13:20 01/07/2019

EVFTA: Xuất khẩu Việt Nam sang EU tăng thêm 5-8%

KIỀU LINH

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động đối với Việt Nam của hai Hiệp định EVFTA và IPA

Xuất khẩu Việt Nam sang EU được dự báo tăng thêm 5-8% trong giai đoạn 2019-2023.
Xuất khẩu Việt Nam sang EU được dự báo tăng thêm 5-8% trong giai đoạn 2019-2023.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động đối với Việt Nam của hai Hiệp định EVFTA và IPA. 

Xuất khẩu Việt Nam sang EU tăng 5-8% 

Trong báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, nhìn chung cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam và EU mang tính bổ trợ thay vì cạnh tranh. Song, lợi thế bổ trợ thương mại đang có xu hướng giảm dần, từ 55,4 xuống còn 47,51 kể từ năm 2011, mức giảm khá nhanh so với giữa các nước trong khu vực với EU. 

Kết quả tính toán cho thấy, Hiệp định EVFTA có tác động tích cực tới kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam sang EU, song do năng lực xuất khẩu của Việt Nam không thể tăng tương ứng dẫn đến tăng xuất khẩu sang thị trường này một phần lớn là do chuyển hướng thương mại từ các thị trường khác.

Điều này có nghĩa là hàng hoá từ Việt Nam dự kiến được xuất khẩu sang thị trường khác nhưng do điều kiện xuất khẩu sang EU thuận lợi hơn nên doanh nghiệp chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường EU.

"Trong trường hợp tận dụng tốt cắt giảm thuế quan và phi thuế quan cũng như thuận lợi từ các yếu tố địa chính trị- kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm với mức cao hơn, trung bình từ 5,21%-8,17% trong giai đoạn 2019-2023; 11,12%-15,27% giai đoạn 2024-2028 và 17,98%-21,95% giai đoạn 2029-2033", báo cáo đánh giá.

Các nhóm ngành xuất khẩu nhận nhiều cơ hội như: Nhóm hàng nông sản gồm gạo; đường, thịt lợn; lâm sản; thịt gia súc gia cầm; đồ uống và thuốc lá; Nhóm ngành chế biến chế tạo: một số sản phẩm thâm dụng lao động như dệt, may mặc, da giày tiếp tục có tốc độ tăng thêm rất cao, đặc biệt là sau 2025 khi phần lớn hàng rào thuế quan bị xóa bỏ.

Nhóm ngành dịch vụ gồm  các ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ vận tải, tài chính và bảo hiểm, các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác sẽ được hưởng lợi.

Tuy vậy, một số ngành như các sản phẩm từ gỗ, sản phẩm khoáng và phi kim loại, sản phẩm giấy, sẽ giảm xuất khẩu sang EU do năng lực xuất khẩu lao động và các nguồn lực khác sẽ dịch chuyển sang các ngành khác.

Về trung và dài hạn, dòng vốn FDI vào Việt Nam là nhân tố khiến xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh nhất, tiếp đến là tác động của việc cắt giảm thuế và giảm các hàng rào phi thuế quan, và sự cải thiện năng suất.

Ở chiều ngược lại, nhóm hàng Việt Nam được dự báo tăng nhập khẩu nhiều nhất từ EU là phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết; điện thoại và linh kiện điện tử, thực phẩm chế biến, đồ uống, thuốc lá và hoá chất. 

"Do xuất khẩu sang EU tăng nhanh hơn nhập khẩu từ EU, về cơ bản Hiệp định EVFTA tiếp tục làm gia tăng thặng dư thương mại của Việt Nam với EU", báo cáo nêu.

Ngân sách giảm thu trong ngắn hạn

Về tác động tới ngân sách Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, việc cắt giảm thuế quan theo FTA, ngân sách Nhà nước giảm thu do giảm thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu. Giảm thu ngân sách do tác động của EVFTA sẽ cao trong năm đầu tiên ngay khi Hiệp định có hiệu lực và giảm dần trong các năm tiếp theo đến cuối lộ trình. 

Bù lại, ngân sách Nhà nước sẽ tăng từ thu nội địa do tác động tích cực của thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Mức tăng thu ngân sách sẽ tăng dần theo mức độ tác động của Hiệp định tới tăng trưởng.

"Như vậy lợi ích của Hiệp định EVFTA về thu ngân sách sẽ được phát huy tốt hơn trong trung và dài hạn", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, Hiệp định EVFTA sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thông qua tác động tới đầu tư, thương mại, cải thiện năng suất và các tác động tới cải thiện môi trường thể chế. 

Trong ngắn hạn, tăng trưởng thương mại do giảm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan có tác động tích cực mạnh hơn đến tăng trưởng GDP của nền kinh tế. 

Tuy nhiên, trung và dài hạn, FDI và sự cải thiện năng suất là những nhân tố chính tác động đến tăng trưởng GDP và tăng trưởng thương mại và những tác động này sẽ được cộng hưởng bởi việc cắt giảm thuế và các hàng rào phi thuế quan. 

Cơ hội lớn - Thách thức không nhỏ

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc ký kết EVFTA và IPA sẽ góp phần tăng tốc tiến trình cải cách, hội nhập kinh tế theo chiều sâu của Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực thương mại truyền thống mà cả trong lĩnh vực thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, lao động.

Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, việc ký kết IPA sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài nói chung cũng như nhà đầu tư EU nói riêng về tính hấp dẫn, an toàn, thân thiện và cạnh tranh cao hơn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. 

Đồng thời, doanh nghiệp, người dân Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận, tiêu dùng và hưởng lợi các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tiêu chuẩn Châu Âu với chất lượng cao, giá cả cạnh tranh từ các nền kinh tế của Liên minh Châu Âu.

Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao vị trí, vai trò, tiềm năng của các nhà đầu tư EU về vốn, công nghệ, trình độ quản lý... 

Chính phủ Việt Nam tin tưởng rằng, việc ký kết Hiệp định IPA sẽ góp phần thu hút đầu tư với chất lượng cao từ các nhà đầu tư EU và tạo cơ hội tốt cho nhà đầu tư Việt Nam tiếp cận thị trường EU.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội nêu trên, Việt Nam cũng đang đứng trước một số thách thức trong quá trình thực thi Hiệp định như: về thể chế, chính sách, cơ chế quản lý; hệ thống kết cấu hạ tầng, trình độ công nghệ và nguồn nhân lực; năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam....

Do vậy, để hiện thực hóa những cơ hội và lợi ích từ việc thực thi các Hiệp định này, Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư, kinh doanh, theo đó sẽ nghiên cứu, rà soát, đề xuất trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Luật lao động và một số Luật về thuế... 

Đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công, khơi thông nguồn vốn cho đầu tư phát triển. 

Chính phủ cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn của Châu Âu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm để gia nhập thị trường Châu Âu một cách nhanh chóng, thuận lợi.