17:34 20/10/2008

EVN trình đề án tăng giá điện

Mạnh Chung

EVN đưa ra hai phương án tăng giá điện sinh hoạt. Giá điện sản xuất được đề nghị tăng 15,5%

Giá điện cho sản xuất dự kiến tăng 15,5% so với giá hiện hành.
Giá điện cho sản xuất dự kiến tăng 15,5% so với giá hiện hành.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa trình Bộ Công Thương đề án “Giá điện theo cơ chế thị trường”, với các phương án tăng giá điện sinh hoạt và tăng 15,5% giá điện sản xuất.

Theo đề án, dự kiến việc tăng giá điện sẽ được thực hiện từ 1/1/2009.

Tuy nhiên, đề án này sẽ còn phải được Bộ Công Thương xem xét. Đề án giá điện chính thức sẽ được Bộ Công Thương trình Chính phủ vào quý 4 năm nay.

Đồng loạt tăng

Theo đề án, trên cơ sở tính toán bảng cân đối thu chi, xác định lỗ lãi từ năm 2009-2012, EVN đã đưa ra các phương án tăng giá điện như sau:

Giá điện cho sản xuất dự kiến tăng 15,5% so với giá hiện hành. Tương tự, giá bán điện cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp dự kiến tăng 16%; giá cho các đối tượng kinh doanh dịch vụ dự kiến tăng 16%.

Còn đối với giá điện sinh hoạt, đề án của EVN đã đưa ra hai phương án:

Phương án 1: bao gồm 6 nấc thang như hiện nay, dự kiến sẽ tăng bình quân mỗi nấc thang là 16% so với giá hiện hành, riêng nấc thang đầu tiên với 100 kWh đầu tăng 36% so với hiện hành.

Phương án 2: chia đôi nấc thang đầu tiên, mỗi nấc thang 50 kWh (tổng cộng có thành 7 nấc), trong đó nấc thang 1 tăng 27%, nấc thang 2 tăng 63%, các nấc thang còn lại sẽ tăng 12% so với hiện hành.

Cũng trong đề án, EVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương ban hành giá bán lẻ điện sinh hoạt thống nhất toàn quốc từ năm 2010, khung bán lẻ điện năm 2011, 2012. Trong đó, từ năm 2011, thực hiện giá theo vùng, các công ty điện lực tự định giá trong khung do Bộ Công Thương ban hành.

Còn đối với chính sách giá điện hỗ trợ người nghèo, đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, nếu mỗi hộ sử dụng 50 kWh/tháng sẽ được hưởng mức giá như hiện nay, còn trên 50kWh sẽ không được hỗ trợ. Nhưng nếu cộng ba tháng liên tiếp mà bình quân mỗi tháng dưới 50kWh, sẽ được hỗ trợ cả ba tháng.

Thực hiện tự động điều chỉnh giá

Bên cạnh đó, trong đề án tăng giá điện, EVN cũng đề nghị việc điều chỉnh giá bán điện cần phải tính đến khi các yếu tổ đầu vào thay đổi, cụ thể là: giá nhiên liệu, chi phí mua điện ngoài, chi phí chênh lệch tỷ giá, chi phí sửa chữa và chi phí khác.

Vì các chi phí đầu vào luôn trong xu hướng tăng lên trong thời gian qua, và giá điện gắn kết chặt chẽ với các chi phí này, nên theo EVN, việc điều chỉnh giá cần được thực hiện theo cơ chế tự động chứ không phải theo lộ trình.

Với cơ chế trên, cứ 6 tháng một lần, EVN sẽ đề xuất giá bán điện lên Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh, nếu các yếu tố đầu vào biến động theo chiều hướng tăng thì giá điện cũng sẽ tăng theo và ngược lại.

Nếu một tháng sau khi trình, Bộ Công Thương không có ý kiến thì EVN sẽ được tự động điều chỉnh trên cơ sở biểu giá bán điện của Chính phủ.

Bốn nguyên tắc xây dựng giá bán

Đề án của EVN cho biết, việc tính toán giá bán điện được xây dựng trên 4 nguyên tắc:

Thứ nhất, đó là mức giá bán điện bình quân cho từng năm trong chu kỳ định giá đầu tiên, cụ thể từ năm 2009 đến 2012, để nhằm đảm bảo các chỉ tiêu tài chính cơ bản của ngành, như về tỷ lệ tự đầu tư, khả năng trả nợ… và các yếu tố này được duy trì ở mức yêu cầu tối thiểu của các tổ chức tài chính quốc tế.

Thứ hai, giá bán điện bình quân qua các năm được xây dựng trên cơ sở căn cứ theo số liệu và các chỉ số bán thực của năm  2008 và số liệu dự báo ở các năm sau đó, ở cả 3 khâu: phát điện; truyền tải điện; phân phối và bán lẻ điện. Cụ thể, giá điện bình quân qua các năm là: năm 2009 sẽ là 1.017 đồng/kWh; năm 2010 và 2011 là 1.088 đồng/kWh, và năm 2012 là 1.146 đồng/kWh.

Thứ ba, để đảm bảo tính minh bạch, việc tính bán giá điện được phân tách trong từng khâu cụ thể như: giá điện sản xuất, giá truyền tải, giá phân phối, giá bán buôn và giá bán lẻ điện bình quân.

Cuối cùng, việc tính giá bán điện được thực hiện theo cơ chế giá bán điện và theo các nguyên tắc xây dựng biểu giá bán lẻ điện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.