11:05 22/01/2009

EVN có thể vay nước ngoài để đầu tư cho điện

Từ Nguyên

Đại diện EVN nói về các mục tiêu đầu tư của tập đoàn này trong năm 2009

"Tôi xin khẳng định rằng, dù có thiếu hay đủ vốn thì chúng tôi vẫn phải đẩy mạnh đầu tư  bởi nếu không thì chắc chắn 9 nhà máy đang xây dựng sẽ không đưa vào vận hành được trong năm nay".
"Tôi xin khẳng định rằng, dù có thiếu hay đủ vốn thì chúng tôi vẫn phải đẩy mạnh đầu tư bởi nếu không thì chắc chắn 9 nhà máy đang xây dựng sẽ không đưa vào vận hành được trong năm nay".
Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ phương án tăng giá điện không quá 10% trong năm 2009, thấp hơn nhiều so với phương án dự kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Phương án trên nếu được thực thi sẽ ảnh hưởng thế nào đến kế hoạch đầu tư - kinh doanh của EVN trong năm nay? Trả lời câu hỏi này của VnEconomy, ông Đặng Hoàng An, Phó tổng giám đốc EVN nói:

- Giá điện là do Bộ Công Thương và Chính phủ quyết định, chúng tôi không muốn bình luận nhiều về điều đó.

Nhưng mức tăng mà chúng tôi đưa ra là dựa trên sự tính toán kỹ lưỡng của chúng tôi nhằm đảm bảo đủ nguốn vốn cho đầu tư và phát triển ngành điện trong những năm tiếp theo. Việc EVN phải trình Chính phủ "điều hòa" 13 dự án điện cho các chủ đầu tư khác là cũng do thiếu vốn

Vốn để đầu tư của EVN trong năm 2009 là một con số tương đối lớn, khoảng gần 50.000 tỷ đồng. Do vậy, chắc chắn chúng tôi sẽ phải tìm nhiều giải pháp để cân đối thêm.

Có thể là sẽ phải bán bớt cổ phần của các công ty đã cổ phần hóa, cổ phần hóa một số đơn vị, vay của nước ngoài…

"Thiếu hay đủ vốn thì vẫn phải đẩy mạnh đầu tư"

“Kêu” thiếu vốn, thế tại sao tập đoàn lại tuyên bố sẽ đưa việc đẩy mạnh đầu tư lên hàng đầu trong năm nay, thưa ông?

Chúng tôi đưa nhiệm vụ đầu tư lên hàng đầu là cũng để đảm bảo cho nhiệm vụ cung ứng đủ điện trong năm nay.

Cụ thể là chúng tôi sẽ phải nỗ lực hết mình cho những công trình, dự án mà chúng tôi đang đầu tư để có thể đưa vào hệ thống trong năm nay, tổng cộng là 9 nhà máy với công suất khoảng 2.996 MgW.

Tôi xin khẳng định rằng, dù có thiếu hay đủ vốn thì chúng tôi vẫn phải đẩy mạnh đầu tư, bởi nếu không thì chắc chắn 9 nhà máy đang xây dựng sẽ không đưa vào vận hành được trong năm nay.

Còn về vốn đầu tư cho EVN thì Thủ tướng cũng đã báo cáo trước Quốc hội là cần khoảng 882 nghìn tỷ đồng cho giai đoạn từ nay đến 2015. Trên cơ sở đó, chúng tôi cũng đã phân ra các dự án, cái nào đang thi công, cái nào chuẩn bị đẩu tư để bố trí vốn hợp lý.

Việc đẩy mạnh đầu tư của EVN trong năm nay cũng có nghĩa là chúng tôi không thiếu vốn cho đầu tư ngắn hạn, còn dài hạn thì vẫn chưa thể đủ được.

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, EVN hoàn toàn có thể cải thiện được vốn đầu tư nếu tiết kiệm được chi phí và giảm tổn thất điện năng, thưa ông?

Tôi xin khẳng định là doanh thu trong năm 2008 của EVN đạt trên 57 nghìn tỷ đồng và tăng hơn 13% so với năm 2007 cũng có một phần chính là do tiết kiệm.

Chúng tôi đã xử lý được 761 tỷ đồng tiền vật tư thiết bị tồn đọng, 132 tỷ đồng nợ khó đòi và tiết kiệm chi phí được 235 tỷ đồng.

Tuy nhiên, những con số trên vẫn là quá nhỏ đối với nguồn vốn để đầu tư một dự án, một nhà máy điện. Một nhà dự án điện hiện nay cần đến hàng nghìn, chục nghìn tỷ đồng cho nên nếu nói tiết kiệm để lấy tiền đó đủ để đầu tư nhà máy mới là một điều thiếu thực tế.

Còn việc giảm tổn thất điện năng thì tôi xin khẳng định là, năm 2008 là năm đầu tiên EVN đưa tổn thất điện năng về một con số, đạt 9,35%.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, tổn thất hiện nay là tổn thất bất khả kháng, có nghĩa là tổn thất về mặt kỹ thuật, do nhiệt tỏa ra trên đường dây trong quá trình truyền tải, chứ không phải là do thất thoát hay trộm cắp điện…

"Cắt điện đột ngột là lỗi của EVN"

Giảm tổn thất tốt nhất nhưng tại sao vẫn xảy ra tình trạng cắt điện đột ngột và thường xuyên, thưa ông?

Ở đây có hai vấn đề cần được hiểu đúng.

Thứ nhất, việc cắt điện là do trong năm qua chúng ta vẫn thiếu điện. Kế hoạch của EVN là cung ứng khoảng 77,2 tỷ kWh, nhưng chỉ cung cấp được 74 tỷ kWh do kế hoạch mua điện bên ngoài không đảm bảo (chỉ mua được 21,08 kWh/24,11 tỷ kWh theo kế hoạch.)

Thứ hai, chuyện để xảy ra tình trạng cắt điện đột ngột thì đó là lỗi của EVN. Nhưng tôi cũng xin được lý giải hiện tượng này để mọi người hiểu rõ hơn.

Khi có tình trạng bất thường của hệ thống do thiếu công suất, về mặt logic thì phải có sự chỉ đạo kịp thời, xuyên suốt để tiết giảm hoặc báo trước cho khách hàng kịp thời tiết giảm thì sẽ đỡ được việc cắt điện bất thường.

Tuy nhiên, trong năm 2008, khi xảy ra hiện tượng thiếu công suất thì mặc dù có lệnh tiết giảm nhưng các đơn vị ở dưới không tuân thủ, thậm chí là có nhiều công ty điện lực trong khi công suất quá tải nhưng cũng không muốn cắt điện để níu kéo khách hàng.

Đây là lỗi thuộc về ngành điện và chúng tôi xin nhận trách nhiệm này.

Hy vọng trong năm nay, với dự kiến cân đối tăng trưởng điện với GDP sẽ thấp hơn thì sức ép về thiếu điện sẽ đỡ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, mọi tính  toán trong hệ thống điện cũng không thể là tuyệt đối được vì còn liên quan đến nhiều yếu  tố khác như nguồn khí, thời tiết…

* Theo kế hoạch năm nay, EVN sẽ sản xuất và mua khoảng 83,6 tỷ Kwh, trong đó mua khoảng 25,5 tỷ Kwh, tăng hơn 1 tỷ so với năm 2008.