không có ý kiến của Bộ Tài chính. Nhiều nơi sáp nhập hoặc giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng bàn giao về SCIC cho các tổng công ty nhà nước hiện hữu hoặc thành lập các tổng công ty nhà nước mới.

Ngoài ra, một số bộ, ngành, địa phương buông lỏng quản lý doanh nghiệp trước khi chuyển giao phần vốn nhà nước về SCIC, dẫn đến bộ máy doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả; nội bộ doanh nghiệp mất đoàn kết kéo dài, người đại diện không tuân thủ các quy định pháp luật. Bộ máy còn thiếu nhân lực của SCIC đã phải mất rất nhiều thời gian cơ cấu lại các doanh nghiệp này trong vai trò là cổ đông lớn nhất.

Mặc dù SCIC đã hoạt động một năm, và Chính phủ đã quy hoạch tương đối rõ ràng về “danh mục” doanh nghiệp nhà nước chuyển vốn về SCIC, nhưng còn không ít lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan chủ quản đề nghị thẳng với SCIC, “là quản lý thì đừng kinh doanh”, có nhiều địa phương đề nghị SCIC phải có chi nhánh, cơ sở ở đó... Và thực tế, là một cổ đông lớn trong doanh nghiệp, nhưng lãnh đạo SCIC cũng đã phải phê duyệt cả công văn làm thẻ doanh nhân APEC cho doanh nhân.

Ngay cả trong Nghị định 109/2007/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, mới được ban hành ngày 26/6/2007, vẫn có quy định yêu cầu khi cử người đại diện trong công ty cổ phần phải lấy ý kiến UBND ở địa phương. Đó cũng là quy định “khó hiểu” và gây khó khăn không nhỏ cho tiến trình tách bạch quyền sở hữu doanh nghiệp với cơ quan chủ quản. UBND các địa phương, không có liên quan gì đến quyền sở hữu doanh nghiệp nhà nước để có thể cho ý kiến về các chức danh lãnh đạo doanh nghiệp.

“Chúng tôi chỉ thực hiện quản lý vốn tại doanh nghiệp với vai trò là một cổ đông đầu tư bằng vốn nhà nước ở đó thôi, không can thiệp hành chính vào các hoạt động của doanh nghiệp”, bà Băng Tâm giải thích.

Cơ cấu tỷ trọng giá trị tài sản của SCIC tại thời điểm 31-7-2007. Nhóm A (màu vàng, chiếm tỷ trọng 74% giá trị tài sản của cả danh mục đầu tư), nhóm B (màu vàng nhạt, chiếm 19%), nhóm C (màu xanh, chiếm 7%)
Cũng vì những trì hoãn này, hồi tháng 5 vừa qua, Bộ Tài chính phải có Thông tư 47 nhắc nhở các cơ quan chủ quản khẩn trương bàn giao phần vốn nhà nước về SCIC. Nhiều bộ ngành vẫn làm theo quy định, nhưng đẩy doanh nghiệp thua lỗ đi, níu doanh nghiệp làm ăn tốt và nhiều lợi thế ở lại bằng nhiều cách.

“Một số doanh nghiệp trông thì sạch sẽ, nhưng khi đã nhận về rồi mới tá hỏa vì làm ăn thua lỗ nặng nề. Có những cơ quan chủ quản khi bàn giao sở hữu xong cũng lao đao vì hẫng hụt. Một số công ty khi rời cơ quan chủ quản cũng bối rối vì đã quen với việc làm gì cũng phải có tờ trình và được phê duyệt”, một cán bộ tham gia trực tiếp vào quá trình tiếp nhận vốn về SCIC chia sẻ với báo giới.

“Cắt gọt” mô hình SCIC thế nào?

Với mô hình tương đối giống Temasek của Singapore, SCIC muốn cơ cấu lại doanh nghiệp theo nhóm ngành nghề hoặc các doanh nghiệp có khả năng hỗ trợ, bổ trợ lẫn nhau, đưa các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tư cách là nhà tư vấn, nhà đầu tư chiến lược tham gia vào quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; phát triển quy mô vốn nhà nước do SCIC làm đại diện chủ sở hữu thông qua việc niêm yết, đấu giá doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán trong nước và nước ngoài.

Tuy nhiên, mô hình SCIC có ưu điểm tới đâu, và cần cắt gọt thế nào, thì một năm chưa đủ để kết luận. Hai thương vụ SCIC đã thực hiện thời gian qua là chuyển nhượng vốn tại liên doanh Bảo hiểm Bảo Minh-CMG cho Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi (Nhật Bản) và chuyển nhượng 30% cổ phần tại Pacific Airlines cho nhà đầu tư chiến lược là Quantas vẫn đang chờ những kết quả ban đầu.

Trong chủ trương từng bước thoái đầu tư vốn tại các doanh nghiệp nhóm C (Nhà nước không cần nắm giữ), SCIC đã thí điểm thoái đầu tư vốn tại 11 doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau, tổng giá trị ghi sổ phần vốn thoái là 113 tỉ đồng, giá trị thực tế thu về gấp 3 lần.

Nhưng ngay tại SCIC, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan còn nhiều ý kiến trái ngược nhau. Nhiều người trong cuộc cho rằng, việc thoái đầu tư tuy có tạo ra lợi nhuận nhất định, nhưng khoản lợi nhuận này chưa đáng kể so với tổng lợi nhuận thu được do nhiều lý do khách quan khác. Những ý kiến về việc bán bớt vốn nhà nước đang nắm ra thị trường chứng khoán đã gặp nhiều tranh cãi và e ngại trong thời điểm thị trường thăng hoa, nay chưa hết ý kiến vì thị trường đã đổi khác.

Và vì thế, tiến trình thoái đầu tư vẫn diễn ra quá chậm. Trong cơ cấu lợi nhuận đầu tư của SCIC, lãi thực hiện mới là 1% và cổ tức thu về (9%). Lãi chưa thực hiện trên 90%.

Trong quá trình xử lý nguồn vốn nhà nước ban đầu, còn có những doanh nghiệp hiện lợi suất đầu tư âm vài chục phần trăm do SCIC mua thêm cổ phần phát hành ở giá cao hơn mệnh giá (1.1-1.5 x), nhưng định giá cổ phần doanh nghiệp vẫn ở mệnh giá, do đó trong tính toán tạo ra lỗ và cộng thêm lỗ kỹ thuật. Ngược lại, ở các doanh nghiệp yếu lâm vào tình trạng giải thể hoặc phá sản thì sẽ phát sinh các vấn đề pháp lý và tiêu hao nguồn nhân lực và thời gian của tổng công ty này.

“SCIC đụng chạm lớn đến quyền lợi của nhiều bộ, ngành, địa phương, những cơ quan trước đây là chủ sở hữu, quản lý doanh nghiệp”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SCIC, bà Lê Thị Băng Tâm nói.

Nhìn tổng thể, dù mới phát triển ở giai đoạn đầu, nhưng SCIC vẫn có lợi thế riêng với việc đang nắm trong tay phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp như FPT, Nhựa Tiền phong, Nhựa Bình Minh, Vinamilk... Mười doanh nghiệp mà SCIC đang quản lý vốn nhà nước hiện đem lại tổng lợi tức lớn nhất cho tổng công ty (chiếm tới 98,13 % tổng lợi tức của toàn danh mục đầu tư của SCIC).

Nhưng cũng chính vì điều này, đòi hỏi của công chúng với SCIC càng khắt khe hơn, đặc biệt là về sự minh bạch và tính giải trình của SCIC trong các hoạt động của mình.