15:43 25/11/2008

“EVN cần xem lại các khoản đầu tư!”

Từ Nguyên

Việc EVN lãi từ đầu tư "tay trái", trong khi lại lỗ từ kinh doanh điện, là một việc cần được xem xét lại

Ông Vương Đình Huệ.
Ông Vương Đình Huệ.
Việc EVN lãi từ đầu tư "tay trái", trong khi lại lỗ từ kinh doanh điện, là một việc cần được xem xét lại.

Đó là quan điểm của ông Vương Đình Huệ, Tổng kiểm toán Nhà nước tại cuộc họp báo công bố kết quả kiểm toán Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sáng 25/11.

“Đầu tư ra ngoài đến thời điểm này là có lãi”

Ông đánh giá thế nào về việc kiểm toán EVN, một cuộc kiểm toán lớn nhất từ trước tới nay của Kiểm toán Nhà nước?

Quả thật, đây là một cuộc kiểm toán lớn nhất từ trước tới nay mà chúng tôi đã thực hiện, với hàng “núi” số liệu cần phải làm rõ.

Hơn nữa, trong thời gian qua thì dư luận vẫn đặt nhiều câu hỏi cho EVN, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến giá thành sản xuất điện, chi phí của ngành điện, đầu tư ra ngoài…

Tuy nhiên, qua kiểm toán thì kết quả cho thấy, về cơ bản, EVN đã chấp hành tương đối nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước, khả năng tài chính, khả năng thanh toán nợ trong năm 2007 của EVN về cơ bản là đảm bảo công khai và lành mạnh.

Tuy nhiên, thiếu sót của EVN  là việc để chậm tiến độ một số dự án điện trong tổng sơ đồ 6 và một số sai phạm trong quản lý tài chính và điều hành sản xuất kinh doanh ở một số đơn vị trực thuộc.

Vậy, việc EVN liên tục kêu lỗ trong năm qua có chính xác không, thưa ông?

Qua kiểm toán, tổng lợi nhuận trước thuế của EVN là 4.376 tỷ đồng.

Nếu tách riêng chênh lệch thu được từ tăng giá điện là hơn 3.400 tỷ đồng và chuyển thẳng vào quỹ đầu tư mà không hạch toán kết quả kinh doanh thì lợi nhuận của EVN chỉ còn 973 tỷ đồng, và nếu tính riêng của kinh doanh điện, thì EVN lỗ hơn 506 tỷ đồng.

Như vậy, lãi của EVN trong năm 2007 chủ yếu là thu được từ đầu tư ngoài ngành như: chứng khoán, tài chính, ngân hàng, thu cổ tức đầu tư vốn, tiền phạt vi phạm hợp đồng…

Các hoạt động đầu tư ra ngoài của EVN đến thời điểm này là có lãi, chỉ có việc đầu tư vào viễn thông mặc dù có lãi hơn 60 tỷ, nhưng chi phí phân bổ rất lớn nên sẽ gây ra nhiều tiểm ẩn rủi ro cho EVN.

Qua kiểm toán, chúng tôi đã làm rõ được, tổng giá thành tiêu thụ điện trong năm 2007 của EVN là 45.425,7 tỷ đồng, còn giá thành đơn vị là 777,25 đồng/Kwh, chưa bao gồm lãi vay.

Còn về chênh lệch do tăng giá bán điện của EVN trong năm 2007 theo Quyết định 276 của Thủ tướng thì qua kiểm toán, chúng tôi đã xác định được là EVN thu về 3.402,940 tỷ đồng.

Nhưng nếu chênh lệch này được tách riêng ra, không tính vào kết quả kinh doanh mà chuyển thẳng vào quỹ đầu tư thì trong năm 2007, EVN đã lỗ từ kinh doanh điện là 506 tỷ đồng.

Do vậy, nếu tiếp tục bán điện với giá hiện tại thì EVN sẽ tiếp tục chịu lỗ từ sản xuất, kinh doanh điện.

Nhưng hiện nay, có nhiều yếu tố khách quan có thể tác động tới việc EVN có thể giảm giá điện, ví dụ như giá dầu giảm mạnh…, thay vì phải tăng giá điện, thưa ông?

Tôi xin khẳng định là giá dầu thô thế giới giảm không tác động nhiều đến ngành điện, vì chúng ta không có nhà máy nào trực tiếp sử dụng xăng dầu, chủ yếu là thủy điện và nhiệt điện chạy than

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm toán, khi xem xét giá thành và doanh thu bán điện thì bao giờ chúng tôi cũng phải tính đến những yếu tố tác động làm tăng giá bán điện lẫn những yếu tố làm giảm giá bán điện.

Yếu tố thứ nhất làm tăng giá điện, đó là hiện nay Nhà nước vẫn bù chéo về giá bán than. Nếu tới đây Chính phủ điều chỉnh giá bán than thì chắc chắn sẽ tác động làm tăng giá thành điện.

Thứ hai là lỗ về chênh lệch tỷ giá hối đoái vì hiện nay, EVN vẫn phải đi vay trong và ngoài nước, nên khi tỷ giá biến động thì bắt buộc EVN phải tính vào giá thành điện.

Thứ ba là trong năm 2007, EVN đã có nhiều khoản doanh thu không mất tiền, như thu từ Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí 330 tỷ đồng (vì chưa phải tính chi phí). Nếu khoản này mà bị loại trừ sẽ gián tiếp làm tăng giá thành điện. Ngoài ra còn các yếu tố khác như chính sách điều chỉnh tiền lương của Nhà nước, hợp đồng giá khí trên 20 năm… cũng khiến giá thành điện phải tăng lên.

Nhưng mặt khác thì EVN cũng phải tính đến những yếu tố tác động làm giảm giá điện, như nếu mức tổn thất điện năng đến 2010 chỉ còn khoảng 8% thì sẽ tiết kiệm được hơn 1.400 tỷ đồng. Ngoài ra, các yếu tố khác cũng có thể làm giảm giá thành như công suất, giá nguyên liệu đầu vào giảm…

Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khiến cho chúng ta khó giảm giá thành vì đại đa số các nhà máy thủy điện có tổng vốn đầu tư rất lớn, thời gian thu hồi vốn rất lâu nhưng giá điện lại rất rẻ. Trong khi đó, vào mùa khô thì các nhà máy thủy điện đều phải đóng cửa và phải bù phụ tải từ nhiệt điện.

Xét tương quan như vậy, Kiểm toán Nhà nước thấy tăng giá điện trong thời gian tới là hợp lý, nhưng mức tăng và thời điểm tăng thì phải hết sức cân nhắc, và dù có tăng giá, thì EVN vẫn phải hết sức phấn đấu để hạ thấp chi phí và giá thành.

Ông nói, các nhà máy nhiệt điện chủ yếu chạy bằng than, trong khi Kiểm toán Nhà nước lại không xác định được con số 1.700 tỷ đồng mua than do EVN báo cáo. Vậy, việc tính giá thành điện của EVN có chính xác không, thưa ông?

Kiểm toán Nhà nước không xác định được 1.700 tỷ đồng chi phí than vì, khi nhập than nếu bằng tàu thủy thì người ta đo băng mức nước, còn bằng ôtô thì phải tính cả trọng lượng ôtô để tính khối lượng nhập.

Hơn nữa, hiện nay có nhiều nhà máy lại không có hệ thống đồng hồ để tính lượng than tiêu thụ nên sẽ rất khó tính toán chi tiết là khối lượng nhập về cũng như đã sử dụng là bao nhiêu.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra lượng than tiêu thụ lại được tiến hành theo phương thức kiểm kê định kỳ, và khi các đơn vị của EVN tiến hành kiểm kê lượng than thì kiểm toán viên không thể có mặt ở đó để xác nhận, nên không thể xác nhận là số liệu do EVN báo cáo là đúng, nhưng cũng không có cơ sở để khẳng định số liệu đó sai.

Do vậy, việc Kiểm toán Nhà nước không xác nhận con số 1.700 tỷ đồng này cũng là để tạo ra áp lực cho EVN trong việc kiểm soát chi phí về than.

Tuy nhiên, sau khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ, mà cụ thể là chúng tôi căn cứ vào sản  lượng điện thương phẩm do EVN sản xuất được rồi đem nhân với định mức tiêu hao nhiên liệu than theo thông số kỹ thuật để tính toán lượng than tiêu thụ thực tế thì thấy cũng không có sự chênh lệch lớn so với báo cáo của EVN.

EVN cần tập trung nguồn lực cho... điện

EVN là một đơn vị đứng đầu ngành điện, trong khi lại lỗ về kinh doanh điện và điện thì vẫn luôn luôn thiếu. Vậy, Kiểm toán Nhà nước có suy nghĩ và kiến nghị về việc chuyển đầu tư điện cho một nhà đầu tư khác?

Theo tính toán của chúng tôi, nếu số lãi từ đầu tư ra ngoài của EVN mà đem đầu tư vào điện thì cũng xây dựng được một nhà máy nhiệt điện có công suất khoảng 50 Mgw.

Do vậy, trong khi nhu cầu về điện vẫn đang có xu hướng căng thẳng thì chúng tôi đã khuyến cáo EVN là cần phải tập trung huy động các nguồn lực để phục vụ cho nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chính, tái cơ cấu lại các khoản đầu tư để tập trung cho sản xuất điện.

Nếu một đơn vị ngành điện mà lãi lớn từ ngân hàng, chứng khoán thì cũng cần phải xem xét lại.

Vậy Kiểm toán Nhà nước đã xác định con số 5.000 tỷ đồng mà EVN “kêu” là phải bù lỗ khi bán điện cho khu vực nông thôn trong năm vừa qua?

Đây không phải là EVN bù lỗ mà là bán điện giá thấp cho khu vực nông thôn theo yêu cầu của Chính phủ. Hiện nay, giá bán điện bình quân của EVN là 860 đồng/kwh, trong khi giá bán cho khu vực nông thôn chỉ là 390 đồng/Kwh. Đây là một chênh lệch tương đối lớn mà EVN phải bù chéo.

Tuy nhiên, người tiêu dùng điện ở nông thôn lại không được hưởng mức giá này vì phải qua hệ thống hợp tác xã ở địa phương quản lý và bán lại cho nhân dân.

Do vậy, hướng đề xuất của EVN là tới đây sẽ xóa bỏ việc bán cho tổng đại lý ở nông thôn để bán trực tiếp tới hộ tiêu dùng điện, nhằm đảm bảo lợi ích cho người dân.