15:04 27/03/2013

FDI vào Việt Nam: 25 năm và 100 tỷ

Anh Minh

FDI đạt con số giải ngân ý nghĩa vào thời điểm kỷ niệm 25 năm ban hành Luật Đầu tư nước ngoài

Thủ tướng nhấn mạnh đến việc cần thiết phải có những thay đổi trong chính sách thu hút và tiếp nhận vốn FDI - Ảnh: Chinhphu.vn.
Thủ tướng nhấn mạnh đến việc cần thiết phải có những thay đổi trong chính sách thu hút và tiếp nhận vốn FDI - Ảnh: Chinhphu.vn.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội nghị tổng kết 25 năm ban hành Luật Đầu tư nước ngoài cho hay, con số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giải ngân tại Việt Nam đã đạt con số 100 tỷ USD.

Bản báo cáo do Thứ trưởng Đào Quang Thu trình bày cho biết tính đến tháng 8/2012, cả nước có 14.095 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 206,8 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đã giải ngân được 97,4 tỷ USD (chiếm 47% vốn đăng ký).

Như vậy, nếu cập nhật thêm số liệu của bốn tháng cuối năm 2012 và đặc biệt là 2,7 tỷ USD giải ngân trong quý I/2013, cho đến nay, con số vốn FDI giải ngân chắc chắn đã vượt con số 100 tỷ USD, một cột mốc đầy ý nghĩa, sau một phần tư thế kỷ Việt Nam ban hành Luật Đầu tư nước ngoài.

Lượng vốn này đã làm thay đổi căn bản diện mạo nền kinh tế Việt Nam, bởi khu vực FDI là khu vực phát triển năng động nhất với tốc độ tăng GDP liên tục cao hơn tốc độ tăng trưởng cả nước. Tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI  trong GDP cũng tăng dần, từ 2% GDP năm 1992 lên 12,7% vào năm 2000 và 18,97% vào năm 2011.

FDI vào Việt Nam: 25 năm và 100 tỷ 1Năm 2012, nộp ngân sách của khu vực FDI (không kể dầu thô) là 3,7 tỷ USD, chiếm 11,9% tổng thu ngân sách.

Với chủ trương khuyến khích FDI hướng về xuất khẩu, Việt Nam đã từng bước tham gia và cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trước năm 2001, xuất khẩu của khu vực FDI chỉ đạt 45,2% tổng kim ngạch, kể cả dầu thô nhưng từ năm 2003, xuất khẩu của khu vực này bắt đầu vượt khu vực trong nước và dần trở thành nhân tố chính thúc đẩy xuất khẩu, chiếm khoảng 64% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012. 

Khu vực FDI cũng đã đóng góp ngày càng nhiều vào ngân sách, từ mức trung bình 1,8 tỷ USD trong giai đoạn 1994 - 2000 lên 14,2 tỷ USD trong giai đoạn 2001 - 2010. Năm 2012, nộp ngân sách của khu vực FDI (không kể dầu thô) là 3,7 tỷ USD, chiếm 11,9% tổng thu ngân sách.

Khu vực FDI cũng là nhân tố thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động, giúp chuyển giao công nghệ nâng cao năng lực quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp…

Tuy nhiên, vẫn theo Thứ trưởng Đào Quang Thu, vẫn còn tồn tại hàng loạt vấn đề trong hoạt động thu hút và quản lý FDI, đặt ra những nhiệm vụ mới cho công tác quản lý nhà nước trong giai đoạn sắp tới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, trong bài phát biểu dài gần một giờ đồng hồ, đã nhấn mạnh rằng “thực tiễn  25 năm qua cho thấy việc  thu  hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là một chủ trương đúng đắn, đã góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước”.

Nhưng, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh đến những yếu kém, hạn chế cần phải ra sức khắc phục trong lĩnh vực này, chẳng hạn việc tỷ trọng đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực vẫn còn mất cân đối lớn; giải ngân vốn đầu tư chậm; hiệu quả tổng hợp đầu tư nước ngoài chưa cao; đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ mới chiếm tỷ lệ thấp; đầu tư vào công nghiệp phụ trợ còn ít…

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc cần thiết phải có những thay đổi trong chính sách thu hút và tiếp nhận vốn FDI. “Tôi đã trực tiếp xem xét và chỉ đạo việc giải quyết thủ tục cho một loạt dự án lớn trong vài năm qua. Tôi nhận thấy còn rất nhiều bất cập trong chính sách và thủ tục, cần phải được giải quyết”, ông nói.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần phải nỗ lực thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; khẩn trương hoàn thiện các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách về đầu tư theo hướng thuận lợi và có tính cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực; tạo môi trường thuận lợi nhất cho thu hút đầu tư.

Đồng thời, có chính sách ưu đãi cao, đủ sức hấp dẫn đối với một số dự án hạ tầng kinh tế, xã hội có quy mô lớn, có tính lan toả và tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án hợp tác công - tư (PPP), bố trí nguồn vốn ngân sách để đầu tư đối ứng cho các dự án PPP này.

FDI vào Việt Nam: 25 năm và 100 tỷ 2Dự kiến, sau hội nghị này, một bản nghị quyết về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI sẽ được Chính phủ ký ban hành.

Một lĩnh vực cũng cần được “ưu tiên” bổ sung các quy định về ưu đãi là công nghệ cao, theo đó cần có các ưu đãi phù hợp, có tính đến nhóm các dự án công nghệ cao có doanh thu, kim ngạch xuất khẩu hàng năm lớn và sử dụng nhiều lao động. “Tôi đã xem xét tiến trình đầu tư của tập đoàn Samsung, chính sách ưu đãi hiện nay chưa ổn, cần được sửa đổi để có thể thu hút được nhiều dự án công nghệ cao như vậy”, Thủ tướng nói.

Một nội dung đáng chú ý khác trong bài phát biểu của Thủ tướng chính là việc ông đề cập đến việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tài chính ngân hàng. Theo Thủ tướng, đây là thời điểm cần có những ưu đãi mới để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, đảm bảo tính hiệu quả và chặt chẽ.

Thủ tướng cũng đề cập đến việc cần thiết phải hoàn thiện cơ chế phân cấp và công tác cấp chứng nhận đầu tư; phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương với địa phương để hạn chế thấp nhất những sai sót trong thu hút đầu tư, gây phương hại đến lợi ích chung của đất nước.

Dự kiến, sau hội nghị này, một bản nghị quyết về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI sẽ được Chính phủ ký ban hành, mà theo Thủ tướng là sẽ có những chính sách mới để thu hút đầu tư một cách thuận lợi và cạnh tranh hơn. Dự thảo nghị quyết này đã được đưa ra lấy ý kiến các đại biểu tại hội nghị này.