13:13 05/05/2007

Đường nhấp nhổm hạ giá

Cung tăng, cầu lại giảm, đường nhập lậu nhiều, giá đường trong nước khó lòng tăng trong thời gian tới

Cung vượt cầu chính là lý do khiến các tổ chức quốc tế dự báo giá đường thế giới sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong thời gian tới.
Cung vượt cầu chính là lý do khiến các tổ chức quốc tế dự báo giá đường thế giới sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong thời gian tới.
Niên vụ mía 2006-2007 sắp kết thúc nhưng nông dân vẫn khó hy vọng giá mía sẽ tăng vào thời điểm cuối vụ. Giá đường thế giới đang giảm và giá đường trong nước cũng khó lòng tăng...

Thừa đường!

“Đến thời điểm này của niên vụ 2006-2007, các nhà máy đường trong nước đã sản xuất trên 900.000 tấn đường”, ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), cho biết. Theo dự đoán của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lượng đường sản xuất trong niên vụ này đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chế biến thực phẩm và cả để dự trữ.

Giá đường tăng cao trong hai năm trước đã tạo động lực thúc đẩy nhiều nước mở rộng diện tích trồng mía, nhất là các nước đang phát triển. Niên vụ này, theo Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO), các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Thái Lan... đều tăng sản lượng, riêng Ấn Độ có thể đạt mức kỷ lục 24 triệu tấn nhờ tăng diện tích trồng mía và thời tiết thuận lợi...

Tổ chức Đường quốc tế dự báo, thế giới sẽ dư thừa từ 1-3 triệu tấn đường trong niên vụ này vì sản lượng sẽ đạt khoảng 155,37 triệu tấn trong khi mức tiêu thụ chỉ khoảng 152,04 triệu tấn. Mức tiêu thụ này có tăng khoảng 1,5% so với niên vụ 2005-2006, nhưng vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng bình quân 2,4% của mười năm qua.

Cung tăng, nhưng cầu lại không tăng, trước hết là do nhiều nước nhập khẩu đường lớn như Nga, Indonesia, Pakistan... có khả năng cắt giảm nhập khẩu vì lượng đường sản xuất trong nước tăng cao, hoặc do nhu cầu giảm. Dù rằng sự tăng trưởng kinh tế tiếp tục là động lực thúc đẩy nhu cầu về đường tăng lên, nhưng dự đoán vẫn khó đạt mức tăng trưởng đều đặn như những năm qua.

Theo dự báo của FAO, nhu cầu tiêu thụ đường tại các nước đang phát triển thuộc khu vực Viễn Đông, châu Á có thể đạt 54,9 triệu tấn, tăng 2,1% so với niên vụ trước nhưng vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng bình quân 3,4%/năm của mười năm qua.

Chờ hạ giá?

Cung vượt cầu chính là lý do khiến các tổ chức quốc tế dự báo giá đường thế giới sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, giá đường trắng mà các nhà máy bán ra hiện ở mức 6.500-7.100 đồng/kg, giảm 2.000-3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2006. Tháng 3 vừa qua, có một số ý kiến cho rằng giá đường trong nước giảm là do đang vào mùa thu hoạch rộ mía nguyên liệu, sản lượng đường đạt ở mức cao. Tuy nhiên đến tháng 4, giá đường vẫn không có dấu hiệu tăng dù vụ mía còn 1-2 tuần nữa đã kết thúc.

Ông Long cho rằng, giá đường Việt Nam giảm một phần do ảnh hưởng của giá thế giới, nhưng nguyên nhân không kém phần quan trọng là các nhà sản xuất nội địa đang tỏ vẻ “quyết tâm” cạnh tranh với đường Thái Lan nhập lậu bằng cách giữ giá rẻ hơn 100-200 đồng/kg. Những tháng gần đây, Casuco đã không ít lần hạ giá đường cũng vì lý do này. Đó là cách tốt nhất để đối phó với nạn buôn lậu đường qua biên giới.

Hậu quả là giá thu mua mía nguyên liệu đã tụt giảm thảm hại trong niên vụ này. Hiện nay tại ĐBSCL, có nhà máy giữ giá thu mua mía loại I khoảng 385.000 đồng/tấn, nhưng cũng có nơi như Kiên Giang, giá thu mua chỉ còn khoảng 150.000 đồng/tấn- thấp hơn mức giá cao nhất của niên vụ trước hơn 500 đồng/ki lô gam! Nhiều nơi, nông dân phải bỏ mía khô dần bởi không ai thu mua.

Quy luật thị trường đã khiến người trồng mía trả giá vì thua lỗ trong niên vụ này, nhưng người trồng mía không có cách nào khác ngoài việc phải tăng năng suất, chất lượng, chuyển dần từ kiểu sản xuất nhỏ lẻ sang trồng theo quy mô lớn để giảm giá thành, và phải tăng cường liên kết với các nhà máy...

Ông Long dự đoán, xét nhiều yếu tố thì giá đường nội địa sẽ không thể phục hồi trong thời gian tới. Và nhiều khả năng giá thực tế sẽ phụ thuộc vào giá đường Thái Lan nhập lậu có thể tăng mạnh về lượng, giảm về giá vào tháng 6 và tháng 7 tới.

Theo FAO, sản lượng đường Thái Lan trong niên vụ 2006-2007 sẽ đạt mức 6,9 triệu tấn - tăng 30% so với niên vụ trước. Như vậy, với nguồn cung tăng, mức giá lại giảm, trong khi lượng đường xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Malaysia, Nga... giảm thì nhiều khả năng lượng đường trắng dư thừa của Thái Lan sẽ xuất nhiều sang Campuchia rồi tuồn qua biên giới tràn vào Việt Nam trong những tháng tới!